Polyp đại tràng – Những điều có thể bạn chưa biết 

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ

Đỗ Hoàng Hoan

Bác sĩ Tiêu hóa - Nội soi

Polyp đại tràng đa số có tính chất lành tính, tuy nhiên sự xuất hiện của chúng có thể tiềm ẩn nguy cơ tiến triển thành bệnh ung thư. Dựa vào giải phẫu bệnh (mô học), kích thước, số lượng của polyp mà có thể dự đoán khả năng phát triển thêm polyp và ung thư ở đại tràng.

1. Khái niệm polyp đại tràng

Polyp đại tràng là khối nhỏ các tế bào hình thành trên niêm mạc đại tràng (hay còn gọi là ruột già). Đa số các polyp đại tại tràng đều là vô hại. Tuy nhiên qua thời gian, một số polyp có thể phát triển thành ung thư đại tràng. Bệnh có thể gây tử vong khi tìm thấy ở giai đoạn muộn. Tất cả mọi người đều có thể bị polyp với số lượng nhiều hoặc ít tùy theo trường hợp.

Polyp thường không gây ra triệu chứng khi chúng xuất hiện. Mọi người cần tầm soát bệnh thường xuyên như: Nội soi đại tràng vì polyp ở đại tràng phát hiện ở giai đoạn sớm có thể cắt bỏ hoàn toàn và không gây nguy hiểm.

 Polyp đại tràng là bệnh lý thường gặp ở hệ tiêu hóa

Polyp đại tràng là bệnh lý thường gặp ở hệ tiêu hóa

2. Các triệu chứng do polyp ở đại tràng gây ra

Thông thường polyp chỉ được phát hiện khi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc đang chẩn đoán bệnh lý khác. Như đã nói ở trên, polyp ít khi gây ra triệu chứng. Tuy nhiên một số trường hợp sẽ có các dấu hiệu giúp nhận biết bệnh.

2.1. Chảy máu từ trực tràng do polyp đại tràng

Khi đi vệ sinh bạn có thể thấy máu dính trên đồ lót hoặc giấy vệ sinh. Đây có thể là dấu hiệu của polyp ở đại tràng hoặc ung thư. Một số bệnh lý khác cũng có thể có biểu hiện tương tự như: Nứt hậu môn, trĩ.

2.2. Thay đổi thói quen đại tiện

Sự hiện diện của khối polyp to ở đại tràng sẽ gây ra tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài hơn một tuần. Tuy nhiên đây chỉ là nghi ngờ vì nhiều bệnh lý khác cũng mang dấu hiệu như vậy. Bạn cần tới bệnh viện để thăm khám cụ thể hơn.

2.3. Thay đổi màu phân do polyp đại tràng

Quan sát kỹ phân thấy xuất hiện những vệt đỏ là máu hoặc phân có màu đen. Đây là hiện tượng xuất huyết tại đại tràng dẫn tới thay đổi màu sắc bình thường của phân. Sự thay đổi màu sắc của chất thải còn có thể do thức ăn hoặc loại thuốc bạn đang uống.

2.4. Thiếu máu

Polyp bị chảy máu xảy ra từ từ theo thời gian nên đôi khi không thể nhìn thấy máu trong phân. Chảy máu mạn tính gây thiếu sắt để sản xuất các chất cho phép hồng cầu mang lượng oxy cần thiết đến cho cơ thể. Kết quả dẫn tới thiếu máu do thiếu sắt khiến cơ thể mệt mỏi, khó thở.

Thêm một triệu chứng khi có polyp là đau bụng, buồn nôn. Đây là dấu hiệu hiếm gặp. Polyp ở đại tràng kích thước lớn có thể gây cản trở đường ruột gây buồn nôn, đau bụng do tắc ruột.

3. Bệnh nhân cần khám bệnh khi

Nếu thấy các dấu hiệu này bạn cần tới gặp bác sĩ chuyên khoa ngay:

– Đau bụng;

– Xuất hiện máu trong phân;

– Thay đổi thói quen,giờ giấc đi ngoài kéo dài hơn một tuần.

Bạn cần kiểm tra polyp định kỳ nếu:

– Bạn ở độ tuổi trên 50;

– Trong gia đình, người thân xung quanh từng bị ung thư đại tràng.

Bệnh nhân cần đi khám khi có cảm giác đau bụng

Bệnh nhân cần đi khám khi có cảm giác đau bụng

4. Nguyên nhân gây ra polyp tại đại tràng

Hiện tại vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra polyp đại tràng nói riêng, polyp đường tiêu hóa nói chung. Các tế bào khỏe mạnh phát triển và phân chia có trật tự. Các chuyên gia cho rằng việc đột biến ở một số gen có thể làm tế bào tiếp tục phân chia ngay cả khi không cần tế bào mới. Sự tăng trưởng không thể kiểm soát này làm hình thành polyp. Chúng có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào trong đại tràng.

5. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh

Polyp có thể xuất hiện ở mọi đối tượng nhưng các trường hợp dưới đây sẽ có nguy cơ cao bị bệnh hơn người bình thường.

– Độ tuổi: Polyp xuất hiện phổ biến hơn ở những người trên 50 tuổi.

– Những người có tiền sử bị ung thư đại tràng hoặc polyp. Bạn cũng có nguy cơ xuất hiện polyp tại ruột già nếu bị ung thư tử cung hoặc ung thư buồng trứng trước 50 tuổi.

– Uống rượu và hút thuốc lá.

– Tình trạng thừa cân, lười vận động cũng có nguy cơ cao bị polyp.

– Các bệnh viêm ruột, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng có thể gây ra polyp.

– Bệnh ở hệ tiêu hóa thường có tính di truyền vì vậy nếu trong gia đình từng có người mắc bệnh thì bạn cũng dễ xuất hiện polyp tại đại tràng.

Những người cao tuổi dễ bị polyp ở đại tràng hơn

Những người cao tuổi dễ bị polyp ở đại tràng hơn

6. Cách chẩn đoán polyp ở đại tràng

Khi polyp trong đại tràng xuất hiện bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ và kiểm tra xem có ung thư hay không. Đa số các polyp được loại bỏ trong quá trình nội soi ở đại tràng. Một số cách chẩn đoán polyp thông thường khác như:

– CT scan (Cắt lớp điện toán);

– Nội soi đại trực tràng;

– Chụp X – quang đại tràng.

7. Điều trị polyp đại tràng và những vấn đề liên quan

Các khối polyp khi được phát hiện nên được loại bỏ sớm để tránh gây ra các vấn đề về sức khỏe. Bên cạnh đó bạn cũng cần biết về những rủi ro và cách chăm sóc sau khi cắt polyp.

7.1. Điều trị

Bác sĩ sẽ cắt bỏ các polyp khi phát hiện bằng các phương pháp:

– Cắt bỏ trong quá trình tầm soát: Polyp được loại bỏ bằng vòng thắt hoặc sinh thiết.

– Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu: Đối với các polyp có kích thước lớn không thể cắt trong khi tầm soát thì cần phẫu thuật xâm lấn tối thiểu (Cắt qua ngã hậu môn TEO, mổ nội soi).

– Cắt đại tràng và trực tràng nếu bạn bị hội chứng di truyền hiếm gặp như FAP.

7.2. Cắt polyp đại tràng có nguy cơ gì xảy ra?

Cắt polyp trong quá trình nội soi là tiến trình ngoại trú thường quy. Khả năng xảy ra biến chứng thấp gồm: Chảy máu từ vị trí cắt, thủng đại tràng. Chảy máu từ chỗ cắt polyp  có thể gặp ngay trong khi cắt hoặc vài ngày sau. Tuy nhiên tình trạng chảy máu hầu như luôn luôn được cầm trong tiến trình thực hiện.

7.3. Theo dõi chăm sóc

Nếu bạn có polyp răng cưa hoặc polyp tuyến thì sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư đại tràng. Mức độ và nguy cơ sẽ phụ thuộc vào kích thước, đặc điểm, số lượng của polyp tuyến được cắt bỏ. Bác sĩ sẽ đề nghị bạn thăm khám định kỳ để theo dõi polyp.

– Trong 5 năm với 1, 2 u tuyến nhỏ.

– Trong 3 năm khi có nhiều hơn 2 polyp với kích thước hơn 1cm.

– Dưới 3 năm khi có hơn 10 u tuyến.

– Trong vòng 6 tháng khi u tuyến có kích thước rất lớn.

Ăn nhiều rau xanh giúp nâng cao sức khỏe

Ăn nhiều rau xanh giúp nâng cao sức khỏe

8. Biện pháp phòng polyp trong đại tràng

Mặc dù vẫn chưa thể xác định rõ nguyên nhân nhưng bạn có thể thực hiện một số cách sau để giảm nguy cơ polyp phát triển.

– Hạn chế sử các loại đồ uống có chất kích thích.

– Ăn nhiều rau xanh, trái cây.

– Hạn chế ăn thức ăn chứa nhiều muối và dầu mỡ.

– Giữ cân nặng ổn định, hạn chế tăng cân không kiểm soát.

– Ăn nhiều thực phẩm chứa canxi: Bông cải xanh, phô mai, sữa.

– Uống aspirin liều thấp hàng ngày để ngăn ngừa polyp (Bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn về định lượng).

Mong rằng bạn đã hiểu rõ hơn về polyp đại tràng qua bài viết. Khi có polyp bạn không nên chủ quan mà cần tiến hành thăm khám cụ thể để giúp phát hiện sớm những nguy cơ có thể xảy ra.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital