Xét nghiệm có thai là một trong những bước cần phải có để bắt đầu một thai kỳ. Hiện nay có 2 phương pháp xét nghiệm chính và được sử dụng nhiều nhất đó là: Xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu. Cả hai xét nghiệm này đều dựa theo việc phát hiện của sự hiện diện nội tiết tố là hCG. Vậy phụ nữ mang thai cần sử dụng phương pháp nào là tốt nhất và sự khác biệt giữa hai phương pháp này là gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về các phương pháp xét nghiệm có thai hiện nay
1.1 Xét nghiệm nước tiểu
Xét nghiệm nước tiểu thực chất là việc sử dụng que thử thai mà chúng ta vẫn thường sử dụng hiện nay. Bạn có thể sử dụng que để thực hiện kiểm tra vào bất kỳ thời gian nào trong ngày. Tuy nhiên, để mang lại kết quả chính xác nhất bạn nên tiến hành vào buổi sáng.
Que thử thai được thực hiện qua các bước như sau:
– Bước 1: Cho nước tiểu vào lo đựng
– Bước 2: Lấy que thử thai và cắm theo hướng mũi tên chỉ xuống dưới
– Bước 3: Đặt que thử thai vào lọ, tránh để cho nước tiểu vượt quá mũi tên, sau đó chờ đợị kết quả.
Sau 5 phút để que thử thai vào lọ, nếu như thấy xuất hiện 2 vạch đỏ tức là báo hiệu bạn đã có em bé. Ngược lại, nếu như trên que thử chỉ có một vạch thì sẽ cho thấy rằng bạn chưa có thai. Nếu như không thấy có xuất hiện vạch nào tức là que thử có khả năng bị hỏng hoặc nước tiểu chưa đạt đủ mức yêu cầu.
Xét nghiệm có thai bằng nước tiểu cho ra kết quả chính xác đến 97%. Bác sĩ khuyến cáo rằng, bạn nên tiến hành thử thai sau 2 tuần tính từ thời điểm cuối cùng bạn có kinh hoặc 2 tuần sau khi chuyển phôi. Đối với trường hợp cho ra kết quả âm tính nhưng cơ thể bạn vẫn có những dấu hiệu như mất kinh, buồn nôn, đau ngực, mệt mỏi thì hãy chờ thêm 1 tuần và thử thai lại lần nữa hoặc tiến hành xét nghiệm máu.
1.2 Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu thực chất là một loại xét nghiệm để kiểm tra nồng độ Beta-Hcg có trong máu của người mẹ. HCG là một loại hormone có tên đầy đủ là Human Chorionic Gonadotropin, được tiết ra từ hợp bào nuôi và có vai trò kích hoạt các tế bào mầm của thai nhi phát triển. Hormone hCG còn có nhiệm vụ kích thích tiết ra hormone sinh dục, giúp quy định hình thành giới tính thai nhi.
Hormone hCG xuất hiện ngay sau khi trứng được thụ tinh và làm tổ trong niêm mạc tử cung, nồng độ đạt tối đa khi bào thai được 2,5 tháng tuổi và ổn định đến lúc sinh. Do đó, sự hiện diện của Hormone hCG trong máu là bằng chứng rõ ràng nhất thông báo của dấu hiệu thai nghén.Mục đích của xét nghiệm máu là để đánh giá tình trạng sức khỏe thai phụ và em bé, đồng thời cũng giúp dự đoán các nguy cơ có thể xảy ra trong thai kỳ và thời điểm vượt cạn.
2. Loại xét nghiệm có thai nào cho ra kết quả chính xác nhất
Trong 2 phương pháp được kể trên thì phương pháp xét nghiệm máu có khả năng cho ra kết quả chính xác hơn. Mặc dù tuy không tiện lợi như việc sử dụng que thử thai nhưng xét nghiệm máu có khả năng xác định chính xác nồng độ beta HCG do nhau thai sản sinh trong máu của mẹ. Đồng thời, xét nghiệm này cũng có khả năng đo được nồng độ hormone HCG rất nhỏ trong máu, vì thế có thể phát hiện được việc mang thai sớm ở phụ nữ ngay cả khi chưa có dấu hiệu bị trễ kinh. Trong khi đó, que thử thai chỉ phát hiện được loại hormone này trong nước tiểu, khi đã đạt một nồng độ nhất định. Vì vậy, xét nghiệm máu thường mang lại kết quả chính xác hơn so với dùng que thử thai.
Đối với việc xét nghiệm bằng nước tiểu, để có được kết quả chính xác sẽ cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố như là:
– Mẹ đã thực hiện đúng theo các bước hướng dẫn hay chưa?
– Thời điểm tiến hành thử thai sau khi trứng được thụ tinh mấy ngày? Khi đó trứng đã được thụ tinh và làm tổ trong tử cung chưa?
– Chất lượng của que thử thai có tốt không?
Ngoài ra, xét nghiệm nước tiểu bằng que thử sẽ chỉ dừng ở việc thông báo cho mẹ biết đã thực sự có thai hay chưa còn với xét nghiệm máu thì ngoài khả năng đó còn giúp bác sĩ biết được tuổi của thai nhi, tình trạng dị tật bẩm sinh bất thường, khả năng mang thai ngoài tử cung.
3. Một số lưu ý cho mẹ bầu khi thực hiện xét nghiệm máu phát hiện có thai sớm
Bất kỳ xét nghiệm có thai nào cũng cần có những quy định cụ thể để việc xét nghiệm mang lại hiệu quả cao nhất, giảm thiểu sai số khi đưa ra kết quả. Với xét nghiệm máu cũng vậy, dưới đây là một số lưu ý cho mẹ bầu như sau:
– Xét nghiệm máu để phát hiện có thai hay không sẽ khác so với những loại xét nghiệm khác ở chỗ đó là bạn sẽ không cần phải nhịn ăn trước khi thực hiện xét nghiệm. Thời điểm thích hợp nhất để lấy mẫu máu thực hiện xét nghiệm là vào buổi sáng.
– Đặc biệt lưu ý, mẹ bầu không nên uống nước có gas, bia rượu hay nước chè cũng như một số các loại đồ uống có cồn khác trước 12 tiếng, trước khi tiến hành làm xét nghiệm máu để đảm bảo một kết quả chính xác nhất.
Kết quả của xét nghiệm máu sẽ cho biết được chỉ số của nồng độ HCG có trong máu của bạn. Dựa vào chỉ số này, bác sĩ có thể khẳng định được rằng bạn đang có thai hay là không.
– Nồng độ HCG dưới 5 mIU/ml: Kết quả này âm tính với thai kỳ có nghĩa là bạn không có thai.
– Nồng độ HCG trên 25 mIU/ml: Kết quả này dương tính với thai kỳ có nghĩa là bạn đã có thai.
– Nồng độ HCG nằm trong khoảng 5 – 25 mIU/ml: Kết quả này chưa thể kết luận được chính xác có thai hay không. Vì vậy, bạn sẽ cần phải làm thêm các xét nghiệm khác và theo dõi chỉ số HCG có hiện tượng tăng lên trong những ngày tiếp theo không.
Và để cho kết quả chính xác nhất, bạn nên tiến hành xét nghiệm máu khoảng 2 tuần sau khi đã có quan hệ tình dục.
Có thể thấy rằng, để biét có thai hay không là một việc không quá phức tạp mà bạn có thể chủ động tự làm tại nhà hoặc gặp trực tiếp bác sĩ. Với mỗi phương pháp xét nghiệm sẽ đều có những ưu và nhược điểm riêng. Xét nghiệm nước tiểu thì đơn giản và có thể thực hiện bất cứ lúc nào, xét nghiệm máu hơi phức tạp hơn một chút và cần có thời gian chờ đợi nhưng ngoài cho ra kết quả có thai hay không còn giúp mẹ bầu biết được thêm những chỉ số quan trọng đối với thai kỳ. Vậy nên, mẹ bầu có thể tùy vào tình hình hiện tại và lựa chọn phương pháp phù hợp nhé.