Phương pháp tán sỏi bàng quang hiệu quả nhất được xác định là tán sỏi nội soi ngược dòng. Giải pháp này giúp người bệnh phải chịu bất cứ vết mổ nào, không để lại sẹo mà vẫn tiếp cận được với những viên sỏi to và rắn để phá vỡ, loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể.
Menu xem nhanh:
1. Phương pháp tán sỏi bàng quang nội soi ngược dòng là gì?
Tán sỏi nội soi ngược dòng là giải pháp tán sỏi công nghệ cao không can thiệp dao kéo, giúp loại bỏ sỏi bàng quang một cách nhẹ nhàng nhất. Dụng cụ nội soi sẽ được luồn qua niệu đạo, tiến vào bàng quang, xác định và tiếp cận chính xác vị trí của viên sỏi. Năng lượng laser sẽ được phát ra để bắn vỡ sỏi thành mảnh vụn, những mảnh vụn này sẽ được bác sĩ bơm hút ra ngoài.
Nguyên lý của giải pháp này là sử dụng công nghệ cao tác động từ ngoài vào trong để sỏi không thể trốn thoát. Phía trong, dùng ống nội soi đi ngược từ lỗ tiểu lên niệu đạo đến bàng quang tiếp cận tới vị trí sỏi, đồng thời bên ngoài màn hình siêu âm cũng hiện rõ hình ảnh bàng quang và hệ tiết niệu. Điều đó giúp bác sĩ xác định đúng vị trí của sỏi để dùng năng lượng laser bắn vỡ sỏi mà không ảnh hưởng đến cơ quan lân cận. Quan trọng nhất là phương pháp này được tiến hành theo đường “tự nhiên”, không dao kéo, không vết mổ mà có thể xử lý triệt để sỏi bàng quang dù kích thước to hay nhỏ.
2. Ưu và nhược điểm của phương pháp tán sỏi bàng quang ngược dòng
2.1. Ưu điểm của phương pháp tán sỏi bàng quang ngược dòng
Đang dần thay thế mổ mở truyền thống, phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng có những ưu điểm nổi bật như sau:
– Không để lại sẹo, không có các biến chứng sau mổ: Dụng cụ nội soi được đưa trực tiếp vào lỗ tiểu rồi tiến lên bàng quang chứ không cần mổ, do đó có thể lấy sỏi ra ngoài mà không ảnh hưởng đến thẩm mỹ, bệnh nhân cũng không phải chịu đau đớn do vết mổ, tránh được các biến chứng như chảy máu hay nhiễm trùng sau khi mổ.
– Loại bỏ được sỏi bàng quang đa kích thước: Sỏi bàng quang có kích thước bé hay lớn đều có thể áp dụng giải pháp tán sỏi ngược dòng.
– An toàn, phục hồi nhanh: Thời gian ca tán sỏi chỉ từ 30 – 60 phút, bệnh nhân được gây tê tủy sống nên không đau đớn. Sau 1 ngày nằm viện theo dõi, nếu sức khỏe ổn định, bệnh nhân sẽ được xuất viện về nhà.
2.2. Nhược điểm của phương pháp tán sỏi bàng quang ngược dòng
Mặc dù phương pháp có thể áp dụng cho đại đa số người bệnh dù sỏi lớn hay bé, tuy nhiên vẫn có một số trường hợp nằm trong đối tượng chống chỉ định, cụ thể như:
– Bệnh nhân hẹp niệu đạo, viêm niệu đạo (không thể đưa dụng cụ nội soi vào qua niệu đạo)
– Bệnh nhân mắc u xơ tuyến tiền liệt
– Bệnh nhân nhiễm khuẩn đường niệu (trường hợp này cần điều trị khỏi bệnh rồi mới xác định có tán sỏi ngược dòng được không)
– Bệnh nhân gặp các vấn đề đông máu…
Ngoài ra, sỏi quá rắn, lớn quá mức thì có thể cần mổ mở để lấy sỏi ra ngoài.
Tán sỏi nội soi ngược dòng cũng có thể xuất hiện một số biến chứng như gây tổn thương bàng quang, sót sỏi do ống nội soi không tiếp cận chính xác tới vị trí sỏi. Điều này hiếm khi xảy ra và phụ thuộc nhiều vào yếu tố chuyên môn và kinh nghiệm của bác sĩ. Do đó, nếu muốn hạn chế các nhược điểm và biến chứng, người bệnh cần cân nhắc lựa chọn cơ sở y tế có đội ngũ bác sĩ giỏi, đủ điều kiện để thực hiện ca tán sỏi và có kinh nghiệm xử lý những tình huống phát sinh trong quá trình tán.
3. Sỏi bàng quang nguy hiểm như thế nào?
Sỏi bàng quang có nguy hiểm không, có cần thiết phải điều trị không… là băn khoăn của rất nhiều bệnh nhân. Nhiều người tình cờ phát hiện ra sỏi khi chưa có triệu chứng rõ ràng, nghĩ rằng cũng không gây ảnh hưởng gì nên không điều trị. Thế nhưng, sỏi bàng quang phát triển với kích thước lớn lại vô cùng nguy hiểm, cụ thể gây ra những vấn đề sau:
3.1. Sức khỏe sa sút nghiêm trọng
Viên sỏi tăng kích thước, di chuyển và cọ xát trong hệ tiết niệu khiến người bệnh đau buốt, khó chịu kéo dài. Đặc biệt nam giới thường bị đau dương vật khi đi tiểu. Người bệnh gặp những cơn đau buốt khi đi tiểu do sỏi chèn ép, làm tắc cổ bàng quang. Quá trình đi tiểu cũng vô cùng khó khăn khi người bệnh bị tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu không hết. Những hiện tượng trên kéo dài khiến sức khỏe người bệnh giảm sút, thậm chí ăn không ngon ngủ không yên.
3.2. Bị viêm bàng quang cấp và mạn tính
Bàng quang sẽ bị viêm nếu hiện tượng cọ xát, di chuyển của sỏi diễn ra lâu ngày. Nước tiểu không thoát ra hết khỏi bàng quang khiến nơi đây trở thành môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây viêm bàng quang. Nếu không được điều trị nhanh chóng, tình trạng viêm sẽ chuyển từ cấp tính sang mạn tính, thậm chí viêm ngược lên niệu quản và thận, ảnh hưởng nặng nề đến chức năng thận.
3.3. Gây rối loạn chức năng bàng quang, thậm chí vô niệu
Sỏi chèn ép gây tức nghẽn, sỏi kẹt niệu đạo khiến dòng nước tiểu bị chặn đứng. Tình trạng này kéo dài dẫn đến chức năng bàng quang bị rối loạn, người bệnh không đi tiểu được có thể gây vô niệu.
3.4. Chức năng thận giảm, suy thận cấp và mạn tính
Khi tình trạng sỏi ở bàng quang gây viêm nhiễm ngược dòng, thận bị ứ nước, viêm nhiễm tiết niệu… Lâu dần, thận bị suy giảm chức năng, bị suy thận cấp tính và mạn tính, thậm chí dẫn đến vỡ thận, hỏng thận.
Với phương pháp tán sỏi bàng quang nội soi ngược dòng, người bệnh đã có thể an tâm hơn khi điều trị sỏi bàng quang. Bởi phương pháp này xử lý sỏi nhanh chóng, nhẹ nhàng và rất an toàn. Vì vậy, người mắc sỏi bàng quang nên điều trị sớm sỏi để tránh những biến chứng và nguy hiểm gây ra từ sỏi bàng quang, đồng thời tiết kiệm được nhiều chi phí như thời gian và tiền bạc.