Phân biệt bệnh cảm cúm với cảm lạnh bằng cách nào?

Cảm cúm và cảm lạnh là hai bệnh lý thường gặp ở con người và có những biểu hiện tương đối gây hiểu nhầm. Bài viết này sẽ cùng bạn phân biệt cảm cúm với cảm lạnh để có phương án điều trị hợp lý, hiệu quả.

1. Khái niệm và nguyên nhân hình thành hai loại bệnh

1.1. Cảm lạnh là gì, tại sao lại bị cảm lạnh?

Cảm lạnh là dạng bệnh lý xuất hiện kèm theo tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp trên, do virus gây ra. Ước tính có khoảng 200 virus khác nhau là nguyên nhân gây cảm lạnh khi chúng xâm nhập vào cơ thể và phát triển. Trong đó, loại virus thường gặp gây ra bệnh cảm lạnh có tên là Rhinovirus.

Cảm lạnh thường dễ nhiễm khi thời tiết trở lạnh bởi đây là nhiệt độ phù hợp để virus sinh sôi và phát triển gây bệnh.

1.2. Cảm cúm là gì, tại sao lại bị cảm cúm?

Cảm cúm cũng là một dạng bệnh thường gặp ở con người, cũng có biểu hiện là tình trạng nhiễm trùng hô hấp trên.

Cảm cúm được gây ra bởi virus các nhóm được đặt tên là A, B và C. Trong đó, phổ biến hơn cả là virus nhóm A và nhóm B.

Thời điểm con người dễ bị mắc cảm cúm là khoảng từ mùa thu đến mùa xuân, đặc biệt trong những tháng mùa đông thì tỷ lệ cúm tăng cao hơn theo nhiều nghiên cứu. Theo các chuyên gia, mỗi người nên tiêm phòng cúm mỗi năm để ngăn ngừa tối đa nguy cơ nhiễm bệnh. Lý do là vì mỗi chủng virus đều có sự thay đổi qua thời gian.

Phân biệt cảm cúm với cảm lạnh

Cảm cúm và cảm lạnh thường bị nhầm lẫn với nhau

2. Có thể phân biệt bệnh cảm cúm với cảm lạnh như thế nào?

2.1. Phân biệt bệnh cảm cúm với cảm lạnh dựa trên nguyên nhân hình thành

Dựa vào những giải thích về nguyên nhân hình thành bệnh, có thể phân biệt bệnh cảm cúm với cảm lạnh dựa vào sự khác nhau về chủng virus gây bệnh: Rhinovirus đối với cảm lạnh và các nhóm virus A,B,C đối với cảm cúm.

2.2. Phân biệt bệnh cảm cúm với cảm lạnh nhờ vào xác định các triệu chứng của bệnh

Triệu chứng khi một người mắc cảm lạnh

Cảm lạnh có các triệu chứng khá phổ biến như bị ho, hắt xì hơi, sổ và ngạt mũi,.. Một số bệnh nhân gặp phải tình trạng nhức đầu, chóng mặt và cơ thể có hiện tượng mệt mỏi nhẹ. Nhìn chung các biểu hiện của cảm lạnh khá nhẹ nhàng và có thể điều trị dễ dàng.

Các triệu chứng của cảm lạnh thường nhẹ hơn so với cảm cúm

Các triệu chứng của cảm lạnh thường nhẹ hơn so với cảm cúm

Triệu chứng khi một người bị cảm cúm

Các dấu hiệu cảm cúm thường rõ ràng và nặng hơn so với cảm lạnh. Khi bị bệnh, bạn thường gặp các triệu chứng như đau đầu, viêm họng, họng thường xuyên bị khô. Triệu chứng sốt thường ở mức độ trung bình đến cao, cơ thể mệt mỏi hơn so với cảm lạnh thông thường kèm ngạt mũi hoặc sổ mũi. Đối với trẻ em thì triệu chứng khác có thể kể đến là tình trạng buồn nôn, nôn mửa.

Cảm cúm có thể khiến bệnh nhân bị viêm phổi, đặc biệt là đối với trẻ em, người già, phụ nữ có thai và người có hệ miễn dịch không tốt.

Nhìn chung, qua phân biệt dựa vào triệu chứng, có thể thấy cảm cúm với cảm lạnh có phần tương đồng nhưng mức độ của chúng khác nhau. Cảm cúm thậm chí có thể dẫn đến biến chứng là tử vong. Do vậy rất cần chú trọng các phương pháp điều trị để tránh biến chứng nguy hiểm này.

3. Cần điều trị cảm cúm và cảm lạnh như thế nào cho hiệu quả?

3.1. Những điều cần biết để điều trị cảm lạnh hiệu quả?

Điều trị bệnh cảm lạnh thường khá đơn giản với một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt nhẹ và những loại thuốc chống viêm để hạn chế tình trạng ngạt mũi, sổ mũi,…

Ngoài điều trị bằng thuốc, bệnh nhân cần được cung cấp đủ nước và khoáng. Lượng nước từ 1.5-2 lít là cần thiết mỗi ngày. Ngoài ra, có thể bổ sung vitamin C, D và những thực phẩm chứa nhiều kẽm giúp giảm các triệu chứng và tăng khả năng khỏi bệnh.

Bệnh cảm lạnh nếu không được chăm sóc có thể dẫn đến tình trạng nặng hơn: không thuyên giảm sau một tuần, sốt cao lên và kéo dài, viêm xoang và đau rát họng, ho kéo dài. Khi ấy, bệnh nhân nhất định cần gặp bác sĩ để có phương pháp điều trị hiệu quả hơn.

3.2. Điều trị cảm cúm hiệu quả cần lưu ý những thông tin gì?

Đối với cảm cúm, bệnh nhân cũng đặc biệt cần uống đủ nước và cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Ngoài ra, cần chú ý đến chế độ nghỉ ngơi hợp lý.

Các triệu chứng của bệnh cảm cúm có thể được bác sĩ chỉ định điều trị bằng các loại thuốc chứa Ibuprofen và Acetaminophen. Không dùng Aspirin với đối tượng trẻ em vì đây là đối tượng có nguy cơ mắc Reye (hội chứng sưng gan và não) rất cao. Đặc biệt, các loại thuốc này cần được bác sĩ kê đơn sau khi bệnh nhân đến thăm khám, không tự ý dùng thuốc không theo đơn hoặc chỉ định.

Ngoài các loại thuốc trên, các bác sĩ có thể kê thêm những loại thuốc giúp bệnh nhân ngăn ngừa viêm phổi khi bị cảm cúm.

Mặc dù chỉ là một bệnh cảm thông thường, tuy nhiên bệnh nhân cần đến thăm khám bác sĩ sau 2-3 ngày có triệu chứng để có biện pháp điều trị kịp thời. Điều này hạn chế tối đa các biến chứng nặng nề và tránh trình trạng bệnh dai dẳng.

4. Có thể phòng ngừa cảm lạnh và cảm cúm như thế nào?

Hai bệnh truyền nhiễm phổ biến này ai cũng có thể gặp phải trong đời, do vậy cần đề cao các biện pháp phòng ngừa bệnh như sau:

– Giữ vệ sinh sạch sẽ cơ thể và nơi ở, thường xuyên đeo khẩu trang khi ra đường

– Rửa tay sạch sẽ, đúng cách thường xuyên, đặc biệt là sau khi ra đường.

– Nghỉ ngơi và sinh hoạt hợp lý, giữ ấm cơ thể

– Hạn chế sử dụng chung các vật dụng của người khác, hạn chế ăn uống chung.

– Tập thể dục thường xuyên và uống đủ nước mỗi ngày đồng thời bổ sung các loại vitamin, chất khoáng bằng cách ăn nhiều các loại hoa quả, rau củ,..

– Hạn chế sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá và hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm – nơi virus, vi khuẩn sinh sôi.

Cần bổ sung vitamin cho cơ thể từ các loại rau, củ, quả

Cần bổ sung vitamin cho cơ thể từ các loại rau, củ, quả để tăng đề kháng

Đặc biệt, đối với bệnh cảm cúm, mỗi chúng ta nên tiêm phòng cúm đều đặn mỗi năm theo hướng dẫn của bác sĩ. Trên đây là những thông tin giúp bạn dễ dàng phân biệt bệnh cảm cúm với cảm lạnh. Các triệu chứng của bệnh có thể hết nhanh, tuy nhiên nếu quá 48h mà bệnh chưa thuyên giảm, việc cần làm là đến gặp bác sĩ và điều trị theo chỉ định cụ thể.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital