Nội soi tiêu hóa phát hiện những bệnh nào? Ai nên nội soi?

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Nội soi tiêu hóa giúp phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng. Vậy ai nên thực hiện nội soi và có những phương pháp thực hiện nào? Bài viết sau sẽ cung cấp các thông tin chi tiết giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về chẩn đoán hình ảnh này.

1. Nguy cơ bệnh đường tiêu hóa và nội soi tiêu hóa

1.1. Bệnh lý đường tiêu hóa ngày càng phổ biến

Số người mắc bệnh đường tiêu hóa tại Việt Nam ngày một gia tăng do lối sống thiếu lành mạnh, ô nhiễm môi trường, đồ ăn thức uống độc hại,… Trong đó, đáng lo ngại nhất là ung thư tiêu hóa ngày càng phổ biến, nhất là ung thư dạ dày và đại trực tràng. Các trường hợp mắc ung thư ngày càng có dấu hiệu trẻ hóa.

Tuy vậy, đa số người dân còn chủ quan với các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa. Nhiều người chỉ đi khám khi bệnh đã có biểu hiện nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt và sức khỏe. Đây là lý do vì sao bệnh thường được phát hiện muộn, khiến việc điều trị trở nên khó khăn và tốn kém.

Các bệnh lý đường tiêu hóa có thể điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Nội soi dạ dày – đại tràng được các chuyên gia đánh giá cao trong việc chẩn đoán các bệnh lý đường tiêu hóa. Người dân được khuyến cáo thực hiện định kỳ để kiểm soát tốt nhất sức khỏe các cơ quan tiêu hóa.

Nội soi tiêu hóa là gì

Nội soi được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý dạ dày – đại tràng, với độ an toàn và chính xác cao

1.2. Thế nào là nội soi tiêu hóa

Đây là phương pháp kiểm tra trực quan ống tiêu hóa (gồm thực quản, dạ dày, tá tràng, ruột non, ruột già, trực tràng). Một ống soi dài và mềm, có gắn camera và đèn sẽ được luồn vào đường tiêu hóa từ miệng, mũi (với nội soi trên), hoặc từ hậu môn (với nội soi dưới).

Chẩn đoán hình ảnh này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện các tổn thương tại đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, nội soi còn được ứng dụng để điều trị các bệnh lý tại thực quản, dạ dày và đường ruột như: loại bỏ dị vật, cắt polyp, cầm máu, nong chỗ hẹp,…

Nội soi có thể được kết hợp với siêu âm trong những trường hợp đặc biệt để tăng hiệu quả chẩn đoán. Đây được gọi là kỹ thuật nội soi siêu âm. Ống nội soi có thể gắn một đầu dò siêu âm để tạo ra hình ảnh chuyên biệt về thành thực quản, dạ dày, đường ruột và những cơ quan khó tiếp nhận như tuyến tụy.

2. Nội soi phát hiện nhiều bệnh lý đường tiêu hóa

Nội soi chỉ điểm nhiều bất thường, tổn thương, bệnh lý gồm:

– Tìm ra nguyên nhân của các triệu chứng bất thường về tiêu hóa: đau bụng, ợ hơi, buồn nôn, rối loạn đại tiện, đi ngoài ra máu, sụt cân bất thường,…

– Phát hiện các bất thường trên bề mặt đường tiêu hóa: dị vật; tình trạng chảy máu; viêm, loét (viêm loét dạ dày – tá tràng, viêm loét đại trực tràng,…).

– Chẩn đoán tình trạng nhiễm khuẩn HP dạ dày.

– Phát hiện polyp, khối u, tổ chức tiền ung thư, từ đó chẩn đoán sớm ung thư đường tiêu hóa thông qua sinh thiết và làm xét nghiệm mô bệnh học. Hiện nay, phương pháp này được ứng dụng phổ biến hàng đầu trong việc tầm soát phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa.

– Cho thấy nguyên nhân của trào ngược dạ dày – thực quản (khối u tâm vị, thoát vị,…) và các biến chứng của bệnh (viêm thực quản trào ngược, barrett thực quản hay tiền ung thư thực quản,…).

– Bác sĩ có thể can thiệp điều trị ngay trong quá trình nội soi: kẹp hoặc tiêm cầm máu, cắt polyp, nong hẹp,…

Hình ảnh nội soi tiêu hóa

Nội soi giúp phát hiện sớm nhiều bệnh lý, trong đó có ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng

3. Những ai nên hoặc không nên nội soi?

Kỹ thuật này thường được chỉ định cho mục đích tầm soát hoặc điều trị các vấn đề về đường tiêu hóa. Các loại nội soi phổ biến nhất hiện nay là nội soi dạ dày, nội soi thực quản, nội soi đại tràng, nội soi trực tràng.

3.1. Chỉ định nội soi tiêu hóa

– Đau tại các vị trí khác nhau của ổ bụng không rõ nguyên nhân; ợ chua, ợ hơi; buồn nôn và nôn; gặp các rối loạn về đại tiện.

– Sụt cân nhanh chóng không có chủ ý.

– Người bị thiếu máu không rõ nguyên nhân, thiếu máu Biermer, người đang bị xuất huyết tiêu hóa máu ẩn trong phân dương tính.

– Phát hiện các bất thường tại đường tiêu hóa khi chụp CT, cộng hưởng từ, X quang, siêu âm.

– Tiền sử gia đình mắc ung thư đường tiêu hóa, polyp có tính chất gia đình.

– Cắt polyp, kiểm tra định kỳ cho những người có polyp.

– Điều trị một số vấn đề như: lấy dị vật, nong hẹp, xoắn ruột,…

– Theo dõi hiệu quả sau điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa.

3.2. Chống chỉ định nội soi

– Người mắc bệnh lý thực quản, có nguy cơ thủng thực quản khi nội soi (như bỏng thực quản do hóa chất).

– Người mắc bệnh lý phình giãn động mạch chủ, cao huyết áp, suy tim, nhồi máu cơ tim, tụt huyết áp dưới 90/60 mmHg.

– Trường hợp khó thở, ho nhiều; bị tắc mạch phổi; suy hô hấp.

– Người bị gù vẹo cột sống.

– Mắc các bệnh lý: xơ gan cổ trướng, viêm phúc mạc, thủng đại tràng, túi thừa cấp tính, phình động mạch chủ bụng,…

– Người đang trong tình trạng sốc; người quá già yếu, suy nhược; bệnh nhân tâm thần không thể phối hợp.

– Thai phụ đang trong thai kỳ cần tham khảo tư vấn của bác sĩ trước khi nội soi.

Nội soi tiêu hóa nên thực hiện định kỳ

Nội soi dạ dày – đại tràng cần thực hiện định kỳ ngay cả ở những người khỏe mạnh, không có triệu chứng

4. Phương pháp nội soi tiêu hóa

Hai phương pháp chính của nội soi là nội soi thường và nội soi không đau. Người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định hoặc tự lựa chọn phương pháp theo tư vấn của bác sĩ.

4.1. Nội soi tiêu chuẩn

Đây là phương pháp nội soi không gây mê, người bệnh hoàn toàn tính táo và có thể theo dõi toàn bộ quá trình nội soi. Phương pháp này có thời gian chuẩn bị và thực hiện nhanh chóng, chi phí thấp.

Tuy nhiên, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng khó chịu trong quá trình nội soi. Nội soi dạ dày có thể gây cảm giác đau tức cổ họng, buồn nôn do lưỡi gà – vòm khẩu cái bị ống soi kích thích. Nội soi đại trực tràng có thể gây tức bụng, khó chịu ở hậu môn, đau thắt bụng khi ống soi di chuyển.

4.2. Nội soi tiêu hóa không đau

Ở đây, người bệnh sẽ được gây mê và ngủ thiếp đi trước khi thực hiện nội soi. Thông thường, nội soi dùng gây mê tĩnh mạch với lượng thuốc mê ít, người bệnh sẽ tỉnh táo ngay khi kết thúc nội soi. Nhờ đó, cảm giác đau, khó chịu, buồn nôn sẽ được loại bỏ hoàn toàn.

Phương pháp này cũng có thời gian thực hiện nhanh chóng. Tuy nhiên quá trình chuẩn bị sẽ dài hơn do người bệnh có thể cần thực hiện thêm một số xét nghiệm cần thiết để đảm bảo an toàn khi gây mê. Chi phí của nội soi không đau cao hơn so với phương pháp tiêu chuẩn.

Để phát hiện sớm và chính xác các bệnh lý tiêu hóa, nội soi là giải pháp được ưu tiên hàng đầu. Người dân nên nội soi tiêu hóa định kỳ để tầm soát hiệu quả các bất thường tại những cơ quan này.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital