Bệnh trĩ là một trong những bệnh lý thường gặp nhất ở vùng hậu môn. Tỷ lệ người mắc trĩ ở Việt Nam khá cao, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, cả ở nam và nữ. Hiện nay, có nhiều phương pháp và kỹ thuật hiện đại để điều trị bệnh trĩ hiệu quả, trong đó phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ được áp dụng khá phổ biến nhờ các ưu điểm: loại bỏ búi trĩ triệt để và rất nhanh chóng.
Menu xem nhanh:
1.Trĩ là gì? Khi nào bạn cần cắt trĩ?
Bản chất của trĩ là các mạch máu vùng hậu môn – trực tràng bị viêm và sưng nề do sự tăng áp lực. Khi các mạch máu này căng ra và mỏng đi, chúng có thể bị vỡ, gây chảy máu.
Có hai loại trĩ cơ bản là trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ nội là những búi trĩ được hình thành bên trong ống hậu môn (nơi thường không có ống thần kinh cảm giác). Còn trĩ ngoại là những búi trĩ xuất phát từ khoang cạnh hậu môn dưới da, chân búi trĩ năm dưới đáy đường lược (hay cơ thắt hậu môn).
Trĩ nội
Trĩ nội được được phân thành những mức độ sau:
Trĩ nội độ 1: các tĩnh mạch trĩ giãn nhẹ đội niêm mạc lên, lồi vào thành trực tràng. Trĩ nội độ 1 chưa sa búi trĩ ra ngoài hậu môn.
Trĩ nội độ 2: các tĩnh mạch trĩ đã sa giãn nhiều hơn tạo thành các búi to, mỗi khi đại tiện búi trĩ sa ra ngoài hậu môn nhưng sau đó tự co lại được.
Trĩ nội độ 3: búi trĩ to, sa ra ngoài nhiều, không tự co lên được mà phải tác động đẩy búi trĩ mới co lên được.
Trĩ nội độ 4: búi trĩ to, sa ra ngoài thường trực, tác động đẩy búi trĩ cũng không thể co lên được và có thể bị thắt nghẹt dẫn đến hoại tử búi trĩ.
Trĩ ngoại
Đăc trưng của trĩ ngoại là những búi trĩ bị phồng to, sẫm màu, xơ cứng bởi các đám rối tĩnh mạch căng giãn, gấp khúc tạo nên và thường lòi ra ngoài hậu môn. Trĩ ngoại thường gây khó chịu khi đi lại, nhất là có kèm theo xuất huyết, ẩm ướt. Do ẩm ướt nên có thể bị viêm nhiễm, nhất là xảy ra ngay nếp gấp ở cửa hậu môn gây nên dễ phù nề, đau đớn, nhất là khi đại tiện.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc trĩ
Bạn sẽ có nhiều khả năng mắc bệnh trĩ nếu:
- Đại tiện khó khăn, tức là bạn thường xuyên phải rặn khi đi ngoài.
- Thời gian đi đại tiện kéo dài (trên 10 phút).
- Thường xuyên táo bón hoặc tiêu chảy (rối loạn đại tiện).
- Thói quen ăn các thực phẩm ít chất xơ (rau, củ, quả …)
- Lớn hơn 50 tuổi.
- Đang mang thai.
- Thường xuyên lao động nặng.
Phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ được chỉ định trong trường hợp nào?
Cắt trĩ phù hợp khi bạn có:
- Búi trĩ nội rất lớn.
- Trĩ nội nặng gây ra các triệu chứng sau khi điều trị không phẫu thuật.
- Búi trĩ ngoại lớn gây khó chịu đáng kể và khó giữ vệ sinh vùng hậu môn.
- Cả trĩ nội và trĩ ngoại.
- Đã thực hiện các phương pháp điều trị bệnh trĩ khác không thành công.
Người bệnh cần thăm khám cụ thể với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cách điều trị phù hợp, tuyệt đối không tự ý chữa trĩ tránh để xảy ra tình trạng “tiền mất tật mang”.
2.Từ A – Z về các phương pháp phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ
Tổng quan về phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ
- Bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân hoặc gây tê tủy sống (tùy theo tình trạng cụ thể) để không cảm thấy đau khi cắt trĩ.
Các vết rạch được tạo ra ở vùng xung quanh búi trĩ. Các tĩnh mạch bị viêm và sưng nề sẽ được cắt và buộc lại để ngăn chảy máu. Vùng phẫu thuật có thể được khâu kín hoặc để hở. Dùng gạc đã được tẩm thuốc để đắp lên vết thương.
- Phẫu thuật có thể sử dụng điện, tia laser hoặc phẫu thuật bằng dao.
- Có nhiều phương pháp cắt bỏ búi trĩ khác nhau tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của người bệnh mà bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp.
Phương pháp Longo
- Phẫu thuật khâu treo triệt mạch trĩ (phương pháp Longo) là một thủ thuật được phát minh vào năm 1996 để điều trị bệnh trĩ và đang được sử dụng rộng rãi.
- Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách sử dụng một kim bấm hình tròn thích ứng (một dụng cụ khâu tự động) để cắt bỏ một hình trụ niêm mạc và hạ thấp màng nhầy trực tràng. Đồng thời bác sĩ phẫu thuật sẽ làm giảm niêm mạc hậu môn bị sa xuống. Các búi trĩ tự co lại vì nguồn cung cấp máu của chúng bị cắt.
- Do vùng phẫu thuật nằm trên đường mổ nên ít đau sau mổ. Bệnh nhân không bị hẹp hậu môn hay vết thương hở. Điều này có nghĩa là cho phép bệnh nhân trở lại công việc và sinh hoạt bình thường sớm, giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc.
Phương pháp Ferguson
Nguyên tắc phẫu thuật của phương pháp này là can thiệp riêng từng búi trĩ, để lại ở giữa búi trĩ các mảnh da – niêm mạc hay còn gọi là cầu da niêm mạc, cuối cùng là khâu lại.
Phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ theo phương pháp Ferguson được chỉ định cho mọi loại trĩ khác nhau, đặc biệt là các trường hợp trĩ nặng. Ưu điểm của phương pháp này là xử lý triệt để trĩ, nhanh chóng.
Ngoài ra còn có phương pháp Miligan Morgan, tương tự như phương pháp Ferguson chỉ khác là sau khi cắt bỏ búi trĩ thì phần cầu da niêm mạc sẽ để mở.
Những điều cần chú ý sau cắt búi trĩ
- Ngay sau phẫu thuật, bạn sẽ còn chịu tác đụng của thuốc gây mê hoặc gây tê. Tác dụng này thường kéo dài từ 6 đến 12 giờ.
- Bệnh nhân có thể bị đau sau khi phẫu thuật. Bác sĩ thường sẽ chỉ định sử dụng giảm đau để giảm bớt sự khó chịu.
- Đa số các bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh (chẳng hạn như metronidazole) sau khi cắt trĩ để ngăn ngừa nhiễm trùng và giảm đau.
- Một số người bệnh có thể bị sưng – phù nề trong các mô hoặc xảy ra đau kiểu co thắt ở vùng chậu.
- Đôi khi xảy ra trường hợp bí tiểu sau cắt trĩ.
- Một số trường hợp chảy máu sau cắt trĩ là bình thường, đặc biệt là với lần đi ngoài đầu tiên sau khi phẫu thuật.
3.Chăm sóc sau cắt trĩ
- Trong một vài ngày sau khi phẫu thuật, bạn cần chú ý uống nước và ăn một chế độ ăn nhạt. Sau đó, bạn có thể quay trở lại với chế độ ăn thông thường. Chú ý tăng dần lượng chất xơ trong chế độ ăn uống của bạn.
- Chườm đá lên vùng hậu môn có thể làm giảm sưng và đau.
- Thường xuyên ngâm mình trong nước ấm ( có thể ngâm mình trong bồn tắm) giúp giảm đau và co thắt cơ.
- Các bác sĩ khuyên dùng thuốc làm mềm phân có chứa chất xơ để giúp đi đại tiện dễ dàng hơn. Thường xuyên rặn khi đi đại tiện có thể khiến bệnh trĩ tái phát.
- 2 – 3 tuần sau phẫu thuật, người bệnh thường được dặn dò tái khám để đánh giá, kiểm tra tình hình sức khỏe.
4.Kết luận
Bệnh trĩ là một tình trạng phổ biến trong cộng đồng. Nó có thể gây ra rất nhiều bất tiện cho người mắc phải. Hầu hết bệnh nhân chỉ chịu đựng trong im lặng vì tâm lý ngại bệnh. Họ không gặp bác sĩ hoặc chỉ tìm kiếm sự tư vấn của bác sĩ cho đến giai đoạn sau của bệnh. Khi đó, điều trị ngoại khoa là cách duy nhất để điều trị bệnh triệt để.Sau phẫu thuật, bạn cần đi khám bác sĩ ngay nếu gặp các vẫn đề như: chảy máu kéo dài, táo bón kéo dài, sốt, chảy mủ vùng hậu môn … Sự thành công của phẫu thuật cắt trĩ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thay đổi thói quen đi đại tiện hàng ngày của bạn để giúp việc đi tiêu phân dễ dàng hơn. Hình thành thói quen đại tiện tốt giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, dự phòng trĩ tái phát.