Hội chứng mạch vành cấp khá phổ biến, còn được biết đến với tên gọi bệnh mạch vành cấp. Bệnh xảy ra khi có tình trạng lượng máu chảy về tim bị suy giảm đột ngột. Đây là một bệnh lý diễn biến rất nhanh và gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm về hội chứng mạch vành cấp
Hội chứng động mạch vành cấp là tình trạng đột ngột bị thiếu máu đi nuôi dưỡng cơ tim. Nó thường gây các cơn đau thắt ở vùng ngực và nhồi máu cơ tim. Nhồi máu cơ tim là khi một vài cơ tim bị ngừng hoạt động do không được cung cấp đủ máu. Với thắt ngực không ổn định thì cơn đau thường xuất hiện khi bạn đang nghỉ ngơi hay thư giãn.
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc phải bệnh lý này là:
– Người có độ tuổi khoảng ngoài 55.
– Người mà gia đình đã có tiền sử mắc bệnh lý về tim mạch.
– Nhóm người có thói quen hút thuốc và ít vận động gây ra thừa cân, béo phì.
– Những người đang mắc bệnh về huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu.
– Người có thói quen nạp quá nhiều đồ ăn nhanh, chất béo không tốt.
2. Nguyên nhân và triệu chứng của hội chứng động mạch vành
Bệnh mạch vành cấp được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong tim mạch.
2.1. Nguyên nhân gây ra bệnh động mạch vành cấp
Theo các phân tích từ chuyên gia, những nguyên nhân chính gây ra bệnh mạch vành cấp là:
– Không được cung cấp đủ oxy cho cơ thể (đặc biệt là tim). Từ đó làm cơ tim thiếu oxy và ngừng hoạt động.
– Lưu lượng máu đến tim bị giảm đi do xơ vữa động mạch hay các cơn đau do co thắt ở mạch.
– Xảy ra các bất thường ở van tim, rối loạn nhịp tim (làm cản trở dòng máu di chuyển tới tim và mạch vành).
– Bị thiếu máu làm hạn chế lưu lượng máu chảy tới tim.
2.2. Triệu chứng của bệnh động mạch vành cấp
Triệu chứng được đánh giá là rõ ràng và thường gặp nhất ở bệnh lý là: cơn đau thắt ngực. Bên cạnh đó còn có thể xuất hiện một vài cơn đau mơ hồ ở phần cổ, trước ngực, vai và lan dần đến cánh tay trái. Những cơn đau này có thể xuất hiện một cách đột ngột, từ từ hoặc là đau nhói.
Ngoài những cơn đau thắt ở ngực như trên, còn có một số dấu hiệu khác cảnh báo như:
– Xuất hiện các vấn đề liên quan đến hệ hô hấp.
– Khả năng giữ thăng bằng kém, dễ bị chênh vênh và té ngã.
– Thường xuyên thấy mệt mỏi và uể oải, yếu cơ.
– Hay cảm thấy buồn nôn và toát mồ hôi liên tục.
– Luôn có cảm giác bồn chồn không yên và lo lắng.
Tùy từng trường hợp mà triệu chứng sẽ xuất hiện rõ rệt hay chỉ mơ hồ khó đoán. Vì vậy khi nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào như trên bạn cũng cần nhanh chóng liên hệ bác sĩ và tới các cơ sở y tế. Điều này sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc phát hiện và điều trị bệnh.
3. Chuẩn đoán với hội chứng động mạch vành cấp
Triệu chứng đau tức ngực, khó thở cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng khác. Vì vậy khi phát hiện nên cấp cứu sớm để được chuẩn đoán và can thiệp kịp thời. Bác sĩ khi tiếp nhận cấp cứu, nếu nhận biết và phán đoán được là dấu hiệu của động mạch vành cấp sẽ đưa ra các chỉ định xét nghiệm và khám lâm sàng. Những xét nghiệm và kỹ thuật có thể kể tới như:
– Điện tâm đồ: là các điện cực được gắn trên da để đo mức độ hoạt động của tim. Kết quả từ phương pháp này giúp đánh giá được tình trạng bệnh lý của tim. Từ các thông tin thu thập được bác sĩ sẽ xác định được sự bất thường nằm ở đâu và do nguyên nhân gì gây ra.
– Xét nghiệm máu: Một vài enzyme có thể được tìm ra trong máu (nếu xuất hiện sự hủy hoại tế bào cơ tim gây phá hủy mô cơ tim). Nếu kết quả xét nghiệm là dương tính, chứng tỏ có khả năng bị nhồi máu cơ tim.
Các kết quả từ điện tâm đồ và xét nghiệm máu được sử dụng để chuẩn đoán ban đầu về hội chứng mạch vành cấp. Từ những thông tin đó giúp bác sĩ nắm rõ tình trạng thực tế. Ngoài ra còn có một số kĩ thuật khác được áp dụng để xác định rõ hơn bệnh lý như:
– Chụp động mạch vành: dùng hình ảnh Xquang để đánh giá về tình trạng mạch máu nuôi tim. Ống thông dài và nhỏ (Catheter) được luồn vào động mạch ở cánh tay hoặc đùi để đưa tới tim. Sau đó thuốc cản quang sẽ được bơm vào qua catheter. Hình ảnh sau khi dùng thuốc sẽ giúp bác sĩ thấy rõ tình trạng mạch máu. Bên cạnh chuẩn đoán, bác sĩ có thể can thiệp ngay khi đang chụp.
– Chụp cắt lớp vi tính: giúp phát hiện ra các đoạn mạch đang hẹp hay tắc.
– Siêu âm tim: dùng sóng siêu âm qua đầu dò để thấy hình ảnh của tim. Từ đó bác sĩ sẽ đánh giá hoạt động ở tim và các bất thường (nếu có).
4. Những phương án điều trị với bệnh mạch vành cấp
Các phương pháp được áp dụng để điều trị hội chứng này chủ yếu sẽ hướng đến các mục tiêu:
– Giảm thiểu các cơn đau cho người bệnh.
– Giúp cải thiện vấn đề tưới máu cho tim.
– Hỗ trợ hồi phục chức năng tim trong thời gian ngắn nhất.
Kết quả cần thu được từ quá trình điều trị: Tim dần trở lại trạng thái có thể thực hiện các chức năng cơ bản. Ngoài ra cũng cần ngăn ngừa khả năng bị nhồi máu cơ tim.
Hiện tại có khá nhiều phương pháp để điều trị bệnh lý này. Tùy theo mức độ bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp phù hợp. Có thể điều trị bằng thuốc (tiêu sợi huyết, chống ngưng tập tiểu cầu, chẹn beta,…). Ngoài ra còn có các phương pháp ngoại khoa áp dụng khi thực sự cần thiết: nong mạch, đặt stent, phẫu thuật,…
Từ những thông tin trên có thể thấy được mức độ nguy hiểm của bệnh lý này. Vì vậy, bạn cần tự ý thức xây dựng cho bản thân và gia đình một lối sống khoa học. Đặc biệt nên tập thể dục thể thao đều đặn để góp phần giữ sức khỏe ổn định. Những điều này giúp hạn chế tối đa nguy cơ mắc các bệnh về tim, trong đó có bệnh động mạch vành.