Đục thủy tinh thể là bệnh lý nhãn khoa thường gặp ở người cao tuổi với tỷ lệ gây mù lòa cao hàng đầu trên thế giới hiện nay. Phẫu thuật đục thủy tinh thể là giải pháp thường được áp dụng để điều trị cho những bệnh nhân có thủy tinh thể bị đục, thị lực suy giảm.
Menu xem nhanh:
1. Phẫu thuật đục thủy tinh thể là thế nào?
Thủy tinh thể là thấu kính trong suốt ở bên trong mắt, giúp hội tụ ánh sáng lên võng mạc để mọi người có thể nhìn rõ đồ vật trước mặt. Ở người khỏe mạnh, thủy tinh thể thường trong suốt, các mặt cong, độ dày nằm trong giới hạn sinh lý. Tuổi tác khiến cơ thể lão hóa, protein không hòa tan bị tích tụ trong thủy tinh thể sẽ khiến thủy tinh thể bị đục, gây nhìn mờ, giảm thị lực. Đục thủy tinh thể nghiêm trọng còn có thể gây suy giảm thị lực xuống dưới 3/10.
Người mắc đục thủy tinh thể gặp phải rất nhiều bất tiện trong sinh hoạt và tiềm ẩn các biến chứng nguy hiểm như mất thị lực vĩnh viễn nếu không được điều trị đúng cách. Do đó, khi người bệnh mắc đục thủy tinh thể, bác sĩ sẽ khuyến khích phẫu thuật bằng các phương pháp hiện đại để cải thiện thị lực cũng như sức khỏe nhãn khoa.
Hiện nay, phẫu thuật đục thủy tinh thể là biện pháp thường được áp dụng để khắc phục tình trạng thủy tinh thể bị mờ đục, suy yếu. Kỹ thuật lấy và ghép thủy tinh thể nhân tạo sẽ giúp cải thiện thị lực cho người bệnh, giúp họ có thể sinh hoạt một cách dễ dàng hơn.
2. Giải pháp mổ đục thủy tinh thể
Điều trị bằng việc phẫu thuật thường được chỉ định bởi bác sĩ nhãn khoa có chuyên môn cao sau khi đã tiến hành thăm khám kỹ lưỡng mức độ bệnh lý của từng người. Các phương pháp mổ đục thủy tinh thể thường được áp dụng tại các cơ sở y tế hiện nay có thể kể đến như là:
Phẫu thuật trong bao (ICCE)
ICCE được áp dụng để khắc phục đục thủy tinh thể rất phổ biến ở Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ trước. Phương pháp phẫu thuật lấy toàn bộ khối thủy tinh thể và nhân, không đặt thủy tinh thể nhân tạo. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân không còn thủy tinh thể nữa mà cần đeo một cặp kính hội tụ dày để có thể nhìn rõ mọi vật. Phương pháp thường được chỉ định cho những bệnh nhân có thị lực rất kém (đếm ngón tay dưới 1m) và không còn được áp dụng hiện nay nữa.
Phẫu thuật ngoài bao (ECCE)
ECCE được áp dụng từ những năm 90 của thế kỷ 20 tới năm 2005-2006. Phương pháp này chỉ lấy nhân và một phần của vỏ thủy tinh thể để ghép thủy tinh thể nhân tạo giúp người bệnh có thể lấy lại thị lực. Kỹ thuật phẫu thuật có nhiều cải thiện, hồi phục thị lực tốt hơn so với ICCE trước đây. Tuy nhiên phương pháp này cũng tồn tại nhiều nhược điểm, người bệnh vẫn có nguy cơ biến chứng trong và sau phẫu thuật.
Phẫu thuật Phaco
Phương pháp Phaco điều trị đục thủy tinh thể hiện đại được áp dụng hiện nay tại các cơ sở y tế. Với mổ Phaco, bác sĩ sẽ đưa một thiết bị nhỏ vào mắt để tán nhuyễn và hút thủy tinh thể bị đục ra ngoài. Sau đó, bác sĩ sẽ thay thủy tinh thể nhân tạo vào mắt để cải thiện thị lực cho người bệnh. Phẫu thuật Phaco có thể cải thiện một phần hoặc toàn phần thị lực tùy vào tình trạng sức khỏe của người bệnh.
3. Quy trình phẫu thuật Phaco
2.1. Kiểm tra, xét nghiệm
Chỉ định phẫu thuật Phaco được thực hiện phụ thuộc lớn vào tình trạng của người bệnh. Bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện các kiểm tra, xét nghiệm cần thiết như:
– Khám nội tổng quát
– Đo điện tâm đồ
– Siêu âm mắt
– Đo công suất giác mạc…
Các chỉ số cho kết quả bình thường, đạt chuẩn thì các bác sĩ sẽ tư vấn loại thủy tinh thể nhân tạo phù hợp và lên lịch phẫu thuật. Những người mắc một số bệnh lý như cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường… cần được đánh giá, hội chẩn phức tạp hơn và điều trị ổn định thì mới có thể tiến hành phẫu thuật.
2.2. Chuẩn bị trước phẫu thuật
Trước khi tiến hành phẫu thuật, người bệnh cần mang theo đủ hồ sơ khám bệnh và các giấy tờ cá nhân cần thiết. Điều dưỡng sẽ xác nhận lại thông tin người cần phẫu thuật và hướng dẫn người bệnh hoặc người thân ký các cam kết phẫu thuật. Bác sĩ sẽ xem lại hồ sơ bệnh án, đo mạch, huyết áp, rửa lệ đạo, test phản ứng thuốc… để đảm bảo cuộc phẫu thuật có thể diễn ra an toàn nhất.
2.3. Quy trình phẫu thuật
– Bước 1: Gây cục bộ để giảm cảm giác đau, khó chịu trong lúc bác sĩ tiến hành phẫu thuật.
– Bước 2: Tạo đường rạch nhỏ trên giác mạc của người bệnh bằng kỹ thuật phù hợp.
– Bước 3: Tách màng bao trước thủy tinh thể, tại tiền phòng giữa giác mạc và thủy tinh thể.
– Bước 4: Tán nhuyễn, hút bỏ thủy tinh thể bị đục và phần vỏ ra ngoài.
– Bước 5: Thay thủy tinh thể nhân tạo vào vị trí phù hợp bằng một đường rạch nhỏ trong mắt, sau đó điều chỉnh để đảm bảo cân đối.
– Bước 6: Vệ sinh lại mắt lần cuối và kết thúc quá trình phẫu thuật thay thủy tinh thể bị đục.
Với việc áp dụng công nghệ Phaco hiện đại, phẫu thuật được thực hiện nhanh chóng, chỉ từ 20-30 phút, đảm bảo an toàn, hiệu quả cao. Sau phẫu thuật, thị lực của người bệnh sẽ hồi phục đáng kể và có nhiều trường hợp hồi phục 10/10. Người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong việc chăm sóc và tái khám đúng hẹn sau phẫu thuật.
3. Chăm sóc hậu phẫu
Trong quá trình hồi phục, tình trạng mắt nhạy cảm với ánh sáng, có thể sụp nhẹ hoặc thâm mắt… Những vấn đề này có thể cải thiện và thường tự biến mất sau từ 1 tới vài tuần. Nếu tình trạng này không cải thiện, kèm theo đau mắt, buồn nôn, nôn mửa… thì người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ để được xử trí kịp thời.
Nhỏ mắt theo chỉ định của bác sĩ để ngừa nhiễm trùng và kiểm soát áp lực nội nhãn theo thời gian phù hợp. Thông thường, người bệnh có thể sinh hoạt bình thường sau phẫu thuật nhưng cần đeo kính bảo vệ mắt khi ra ngoài hoặc khi ngủ. Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, giàu vitamin A, C, E và các Omega… để cải thiện sức khỏe thị lực.
Phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco ưu việt thường được các bác sĩ khuyến cáo nhằm cải thiện thị lực đáng kể, khắc phục hiệu quả tình trạng suy giảm thị lực do đục thủy tinh thể gây ra. Người bệnh cần lựa chọn các cơ sở y tế uy tín, bác sĩ nhãn khoa chuyên môn cao khi có nhu cầu thực hiện phẫu thuật để đảm bảo an toàn.