Phẫu thuật là 1 trong những phương pháp điều trị bệnh ung thư. Tùy vào tình trạng bệnh của từng bệnh nhân mà phẫu thuật ung thư có nhiều mục đích như dự phòng, chẩn đoán, điều trị.
Menu xem nhanh:
1. Phẫu thuật ung thư là gì?
Phẫu thuật trong điều trị các bệnh ung thư là kỹ thuật cắt bỏ khối u, các mô xung quanh. Đây là phương pháp điều trị lâu đời nhất và hiện nay vẫn có giá trị điều trị cao với nhiều bệnh ung thư.
Mục đích của phẫu thuật rất đa dạng như phẫu thuật dự phòng, chẩn đoán, điều trị hoặc tái tạo, phục hồi chức năng….
Các phương pháp phẫu thuật phổ biến trong điều trị ung thưcó thể kể đến như phẫu thuật nội soi, mổ mở, laser… Việc sử dụng phương pháp nào tùy thuộc vào mục đích cũng như tình trạng của mỗi bệnh nhân.
2. Phân loại phẫu thuật ung thư theo mục đích
2. 1 Phẫu thuật dự phòng
Phẫu thuật dự phòng được hiểu là việc cắt bỏ các tổn thương tiền ung thư làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Một số phẫu thuật dự phòng có thể kể đến như mổ cắt bỏ polyp dạ dày, đại tràng phòng ung thư dạ dày đại tràng, phẫu thuật loại bỏ chít hẹp bao quy đầu phòng ung thư dương vật…Ngoài ra các tổn thương tiền ung thư, viêm loét dài ngày khác… cũng được khuyến cáo phẫu thuật để giảm nguy cơ ung thư…
2. 2 Phẫu thuật chẩn đoán
Với mục đích chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để lấy mẫu bệnh phẩm để thực hiện sinh thiết. Phẫu thuật với mục đích sinh thiết được chia làm 2 loại chính:
– Sinh thiết một phần: phẫu thuật lấy 1 phần mô ở vùng tổn thương nghi ngờ phục vụ cho xét nghiệm.
– Sinh thiết trọn là phẫu thuật cắt toàn bộ khối u hoặc toàn bộ tổn thương nghi ngờ để tiến hành xét nghiệm.
Sau khi phẫu thuật sinh thiết, mẫu bệnh phẩm sẽ được kiểm tra và sau đó đưa ra kết quả cụ thể để phục vụ điều trị. Việc này giúp điều trị hiệu quả và chính xác hơn.
2. 3 Phẫu thuật ung thư với mục đích điều trị
Trong phẫu thuật điều trị có 2 loại đó là phẫu thuật triệt căn (cắt bỏ hoàn toàn khối u) và phẫu thuật tạm thời (phẫu thuật giảm kích thước khối u, giảm nhẹ triệu chứng). Tùy theo giai đoạn bệnh bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện loại phẫu thuật tương ứng.
2.3.1 Phẫu thuật triệt căn
Phẫu thuật triệt căn (cắt bỏ khối u) thường áp dụng ở giai đoạn sớm của bệnh, khối u có kích thước nhỏ, chưa lan sang các bộ phận khác. Có thể phẫu thuật đơn độc hoặc phẫu thuật kết hợp với các phương pháp khác như xạ trị, hóa trị để loại bỏ tối ưu tế bào ung thư. Phẫu thuật triệt căn thường được áp dụng ở các bệnh như ung thư đại tràng, ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư phổi….
2.3.2 Phẫu thuật giảm kích thước khối u
Ở giai đoạn muộn, khi khối u đã quá lớn, lan rộng thì thường sẽ áp dụng phẫu thuật tạm thời nhằm giảm kích thước khối u hay còn gọi là phẫu thuật giảm khối. Việc phẫu thuật thu nhỏ bớt kích thước khối u sẽ hỗ trợ cho việc thực hiện các phương pháp điều trị khác như hóa trị hoặc xạ trị…
2. 3. 3 Phẫu thuật giảm nhẹ triệu chứng
– Phẫu thuật phục hồi sự lưu thông: Điển hình có thể kể đến như phẫu thuật hậu môn nhân tạo, mở khí quản, mở thông dạ dày, mở thông bàng quang….
– Phẫu thuật với mục đích cầm máu như thắt động mạch chậu (áp dụng trong ung thư cổ tử cung), thắt mạch cảnh (với bệnh ung thư vòm họng).
– Phẫu thuật sạch sẽ thường được chỉ định khi ung thư giai đoạn muộn, có xuất hiện vỡ loét điển hình như trong bệnh ung thư vú…
– Phẫu thuật với mục đích giảm đau hay khôi phục lại 1 số chức năng cho người bệnh: Được áp dụng trong trường hợp khối u gây ra sự chèn ép tủy sống, dây thần kinh, tắc ruột hoặc các bộ phận khác trong cơ thể.
– Phẫu thuật nhằm mục đích đặt ống nuôi ăn áp dụng khi việc điều trị hoặc khối u khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong việc ăn uống. Bác sĩ sẽ đặt trực tiếp ống nuôi ăn nối với dạ dày hoặc ruột xuyên qua bụng. Ngoài ra 1 số trường hợp bác sĩ cũng sẽ đưa ống vào tĩnh mạch nhằm phục vụ cho việc bơm thuốc giảm đau hoặc điều trị.
– Phẫu thuật nhằm ngăn ngừa tình trạng gãy xương: Tình trạng loãng xương bệnh nhân ung thư có thể gặp phải do ung thư xương hoặc các phương pháp điều trị. Việc này khiến xương dễ gãy và khá lâu liền lại. Phương pháp phẫu thuật được chỉ định nhằm đưa thanh kinh loại vào để chống gãy xương, giảm đau khi hồi phục.
2. 4 Phẫu thuật trong điều trị ung thư tái phát, di căn
Tái phát được biết đến là một đặc tính của ung thư. Trong 1 số trường hợp ung thư tái phát việc phẫu thuật vẫn mang lại hiệu quả cao. Có thể kể đến như ung thư đại tràng, ung thư tuyến giáp… Tùy theo loại bệnh cũng như khả năng lấy được hết tổn thương tái phát hay không bác sĩ sẽ chỉ định mổ.
Trong trường hợp ung thư di căn (giai đoạn cuối của bệnh) vẫn có thể áp dụng phẫu thuật trong 1 số trường hợp. Tuy nhiên thường chỉ định phẫu thuật khi di căn hạch vùng còn các trường hợp khác thì cân nhắc dựa trên các tiêu chí như: Thời gian di căn muộn, u di căn khu trú ở 1 cơ quan đơn lẻ, sức khỏe của bệnh nhân…
2. 5 Phẫu thuật ung thư với mục đích tạo hình
Đây là hình thức phẫu thuật tái cấu trúc. Sau khi tiến hành phẫu thuật loại bỏ khối u bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật để tái tạo hình dáng, chức năng cho bộ phận cơ quan vừa phẫu thuật. Điển hình như tạo hình vú sau phẫu thuật điều trị bệnh ung thư vú. Ngoài ra còn có tái tạo hình dáng và chức năng sau phẫu thuật điều trị các bệnh ung thư vùng đầu cổ. Việc phẫu thuật tái tạo này sẽ cho phép bác sĩ cắt rộng rãi khối u hơn, tăng tỷ lệ điều trị thành công.
Phẫu thuật là 1 trong những phương pháp điều trị có từ lâu và cho hiệu quả cao trong điều trị ung thư nếu được chỉ định đúng. Việc phẫu thuật nhằm mục đích nào phụ thuộc vào tình trạng bệnh, loại ung thư cũng như sức khỏe của người bệnh. Thông thường sau khi chẩn đoán và biết được chính xác tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phù hợp.