Sau sinh mổ, những cơn co tử cung bắt đầu co bóp mạnh và nhiều để đẩy các mô thừa, máu, dịch nước ối thừa ra ngoài. Vì vậy, cơn đau dạ con hình thành, là một trong những hiện tượng phổ biến mà sản phụ có thể gặp phải sau sinh. Nhiều sản phụ chia sẻ, đau dạ con giống như đau đẻ lần thứ 2. Vậy đẻ mổ đau dạ con bao lâu? Sản phụ cần làm gì để kiểm soát tình trạng này?
Menu xem nhanh:
1. Hiện tượng đau dạ con sau sinh
Trong thời gian mang thai, tử cung của người phụ nữ không ngừng giãn nở theo kích thước, sự phát triển của thai nhi. Với kích thước ban đầu chỉ bằng một quả lê, sau khi mang thai, tử cung có thể tăng kích thước nhanh chóng và cuối cùng sẽ tương đương với một quả dưa hấu.
Sau khi em bé chào đời, bác sĩ sẽ dọn sạch tử cung, loại bỏ nhau thai. Lúc này, tử cung bắt đầu quá trình co bóp để trở lại kích thước ban đầu. Những cơn co này đồng thời giúp đẩy những mô, tế bào còn sót lại tại nội mạc tử cung, nước ối, những cục máu đông và dịch tiết từ tổn thương tại cổ tử cung,… ra ngoài.
Với áp lực lớn, những cơn co tử cung sẽ gây ra cảm giác đau cho sản phụ sau sinh. Cơn đau thường kéo dài khoảng 3 ngày sau sinh, thậm chí có những trường hợp kéo dài nhiều hơn. Thông thường, sản phụ sẽ cảm thấy cơn đau trở nên dữ dội nhất vào 2 ngày đầu. Tuy nhiên, sau ngày thứ 3, cảm giác đau sẽ giảm dần. Đây chính là cơn đau dạ con.
Cơn co tử cung mạnh không có gì đáng để lo ngại. Ngược lại, nếu tử cung co mạnh, áp lực lớn, sản dịch càng được đẩy ra nhanh, mau sạch, tử cung cũng phục hồi sớm hơn. Từ đó, chị em sẽ không phải chịu đựng cơn đau dạ con quá lâu.
Với những sản phụ sinh con lần đầu, tử cung co giãn tốt hơn, đàn hồi tốt hơn, từ đó cơn đau cũng sẽ bớt khó chịu hơn.
Nhắc đến triệu chứng của cơn đau dạ con, các mẹ sẽ thường mô tả nó giống như cơn đau khi tới kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, không phải đối với trường hợp nào cường độ cơn đau cũng giống nhau. Ở những sản phụ sinh con lần đầu, cơn đau dạ con nhẹ, không quá khó chịu là do trương lực các cơ tử cung vẫn khá tốt, tử cung có thể co bóp và trở về trạng thái ban đầu một cách dễ dàng.
Những sản phụ sinh con lần 2, lần 3, cơn đau dạ con lại có triệu chứng khác. Lúc này, trương lực các cơ tử cung kém hơn, tử cung co bóp yếu, thời gian phục hồi lâu hơn. Từ đó, cơn đau dạ con cũng kéo dài hơn, cường độ cơn đau cũng khó chịu hơn so với sinh con lần đầu.
Ngoài ra, do sức khỏe yếu, khả năng chịu đau kém hơn sau sinh, sản phụ thường cảm nhận cơn đau dạ con rất nặng nề, thậm chí ví đây như “lần đau đẻ thứ 2”. Đặc biệt, những mẹ sinh mổ sẽ đau dạ con nhiều hơn, dữ dội hơn các mẹ sinh thường.
2. Phụ nữ đẻ mổ đau dạ con bao lâu? Kiểm soát cơn đau dạ con như thế nào?
Phụ nữ đẻ mổ thường phải chịu đựng những cơn đau dạ con dữ dội hơn, kéo dài hơn phụ nữ sinh thường. Vậy, bao lâu thì cơn đau này chấm dứt?
2.1. Phụ nữ đẻ mổ đau dạ con bao lâu?
Thông thường, phụ nữ đẻ mổ phải chịu đựng cơn đau dạ con trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 ngày sau sinh. Bên cạnh đó, thời gian diễn ra cơn đau dạ con cũng phụ thuộc vào việc mẹ sinh nở lần thứ bao nhiêu, lượng sản dịch trong tử cung nhiều hay ít.
Cơn đau dạ con thường lên đến đỉnh điểm trong 2 ngày đầu sau sinh. Ở những ngày tiếp theo, cơn đau giảm dần và sản dịch cũng ra ít hơn.
2.2. Phụ nữ đẻ mổ đau dạ con bao lâu? Nên làm gì để kiểm soát cơn đau dạ con sau sinh?
Đau dạ con sau sinh ảnh hưởng đến sinh hoạt và quá trình chăm sóc con của sản phụ. Bởi vậy, các mẹ thường quan tâm đến việc làm thế nào để cải thiện cơn đau, giảm bớt sự khó chịu.
Nhiều sản phụ nghĩ tới phương án sử dụng thuốc giảm đau. Tuy nhiên, hầu hết các mẹ không muốn sử dụng cách này vì nó có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa khi cho con bú. Vì vậy, dưới đây là một số giải pháp giúp kiểm soát cơn đau dạ con an toàn hơn:
– Massage vùng bụng, tử cung:
Việc massage nhẹ nhàng vùng bụng, tử cung sẽ giúp xoa dịu những cơn co, giảm cảm giác đau cho sản phụ. Đồng thời, đây cũng là cách giúp đào thải sản dịch nhanh hơn.
Đầu tiên, sản phụ cần xác định vị trí tử cung đang thực hiện co bóp. Đó là khu vực xuất hiện cục cứng. Dùng 2 bàn tay xoa vào nhau để lòng bàn tay ấm lên, sau đó massage vòng tròn theo chiều kim đồng hồ tới khi cục cứng đó mềm ra và bản thân cảm thấy dễ chịu hơn.
– Thay đổi tư thế nằm:
Mẹ nên nằm nghiêng, để một chiếc gối kê dưới lưng để tránh dồn áp lực lên tử cung.
– Thường xuyên cho con bú:
Trong quá trình cho con bú, cơ thể của mẹ sẽ sản sinh ra hormone oxytocin kích thích quá trình co hồi của tử cung. Đặc biệt, với những mẹ sau đẻ mổ, sữa về chậm hơn, sản phụ nên cho bé bú nhiều hơn để kích thích sữa về đều và nhiều hơn, giúp cải thiện cơn co tử cung tốt hơn.
– Tập luyện nhẹ nhàng khi nằm:
Sau đẻ mổ, mẹ thường mất khá nhiều thời gian để cải thiện cơn đau cũng như để cơ thể phục hồi tốt nhất. Trong thời gian này, nhiều mẹ khá lười vận động. Tuy nhiên, các mẹ có thể thực hiện những động tác nhẹ nhàng khi nằm để cải thiện lưu thông máu, giúp thư giãn vùng khung sàn chậu, cơ bắp quanh thành bụng, thậm chí giúp cải thiện độ đàn hồi của các dây chằng, hạn chế sa vùng chậu.
– Chú ý bổ sung các loại thực phẩm tốt cho việc cải thiện cơn đau:
Mẹ nên bổ sung vào bữa ăn hàng ngày một số thực phẩm như nghệ, việt quất, cá hồi, dầu olive, thực phẩm giàu chất chống oxy hóa,… có chứa các loại vitamin B, C, A, omega-3, tryptophan, chất flavanoids,… để cải thiện cơn đau dạ con, giúp tử cung sớm phục hồi.
– Đi tiểu thường xuyên:
Việc đi tiểu thường xuyên, không nhịn tiểu sẽ giúp bàng quang trống, không tạo áp lực lên tử cung, từ đó hạn chế được mức độ của những cơn đau dạ con.
3. Những lưu ý sản phụ cần nhớ khi bị đau dạ con sau đẻ mổ
Việc bị những cơn đau dạ con “hành hạ” sau sinh khiến cho các mẹ cảm thấy khá lo lắng. Do chủ quan, hấp tấp, nhiều sản phụ đã quên mất cần đề cao tính an toàn khi cải thiện cơn đau. Dưới đây là một vài lưu ý mà các mẹ cần nhớ khi bị đau dạ con sau đẻ mổ:
– Không tùy tiện sử dụng thuốc giảm đau để cải thiện tình trạng khi chưa nhận chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
– Không tự ý chườm nóng, tránh dẫn đến tử cung không thể co bóp bình thường, gây băng huyết sau sinh.
– Nhanh chóng tập đi lại nhẹ nhàng sau khi đã đỡ đau, tránh để xảy ra tình trạng bí tiểu, dính ruột do hạn chế vận động.
Đau dạ con là nỗi đau khiến bất cứ sản phụ nào cũng phải kiêng dè. Trong thời gian cơn đau diễn ra, các mẹ cần chú ý theo dõi diễn biến, các triệu chứng đi kèm để kịp thời phát hiện nếu có bất thường. Ngoài ra, sản phụ cũng nên thực hiện tái khám, kiểm tra sức khỏe sau sinh theo lịch hẹn với bác sĩ tại cơ sở y tế chuyên khoa.