Tay chân miệng ở trẻ và sởi đều có các dấu hiệu như sốt, tổn thương da,…. Vậy, làm thế nào để phân biệt 2 bệnh truyền nhiễm cấp tính này? Đây là thông tin bố mẹ nhất định phải biết trên hành trình chăm sóc trẻ.
Menu xem nhanh:
1. Đặc điểm giống nhau giữa tay chân miệng ở trẻ và sởi
Tay chân miệng và sởi đều là bệnh truyền nhiễm cấp tính phát sinh do virus, dễ lây lan và bùng phát thành dịch trong điều kiện thích hợp. Cả hai đều lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân hoặc sinh hoạt trong môi trường chứa virus.
Ngoài nguyên nhân và phương thức lây nhiễm, tay chân miệng và sởi còn có một số dấu hiệu nhận biết tương đồng, như: Sốt, phát ban ở tay, chân, miệng kèm đau họng, ho, hắt hơi liên tục, chảy mũi,…
Hai bệnh cũng có thể tiến triển đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
2. Đặc điểm khác nhau giữa bệnh tay chân miệng ở trẻ và sởi
Mặc dù có một số đặc điểm lớn giống nhau, về nguyên nhân, phương thức lây nhiễm, triệu chứng và mức độ nguy hiểm chi tiết, tay chân miệng và sởi vẫn khác nhau rất rõ ràng.
2.1. Nguyên nhân, phương thức lây nhiễm, đối tượng nguy cơ
2.1.1. Tay chân miệng ở trẻ
– Nguyên nhân: Enterovirus.
– Phương thức lây nhiễm: Trẻ lành có thể mắc tay chân miệng nếu tiếp xúc với dịch tiết mũi họng, dịch tiết các tổn thương da, phân,… người bệnh.
– Đối tượng nguy cơ: Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là dưới 3 tiểu.
2.1.2. Sởi
– Nguyên nhân: Paramyxovirus.
– Phương thức lây nhiễm: Trẻ lành chỉ mắc sởi nếu tiếp xúc với dịch tiết mũi họng người bệnh.
– Đối tượng nguy cơ: Người dưới 20 tuổi.
2.2. Dấu hiệu nhận biết
2.2.1. Tay chân miệng
– Sốt: Sốt ở tay chân miệng chỉ là sốt nhẹ, thường dưới 38.5 độ C.
– Tổn thương niêm mạc: Tập trung ở môi, lợi, lưỡi, má trong, họng,…; có dạng phỏng nước, kích thước không quá 3mm. Chúng vỡ nhanh, tạo thành các vết loét, khiến trẻ đau đớn.
– Tổn thương da: Tập trung ở lòng bàn tay, mông, đầu gối, lòng bàn chân,…, cũng có dạng phỏng nước, nhưng kích thước lớn hơn phỏng nước niêm mạc miệng, tầm 2 – 10mm. Chúng không đau, không ngứa, cũng ít vỡ và sẽ tự xẹp rồi biến mất sau 7 – 10 ngày kể từ khi xuất hiện. Sau khi biến mất, chúng có thể để lại thâm hoặc sẹo trên da trẻ.
2.2.2. Sởi
– Sốt: Sốt ở bệnh truyền nhiễm cấp tính sởi thường là sốt cao, trên 39 độ C.
– Phát ban: Sau khi sốt 4 – 5 ngày, ban xuất hiện. Ban phát sinh do sởi thường mịn, không có dịch; mọc theo thứ tự mặt, cổ, thân, tay, chân. Chúng cũng sẽ lặn theo thứ tự này.
2.3. Mức độ nguy hiểm
2.3.1. Tay chân miệng
Mức độ nguy hiểm của tay chân miệng phụ thuộc từng trường hợp. Trường hợp tay chân miệng nhẹ, sau khoảng 7 – 10 ngày, sức khỏe trẻ sẽ ổn định. Tuy nhiên, trường hợp tay chân miệng nặng, trẻ có thể biến chứng. Biến chứng tay chân miệng chủ yếu là biến chứng thần kinh như viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não,… Ngoài ra, bệnh truyền nhiễm cấp tính này còn có thể tiến triển đến viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, rung giật cơ, rung giật nhãn cầu, yếu, liệt chi,…
Biến chứng tay chân miệng diễn ra rất nhanh. Dấu hiệu cho thấy tay chân miệng đang chuyển biến xấu là sốt cao trên 39 độ C, kéo dài từ 2 ngày, đáp ứng kém hoặc không đáp ứng thuốc hạ sốt; nôn nhiều; co giật; tay chân run rẩy; tim đập nhanh; khó thở;… Khi trẻ có các dấu hiệu này, bố mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.
2.3.2. Sởi
Biến chứng phổ biến của sởi là biến chứng hô hấp như viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi,… Bên cạnh đó, sởi có thể gây viêm loét giác mạc, dẫn đến mất thị lực hoàn toàn vĩnh viễn. Sởi cũng có biến chứng thần kinh như viêm màng não, viêm não tủy,… vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, biến chứng thần kinh ở sởi không thường gặp.
Nhìn chung, cả tay chân miệng và sởi đều nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Chính vì vậy, bố mẹ hãy dự phòng tay chân miệng và sởi cho trẻ bằng cách:
– Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ: Rửa tay cẩn thận bằng xà phòng hoặc các sản phẩm khử khuẩn khác nhiều lần trong ngày. Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh hoặc khi xuất hiện ở những nơi công cộng. Sau khi tiếp xúc với người bệnh, người nghi bệnh hoặc sau khi xuất hiện ở những khu vực chứa mầm bệnh, vệ sinh cơ thể sạch sẽ bằng các sản phẩm khử khuẩn.
– Dinh dưỡng: Uống nhiều nước. Ăn nhiều thực phẩm chứa Vitamin A, Vitamin C và kẽm, bởi những thực phẩm này giúp trẻ tăng cường sức đề kháng.
– Tay chân miệng chưa có vaccine dự phòng nhưng sởi thì có. Chính vì vậy, để dự phòng sởi cho trẻ, bố mẹ nên cho trẻ tiêm vaccine. Đây là cách dự phòng sởi nói riêng và nhiều bệnh truyền nhiễm cấp tính khác nói chung hiệu quả nhất.
Tóm lại, tay chân miệng và sởi tuy đều là bệnh truyền nhiễm cấp tính phát sinh do virus, có một số biểu hiện tương đồng nhưng khi xem xét kỹ các biểu hiện của chúng, bố mẹ vẫn có thể phân biệt chúng dễ dàng. Cụ thể, sốt do tay chân miệng thường chỉ là sốt nhẹ, dưới 38.5 độ C (chỉ các trường hợp có biến chứng mới sốt cao, trên 39 độ C). Còn sốt do sởi trong hầu hết các trường hợp đều sẽ là sốt cao. Sởi không có tổn thương niêm mạc miệng còn tay chân miệng thì có. Tổn thương da của tay chân miệng chủ yếu tồn tại dưới dạng phỏng nước, tức nổi trên bề mặt da và chứa dịch. Còn tổn thương da của sởi thường mịn, không chứa dịch. Cả tay chân miệng và sởi đều nguy hiểm ở một mức độ nhất định. Chính vì vậy, bố mẹ cần chú ý giữ gìn vệ sinh cho trẻ để dự phòng hai bệnh truyền nhiễm cấp tính này. Đặc biệt, để dự phòng sởi bố mẹ nên cho trẻ tiêm vaccnie.
Hy vọng rằng với chúng bố mẹ sẽ có thể cơ sở để chăm sóc trẻ hiệu quả trong cả 365 ngày/năm. Để biết thêm các thông tin khác về tay chân miệng và sởi, liên hệ ngay Thu Cúc TCI, bố mẹ nhé!