5 Phương pháp chữa ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh lý thường phổ biến ở nữ giới. Việc phát hiện sớm bệnh lý và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện tiên lượng và kéo dài sự sống cho người bệnh. Hiện nay, y học hiện đại đã có nhiều hướng điều trị ung thư cổ tử cung, từ can thiệp ngoại khoa, xạ trị đến các liệu pháp nhắm trúng đích. Cùng tìm hiểu 5 phương pháp chữa ung thư cổ tử cung đang được áp dụng phổ biến hiện nay để có cái nhìn toàn diện hơn về hành trình điều trị căn bệnh này.
1. Ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi được không nếu phát hiện sớm?
Ung thư cổ tử cung – thường được biết đến là một trong những bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ – hoàn toàn có khả năng điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Theo các chuyên gia, trường hợp bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn đầu và tuân thủ đầy đủ phác đồ điều trị, khả năng hồi phục hoàn toàn là rất cao. Trong y học, “chữa khỏi” ung thư thường được hiểu là người bệnh không tái phát trong vòng 5 năm sau điều trị. Tỷ lệ sống thêm sau 5 năm: Phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Số liệu từ Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (ACS) cho thấy tỷ lệ sống thêm sau 5 năm ở bệnh nhân ung thư cổ tử cung xâm lấn hiện là khoảng 66%. Tuy nhiên, con số này có sự thay đổi tùy theo độ tuổi, chủng tộc và giai đoạn phát hiện bệnh:
– Phụ nữ da trắng có tỷ lệ sống sau 5 năm khoảng 71%, trong khi phụ nữ da đen là 58%.
– Với phụ nữ dưới 50 tuổi, tỷ lệ sống thêm lên đến 79%, trong khi ở nhóm trên 65 tuổi, tỷ lệ này giảm xuống còn 39%.
Điều này cho thấy rõ rằng việc phát hiện sớm, khi còn trẻ, và điều trị kịp thời sẽ cải thiện rất đáng kể cơ hội sống cho người bệnh.
Tỷ lệ sống theo từng giai đoạn của bệnh lý:
– Giai đoạn đầu (chưa lan rộng): Có thể đạt đến 92% khả năng sống sau 5 năm.
– Giai đoạn khu vực (lan tới mô lân cận hoặc hạch bạch huyết): Tỷ lệ sống giảm còn khoảng 58%.
– Giai đoạn di căn xa (ung thư lan tới các cơ quan khác): Cơ hội sống sau 5 năm chỉ khoảng 18%.
Tinh thần và thái độ sống ảnh hưởng đến kết quả điều trị:
Dù tỷ lệ sống thay đổi theo từng giai đoạn, bác sĩ nhấn mạnh rằng: người bệnh không nên mất hy vọng, kể cả khi bệnh đã tiến triển xa. Tỷ lệ sống là con số thống kê mang tính trung bình, không thể phản ánh chính xác tiên lượng của từng cá nhân. Mỗi người có cơ địa, khả năng đáp ứng điều trị, và đặc biệt là ý chí chiến đấu với bệnh tật khác nhau. Vì vậy, giữ vững tinh thần lạc quan, kiên trì tuân thủ phác đồ điều trị, kết hợp với chăm sóc thể chất và tinh thần đầy đủ là yếu tố vô cùng quan trọng giúp nâng cao khả năng phục hồi của người bệnh.
Ung thư cổ tử cung – một trong những loại ung thư phổ biến ở nữ giới – hoàn toàn có khả năng điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời
2. 5 phương pháp chữa ung thư cổ tử cung thường được áp dụng
2.1. Phẫu thuật – phương pháp chữa ung thư cổ tử cung
Phẫu thuật là lựa chọn điều trị chủ yếu trong các trường hợp ung thư cổ tử cung được phát hiện sớm. Các thủ thuật trong quá trình phẫu thuật sẽ bao gồm:
– Khoét chóp cổ tử cung (sinh thiết hình nón): Bác sĩ cắt bỏ một phần mô hình nón từ cổ tử cung để chẩn đoán hoặc loại bỏ tế bào ung thư, có thể thực hiện bằng dao mổ, vòng điện LEEP hoặc laser.
– Cắt bỏ tử cung (toàn bộ hoặc triệt căn): Tùy mức độ xâm lấn của khối u, bác sĩ có thể chỉ định cắt tử cung qua đường âm đạo, đường bụng, hoặc nội soi ổ bụng. Trong một số trường hợp, cần cắt bỏ thêm buồng trứng, ống dẫn trứng, hạch bạch huyết và các mô xung quanh.
– Phẫu thuật vùng chậu mở rộng: Là biện pháp can thiệp lớn, thường được dùng khi ung thư lan rộng. Ngoài cơ quan sinh sản, bác sĩ có thể cắt bỏ một phần trực tràng, bàng quang và tái tạo đường tiểu, đường tiêu hóa hoặc âm đạo bằng phẫu thuật tái tạo.
Phẫu thuật là lựa chọn điều trị chủ yếu trong các trường hợp ung thư cổ tử cung được phát hiện sớm
2.2. Hóa trị – phương pháp chữa ung thư cổ tử cung
Hóa trị sử dụng thuốc nhằm tiêu diệt hoặc ngăn chặn sự phân chia của tế bào ung thư. Thuốc hóa trị có thể dùng đường uống, tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch, và thường tác động toàn thân. Trong một số trường hợp, hóa trị còn được chỉ định trước khi phẫu thuật hoặc xạ trị để thu nhỏ khối u.
2.3. Xạ trị
Liệu pháp xạ trị sẽ sử dụng bức xạ có năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Có hai dạng chính:
– Xạ trị ngoài (chiếu tia từ bên ngoài): Tia bức xạ được định hướng từ thiết bị bên ngoài đến vùng có khối u. Kỹ thuật xạ trị điều biến cường độ (IMRT) giúp định hình chùm tia chính xác, bảo vệ mô lành.
– Xạ trị trong (brachytherapy): Đưa chất phóng xạ trực tiếp vào hoặc gần vị trí ung thư thông qua kim, hạt hoặc ống nhỏ. Có thể dùng độc lập hoặc kết hợp với xạ trị ngoài.
2.4. Liệu pháp nhắm trúng đích
Đây là hình thức điều trị hiện đại, sử dụng thuốc hoặc phân tử sinh học để tấn công trực tiếp vào các đặc điểm di truyền hoặc cấu trúc đặc hiệu của tế bào ung thư, giúp hạn chế tổn thương đến mô lành. Một ví dụ là thuốc Bevacizumab, giúp ức chế VEGF – yếu tố giúp nuôi dưỡng khối u qua mạch máu. Thuốc được dùng cho ung thư cổ tử cung tiến xa hoặc tái phát.
2.5. Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch hỗ trợ cơ thể tận dụng hệ miễn dịch tự nhiên của mình để nhận diện và tiêu diệt được tế bào ung thư. Loại điều trị này thường dùng các chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch như thuốc ức chế PD-1/PD-L1. Thuốc Pembrolizumab là một chất điển hình giúp ngăn chặn sự tương tác giữa PD-1 và PD-L1, từ đó phục hồi khả năng tiêu diệt tế bào ung thư của tế bào T.
Liệu pháp miễn dịch hỗ trợ cơ thể tận dụng hệ miễn dịch tự nhiên để nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư
Tùy vào giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe và nguyện vọng của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất. Dù lựa chọn hướng điều trị nào, việc tuân thủ phác đồ, theo dõi tái khám định kỳ và giữ tinh thần tích cực sẽ góp phần quan trọng trong quá trình hồi phục. Nếu bạn hoặc người thân đang cần tư vấn cụ thể về các phương pháp chữa ung thư cổ tử cung, hãy chủ động đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và đồng hành cùng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm.