Khi thực hiện tầm soát ung thư, xét nghiệm là bước khám không thể thiếu. Vậy vai trò của danh mục này là gì? Có những loại xét nghiệm sàng lọc ung thư nào đang được sử dụng?
Menu xem nhanh:
1. Xét nghiệm sàng lọc sớm ung thư có ý nghĩa như thế nào?
Điều trị ung thư sẽ hiệu quả và khả quan hơn nếu bệnh được phát hiện sớm. Xét nghiệm là một trong những phương pháp giúp tìm kiếm dấu hiệu của ung thư một cách hiệu quả.
1.1. Vai trò của xét nghiệm sàng lọc ung thư
Tới nay, khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây bệnh ung thư. Các tác nhân sẽ góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh như tuổi tác, giới tính, di truyền, môi trường sống, chế độ ăn uống,…
Như các phương pháp tầm soát khác, nguyên tắc của xét nghiệm là tìm kiếm các bất thường, các dấu hiệu của ung thư ngay từ giai đoạn khởi phát, hoặc tiên lượng nguy cơ mắc ung thư của đương đơn. Từ đó bác sĩ có phác đồ điều trị hoặc tư vấn cho người bệnh kịp thời để ngăn chặn khả năng mắc bệnh.
Tuy nhiên, việc xét nghiệm cần được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ thăm khám. Bởi tùy tình hình thực tế về thể trạng người bệnh, chuyên gia sẽ đưa ra phương pháp xét nghiệm phù hợp.
1.2. Xét nghiệm sàng lọc có phát hiện chính xác ung thư không?
Trước hết cần xác định rằng, xét nghiệm tầm soát sớm ung thư dù hiệu quả nhưng không chính xác hoàn toàn. Phương pháp nào cũng có mặt rủi ro riêng. Đối với xét nghiệm, kết quả có thể dương tính giả hoặc âm tính giả do những vấn đề sau.
Dương tính giả
Thông thường khi mắc ung thư, một số chất trong máu sẽ tăng cao. Tuy nhiên, nhiều trường hợp trong máu đã có sẵn các chất tương đồng với khối u, hoặc do các bệnh lý khác làm tăng nồng độ các chất này trong máu. Như vậy, nếu chỉ dựa vào kết quả xét nghiệm, bệnh nhân có thể được chẩn đoán sai bệnh, sai loại ung thư. Từ đó dẫn tới sai lầm trong việc điều trị.
Âm tính giả
Nhiều bệnh ung thư khi ở giai đoạn đầu quá mờ nhạt, chưa thể làm tăng nồng độ chất trong máu. Dù người bệnh thực sự mắc bệnh nhưng không thể phát hiện được. Bệnh âm thầm phát triển tới khi trở nặng thì đã quá muộn. Việc điều trị gặp khó khăn, thậm chí tính mạng người bệnh bị đe dọa.
Với những vấn đề trên, xét nghiệm thực sự phát huy được hiệu quả của nó khi được kết hợp cùng các danh mục tầm soát khác. Khi kết quả xét nghiệm dương tính, bác sĩ sẽ có cơ sở để nghi ngờ bệnh nhân mắc ung thư, tiếp tục chỉ định các phương pháp khác để tìm ra nguyên nhân và bệnh lý chính xác.
2. Những xét nghiệm sàng lọc ung thư phổ biến hiện nay
Dựa trên nguyên lý tìm kiếm bất thường ung thư trong cơ thể, có 02 xét nghiệm được sử dụng rộng rãi hiện nay.
2.1. Xét nghiệm dấu ấn ung thư
Nhiều khối u khi xuất hiện sẽ làm nồng độ một chất đặc biệt trong máu tăng cao. Các chuyên gia gọi là chất chỉ điểm khối u hay dấu ấn ung thư. Bằng cách xét nghiệm máu, đo lường nồng độ chất chỉ điểm, bác sĩ bước đầu chẩn đoán được bệnh nhân có nguy cơ mắc ung thư nào. Một số chất chỉ điểm phổ biến có thể kể tới như:
– AFP: Ung thư gan, ung thư buồng trứng,…
– CA 125: Ung thư phổi, u vú, u tử cung,…
– CA 19-9: U dạ dày, tuyến tụy
– CA 15-3: U vú, u phổi
– CYFRA 21-1: Ung thư thực quản
– CEA: U trực tràng, u vú, u thực quản,…
Do một chất chỉ điểm có thể là dấu ấn của nhiều loại ung thư khác nhau, nên bệnh nhân vẫn cần thực hiện đầy đủ các danh mục khám khác.
2.2. Xét nghiệm máu tìm gene
Khoa học tin rằng, ung thư có thể làm thay đổi cấu trúc gene của người bệnh. Xét nghiệm gene sàng lọc ung thư là phương pháp mới nhưng lại được kỳ vọng đem lại hiệu quả lớn. Nó thường được chỉ định khi tìm kiếm ung thư di truyền. Những xét nghiệm quen thuộc là tìm kiếm gen ung thư vú BRCA2, gen APC ở ung thư đại tràng,…
Để đạt được kết quả tốt, người bệnh cần thực hiện xét nghiệm định kỳ cũng như tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
3. Những phương pháp tầm soát ung thư khác
Ngoài xét nghiệm, các danh mục khám phổ biến khác được kết hợp tầm soát là:
Chẩn đoán hình ảnh
Thông qua những hình ảnh mà trang thiết bị trả về, bác sĩ dễ dàng quan sát và phát hiện được sự xuất hiện của tế bào ung thư, xác định được vị trí, kích thước khối u. Kỹ thuật thường dùng là chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner), chụp cộng hưởng từ (MRI), siêu âm…
Thăm dò chức năng
Tương tự như chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ sẽ dùng hình ảnh kiểm tra chức năng hoạt động cùng tìm kiếm các bất thường trong cơ thể. Phương pháp nội soi thông dụng được dùng trong chẩn đoán ung thư tiêu hóa và hô hấp.
Sinh thiết
Đây thường là danh mục cuối cùng để khẳng định khả năng mắc ung thư của bệnh nhân. Sau khi lấy được mẫu tế bào, bác sĩ sẽ theo dõi trên kính hiển vi để phân tích và sàng lọc dấu hiệu phát triển của tế bào. Nhờ đó có thể tiên lượng nguy cơ ung thư của bệnh nhân.
Kết lại, dù là phương pháp tầm soát nào, người bệnh cũng nên tìm hiểu rõ ràng và thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ, một cách đầy đủ và cụ thể, tránh trường hợp tự ý thực hiện đơn lẻ dẫn tới sai lệch trong kết quả cũng như trong cách điều trị.