Phác đồ điều trị loét dạ dày tá tràng Bộ Y tế hướng dẫn

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Viêm loét dạ dày là bệnh tiêu hóa thường gặp và có nguy cơ biến chứng cao. Một số biến chứng nghiêm trọng của bệnh gồm: xuất huyết dạ dày, hẹp môn vị, thủng dạ dày và nặng nề nhất là ung thư dạ dày. Do vậy việc tuân thủ phác đồ điều trị đúng hướng là điều vô cùng cần thiết. Sau đây là phác đồ điều trị loét dạ dày tá tràng Bộ Y tế hướng dẫn, mời bạn đọc tham khảo bài viết.

1. Tổng quan bệnh viêm loét dạ dày

Viêm loét dạ dày là hiện tượng lớp niêm mạc bên trong dạ dày bị bào mòn, tổn thương dẫn đến lộ ra các lớp phía dưới. Để có phác đồ điều trị đúng đắn, trước hết phải tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh.

Dưới đây là một số nguy cơ dẫn đến viêm loét dạ dày thường gặp:

– Vi khuẩn HP dạ dày: số liệu thống kê cho thấy hơn 70% người Việt nhiễm vi khuẩn HP. Loại vi khuẩn này làm suy giảm chức năng chống acid của niêm mạc dạ dày. Theo thời gian, niêm mạc dạ dày sẽ bị chính acid dịch vị tấn công gây viêm loét.

– Lạm dụng các thuốc giảm đau kháng viêm: Việc dùng các loại thuốc này trong thời gian dài có thể khiến cơ thể ngừng tổng hợp prostaglandin – chất bảo vệ niêm mạc dạ dày, chống lại vi khuẩn gây hại.

– Thường xuyên ăn đồ chiên xào, cay nóng, ăn uống không điều độ, thói quen thức khuya, căng thẳng kéo dài.

– Một số bệnh lý làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày gồm: Bệnh Crohn, trào ngược mật, rối loạn tự miễn, viêm dạ dày do chấn thương vật lý, nhiễm trùng hoặc bị bỏng, tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị,…

Điều trị loét dạ dày tá tràng Bộ Y tế

Niêm mạc dạ dày bị tổn thương dẫn đến viêm loét, gây nhiều triệu chứng khó chịu

2. Phác đồ điều trị loét dạ dày tá tràng của Bộ Y tế

Lưu ý rằng phác đồ điều trị cũng các loại thuốc trong bài chỉ mang tính chất tham khảo. Người bệnh cần thăm khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa để được chỉ định điều trị phù hợp. Đồng thời, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không tự ý sử dụng các loại thuốc.

2.1. Điều trị loét dạ dày tá tràng Bộ Y tế – Phác đồ chung

Nguyên tắc điều trị loét dạ dày của Bộ Y tế bao gồm:

– Quá trình điều trị chủ yếu bám sát nguyên nhân gây bệnh.

– Loại bỏ các nhân tố gây hại cho niêm mạc dạ dày, sử dụng các thuốc ức chế bài tiết acid dịch vị.

– Việc dùng thuốc cần phối hợp với cân bằng lối sống để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.

Dựa vào tình trạng bệnh lý và thể trạng của người bệnh, bác sĩ Tiêu hóa sẽ cân nhắc sử dụng các nhóm thuốc sau trong phác đồ điều trị:

Nhóm thuốc kháng acid

– Ưu điểm: Bảo vệ tế bào niêm mạc dạ dày và giảm đau nhờ tác dụng cân bằng pH trong dịch vị. Một số chế phẩm của nhóm thuốc này còn hỗ trợ che phủ bảo vệ niêm mạc dạ dày hoặc chống đầy hơi.

– Nhược điểm: Duy trì hiệu quả trong thời gian ngắn mặc dù có tác dụng nhanh chóng. Ngoài ra, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như tiêu chảy hoặc táo bón.

– Cách sử dụng: Uống thuốc vào 30 phút trước bữa ăn hoặc 1 giờ sau ăn. Thuốc kháng acid cũng có thể dùng khi xuất hiện cơn đau dạ dày (uống tối đa 3 lần/ngày).

Cách điều trị loét dạ dày tá tràng Bộ Y tế

Người bệnh không được tự ý mua và uống thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ cũng như kết luận tình trạng bệnh lý sau khi thăm khám

Nhóm thuốc ức chế bơm proton

– Ưu điểm: Tuy có tác dụng chậm hơn thuốc kháng acid nhưng nhóm thuốc ức chế bơm proton lại có khả năng ức chế acid mạnh nhất. Mặt khác, đây cũng là thuốc ít gây tác dụng phụ nhất trong phác đồ điều trị loét dạ dày tá tràng Bộ Y tế.

– Nhược điểm: Một số ít tác dụng không mong muốn của thuốc là gây tiêu chảy nhẹ hoặc hơi đau đầu.

– Cách sử dụng: Uống vào 15 – 30 phút trước khi ăn, liều dùng 1 lần/ngày.

Nhóm thuốc kháng thụ thể H2

– Ưu điểm: Giá thành rẻ, tác dụng nhanh (ngay trong ngày đầu sử dụng) và kiểm soát tốt lượng acid tiết ra kể cả vào ban đêm.

– Nhược điểm: Nhóm thuốc này gây nhiều tác dụng phụ như suy thận, viêm gan, vú to ở nam giới.

– Cách sử dụng: Uống vào 30 phút trước bữa ăn, liều dùng khoảng 2 lần/ngày. Nếu người bệnh dùng kèm thuốc kháng thụ thể H2 với thuốc kháng acid thì cần uống 2 loại thuốc cách nhau 2 giờ.

Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày

– Bismuth: Công dụng chính là loại bỏ vi khuẩn HP và bảo vệ niêm mạc dạ dày.

– Rebamipide: Có khả năng kháng viêm và kích thích tăng tiết Prostaglandin. Thuốc nhanh chóng làm lành vết loét, đặc biệt là những tổn thương lớn hơn 2cm.

– Sucralfate: Bảo vệ niêm mạc dạ dày qua cơ chế tăng tiết chất nhầy. Thuốc có hiệu quả nhanh nhưng lại có tác dụng chỉ trong thời gian ngắn và có thể gây táo bón.

– Misoprostol: Tương tự như Sucralfate, thuốc tăng cường tạo thêm lớp nhầy và bicarbonat. Bên cạnh đó, Misoprostol còn gia tăng lưu lượng máu chảy tới niêm mạc. Đây là loại thuốc gây ra nhiều tác dụng phụ, cho nên ít được chỉ định.

Hướng điều trị loét dạ dày tá tràng Bộ Y tế

Phác đồ điều trị loét dạ dày cần tuân theo chỉ định của bác sĩ Tiêu hóa

2.2. Điều trị loét dạ dày tá tràng Bộ Y tế trường hợp HP dương tính

Đối với người bệnh loét dạ dày dương tính vi khuẩn HP, phác đồ điều trị của Bộ Y tế có thể áp dụng theo một số hướng dưới đây:

Phác đồ kết hợp 3 thuốc

– Thuốc ức chế bơm proton: Uống vào 30 phút trước khi ăn, 2 lần/ngày.

– Clarithromycin 500mg: Dùng sau ăn sáng và tối, 1 viên/lần.

– Amoxicillin 500mg: Dùng  sau ăn sáng và tối, 2 viên/lần.

Phác đồ điều trị kết hợp 3 thuốc (có Levofloxacin)

– Thuốc ức chế tiết acid qua bơm proton: Uống vào 30 phút trước bữa ăn, 2 lần/ngày;

– Levofloxacin 500mg: Dùng sau ăn sáng và tối, 1 viên/lần.

– Amoxicillin 500mg: Dùng  sau ăn sáng và tối, 2 viên/lần.

Phác đồ điều trị nối tiếp theo 2 giai đoạn

– Giai đoạn 1: Trong 5 ngày đầu, người bệnh dùng thuốc ức chế tiết acid qua bơm proton và thuốc amoxicillin 500mg;

– Giai đoạn 2: Ở 5 ngày kế tiếp, người bệnh sử dụng thuốc ức chế tiết acid qua bơm proton, Clarithromycin 500mg và Tinidazol 500mg. Clarithromycin và Tinidazol dùng vào buổi sáng và tối sau bữa ăn, liều lượng 1 viên/lần.

Phác đồ kết hợp 4 thuốc

– Phác đồ bao gồm Bismuth: Gồm 4 loại thuốc là thuốc ức chế bơm proton, Tetracycline, Metronidazole và Bismuth.

– Phác đồ không gồm Bismuth: Gồm thuốc ức chế bơm proton, Tinidazol, Clarithromycin và Amoxicillin.

Trên đây là sơ lược phác đồ điều trị loét dạ dày tá tràng Bộ Y tế hướng dẫn. Các loại thuốc trong bài là thuốc kê đơn, người bệnh chỉ được sử dụng khi có chỉ định từ bác sĩ. Người bệnh cần thăm khám tại cơ sở y tế uy tín để được kết luận tình trạng bệnh và có hướng điều trị phù hợp, hiệu quả cao.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital