Các bệnh lý thực quản, dạ dày, tá tràng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị sớm. Nội soi dạ dày qua đường mũi là phương pháp hữu hiệu giúp phát hiện các tổn thương, bệnh lý ống tiêu hóa trên. Vậy phương pháp nội soi này có những ưu điểm và nhược điểm gì?
Menu xem nhanh:
1. Thế nào là nội soi dạ dày đường mũi?
Nội soi dạ dày qua đường mũi là thủ thuật đưa ống nội soi nhỏ (khoảng 5,9 mm) qua lỗ mũi đã được gây tê xuống thực quản – dạ dày – tá tràng để quan sát bên trong. Thông qua hình ảnh thu được, bác sĩ sẽ phát hiện các tổn thương, làm xét nghiệm vi khuẩn HP phục vụ việc chẩn đoán bệnh.
2. Ưu điểm và nhược điểm của nội soi dạ dày qua đường mũi
1.1. Ưu điểm
Phương pháp nội soi dạ dày đường mũi sở hữu các ưu điểm như sau:
– Không gây cảm giác khó chịu: Ống nội soi nhỏ đi qua đường mũi không chạm vào vùng hầu họng và lưỡi gà. Do đó người bệnh không cảm thấy buồn nôn hay khó chịu.
– Người bệnh tỉnh táo trong quá trình thực hiện, có thể quan sát hình ảnh nội soi và trao đổi trực tiếp với bác sĩ.
– Là kỹ thuật an toàn, ít gây ra thay đổi về huyết áp hoặc nhịp tim cho người bệnh.
– Nhanh chóng, chỉ khoảng 15 phút chuẩn bị và thực hiện nội soi. Bác sĩ dễ dàng thăm dò, quan sát do tâm lý người bệnh ổn định.
– Mang lại hiệu quả chẩn đoán cao: Người bệnh không bị kích thích, hạn chế nguy cơ xảy ra các biến chứng không mong muốn. Mặt khác, việc quan sát dạ dày đảm bảo thuận lợi và rõ nét, giúp chẩn đoán chính xác.
1.2. Nhược điểm
Bên cạnh những ưu điểm kể trên, phương pháp nội soi này còn tồn tại một số nhược điểm như:
– Không thực hiện được ở những người có bệnh lý vùng mũi, hẹp khe mũi.
– Chi phí cao hơn so với nội soi qua đường miệng thông thường.
– Nội soi qua đường mũi không thực hiện được các thủ thuật can thiệp như: cầm máu, lấy dị vật, cắt polyp, thắt tĩnh mạch thực quản… Lúc này bác sĩ cần chuyển sang nội soi dạ dày qua đường miệng.
2. Trường hợp cần nội soi dạ dày đường mũi
Nhiều người bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng không có biểu hiện cho đến khi biến chứng thành xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày,… Không chỉ vậy, phần lớn trường hợp ung thư dạ dày cũng không được phát hiện sớm vì các triệu chứng nghèn nàn.
Nội soi dạ dày nói chung, nội soi dạ dày đường mũi nói riêng giúp phát hiện nhiều bệnh lý thực quản – dạ dày – tá tràng từ giai đoạn sớm. Ứng dụng công nghệ nội soi NBI 5P hiện đại, nội soi dạ dày còn phát hiện sớm các tổn thương ác tính liên quan đến ung thư, từ đó điều trị hiệu quả.
Người bệnh nên thăm khám tiêu hóa và thực hiện nội soi ngay khi có các biểu hiện:
– Sụt cân nhanh nhưng không rõ nguyên nhân.
– Đau bụng vùng thượng vị (trên rốn), buồn nôn sau ăn.
– Khó tiêu, ợ chua, ợ hơi.
– Gặp triệu chứng đau ngực nhưng không có vấn đề về tim mạch.
– Nôn ra máu, đi ngoài phân đen, có dấu hiệu thiếu máu.
– Nuốt nghẹn, khó nuốt.
– Sử dụng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm trong thời gian dài.
– Có người thân trong gia đình mắc polyp dạ dày, ung thư dạ dày.
3. Thực hiện nội soi dạ dày qua đường mũi như thế nào?
3.1. Chuẩn bị trước khi nội soi
Người bệnh cần nhịn ăn ít nhất 6 giờ trước khi thực hiện nội soi. Điều này đảm bảo bác sĩ có thể quan sát rõ lớp niêm mạc dạ dày. Đồng thời, người bệnh tránh được nguy cơ bị trào ngược hoặc sặc thức ăn khi thực hiện nội soi.
Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý không nên uống các loại nước có màu đỏ, cà phê,… trước khi thực hiện nội soi. Các loại nước này có thể ảnh hưởng đến tính chính xác của kết quả chẩn đoán.
Các chuyên gia khuyến cáo nên thực hiện nội soi dạ dày vào buổi sáng, khi thức ăn đã được tiêu hóa hết sau 1 đêm. Những người bị hẹp môn vị dạ dày cần nhịn ăn từ 12 – 24 giờ trước nội soi hoặc đặt ống bơm rửa dạ dày trước khi thực hiện.
Người bệnh cũng cần thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng để được tư vấn tốt nhất.
5.2. Thực hiện nội soi dạ dày qua đường mũi
Nội soi dạ dày đường mũi được thực hiện với trình tự như sau:
– Người bệnh thường được hướng dẫn nằm nghiêng về bên trái.
– Bác sĩ gây tê lỗ mũi nội soi (phổ biến là bằng Xylocain 2% hoặc Lidocain 10%).
– Ống nội soi mềm được bác sĩ đưa vào lỗ mũi, xuống họng vào thực quản, dạ dày, tá tràng. Bác sĩ di chuyển ống nội soi để quan sát lớp niêm mạc. Trong quá trình thăm dò, bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết để lấy mẫu mô làm xét nghiệm chẩn đoán.
– Sau khi hoàn tất việc nội soi, kỹ thuật viên sẽ vệ sinh khử khuẩn dây soi theo đúng quy định.
5.3. Sau khi nội soi dạ dày qua đường mũi
– Người bệnh có thể nghỉ ngơi tại viện một thời gian ngắn trước khi ra về.
– Chú ý ăn những thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa, tránh ăn đồ cay nóng sau khi thực hiện nội soi.
– Người bệnh có thể cảm thấy đau vùng mũi và họng, chướng bụng,… Những triệu chứng này là bình thường và nhanh chóng biến mất.
Nội soi dạ dày qua đường mũi được đánh giá là an toàn, dễ thực hiện và có hiệu quả chẩn đoán cao. Đây là phương pháp nội soi mới và đang dần được ứng dụng rộng rãi. Người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và nhân viên y tế để có quá trình nội soi hiệu quả và kết quả chẩn đoán chính xác nhất..