Cúm là căn bệnh dễ lây lan, dễ bùng phát thành dịch và có xu hướng phát triển mạnh theo mùa. Đặc biệt, virus cúm có thể dễ dàng tấn công bất cứ đối tượng, độ tuổi nào. Hiện nay, tiêm vắc xin phòng bệnh cúm là giải pháp an toàn, hiệu quả nhất để bảo vệ cơ thể con người khỏi sự xâm nhập của virus cúm, cũng giúp người mắc cúm phòng tránh nguy cơ gặp các biến chứng khi bệnh chuyển biến nghiêm trọng hơn. Những tác dụng của vắc xin cúm là không thể phủ nhận.
Menu xem nhanh:
1. Cúm và vắc xin phòng bệnh cúm
Cúm là một loại bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp. Cụ thể, khi một người bị cúm ho, hắt hơi, virus cúm có thể phát tán trong không khí và tấn công những người xung quanh.
Biểu hiện thường gặp khi bị cúm thường có sốt, đau mỏi các cơ, đau đầu, người uể oải, sổ mũi, ho và đau họng. Do virus thích ứng nhanh với điều kiện sống trong cơ thể, vậy nên các triệu chứng bệnh cũng có xu hướng kéo dài, dai dẳng và ngày càng nghiêm trọng.
Theo các bác sĩ chuyên khoa hô hấp, cúm có thể tự khỏi, tuy nhiên lại ảnh hưởng trong suốt quá trình virus tồn tại trong cơ thể người bệnh. Thông thường, cúm sẽ trở nên nghiêm trọng dần và giảm bớt triệu chứng trong vòng 2 đến 7 ngày. Với trẻ em, người cao tuổi, người gặp các vấn đề mãn tính như bệnh tim phổi, bệnh thận, rối loạn chuyển hóa, người suy giảm miễn dịch hoặc thiếu máu, bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dẫn đến một vài hệ quả như viêm tai, viêm phổi, viêm phế quản, viêm não. Nghiêm trọng hơn, bệnh còn có có thể dẫn đến tử vong.
Với nhu cầu của con người, vắc xin cúm ra đời nhằm bảo vệ sức khỏe trước những tác động, hệ quả của virus cúm gây nên. Vắc xin cúm sẽ bảo vệ cơ thể con người bằng cách kích thích cơ thể sản sinh ra kháng thể đặc hiệu, ức chế hoạt động của virus cúm. Khoảng từ 2-3 tuần, các kháng thể do hệ miễn dịch tự nhiên sản sinh ra sẽ bắt đầu hình thành và hoạt động. Virus sẽ bị các kháng thể đặc hiệu này tiêu diệt khi chúng ta có tiếp xúc với mầm bệnh. Từ đó, khả năng kháng bệnh sẽ tăng, bảo vệ con người khỏi sự tấn công của virus, đồng thời hạn chế ảnh hưởng của virus nếu người sử dụng lỡ nhiễm virus cúm.
Tuy có hiệu quả rõ rệt nhưng nồng độ kháng thể sẽ dần sụt giảm theo thời gian. Đồng thời, với sự thay đổi liên tục về tính chất, cấu trúc của các chủng virus hiện nay, việc tiêm nhắc lại vắc xin cúm hàng năm cần được ghi nhớ, duy trì.
2. Những tác dụng của vắc xin cúm đối với con người là gì? Hiệu quả của vắc xin trong bao lâu?
Vắc xin cúm vẫn luôn được khuyến cáo là một trong những loại vắc xin cần được tiêm phòng mỗi năm. Vậy nên, có rất nhiều người thắc mắc tác dụng thực sự của vắc xin cúm là gì?
2.1. Những tác dụng của vắc xin cúm đối với con người là gì?
Virus cúm rất dễ lây lan, dễ bùng phát thành dịch. Bởi vậy, việc tiêm vắc xin phòng bệnh cúm là rất cần thiết, đem đến nhiều tác dụng, bảo vệ tốt sức khỏe con người.
– Hạn chế, phòng ngừa hiệu quả bệnh cúm
Vắc xin cúm được khuyến cáo tiêm phòng mỗi năm nhằm ngăn ngừa sự bùng phát của bệnh cúm và các bệnh liên quan tới cúm. Virus cúm thường xuất hiện vào mùa đông, xuân và có thể liên tục biến đổi. Vì vậy, việc tiêm phòng mỗi năm sẽ giúp cơ thể đảm bảo được miễn dịch, kháng thể cần thiết để phòng ngừa bệnh cúm và các triệu chứng liên quan tới cúm mùa.
– Tiêm phòng cúm giúp tạo đề kháng tối ưu cho những người mắc bệnh mãn tính
Cúm thường đi kèm với nhiều triệu chứng phức tạp và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến những người có bệnh nền mãn tính như bệnh tim, phổi,… Ngoài ra, vắc xin cũng giúp giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh cúm, không để bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn khi đang mắc các bệnh lý kể trên.
– Tiêm phòng cúm bảo vệ sức khỏe thai phụ trong và sau khi mang thai
Phụ nữ mang thai là đối tượng cần được ưu tiên khi tiêm phòng vắc xin cúm mùa. Bởi lẽ, sức khỏe của các mẹ bầu trong giai đoạn này khá kém, hệ miễn dịch suy giảm, dễ nhiễm bệnh. Chính vì vậy, tiêm phòng vắc xin cúm mùa cho phụ nữ mang thai không những có thể bảo vệ sức khỏe cho mẹ và bé tốt hơn mà còn giúp các mẹ không cần lo lắng việc phải sử dụng tới thuốc hay cúm có thể gây ra những ảnh hưởng nào cho cơ thể.
Về khả năng miễn dịch, vắc xin cúm mùa giúp cơ thể của người mẹ hình thành các kháng thể trong giai đoạn mang thai để cả mẹ và thai nhi đều được bảo vệ khỏi virus cúm một cách hiệu quả. Kháng thể được tạo ra từ cơ thể mẹ có thể truyền tới cho con, đảm bảo được sức khỏe cho trẻ nhỏ sau khi chào đời. Vì vậy, mẹ cũng không cần lo lắng đến việc con chưa đủ 6 tháng tuổi, chưa được thực hiện tiêm chủng.
Sản phụ sau sinh, chưa thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh cúm mùa cũng nên chú ý thực hiện tiêm phòng thật sớm. Nếu mẹ bị nhiễm cúm mùa, nguy cơ lây nhiễm cho bé là rất cao và có thể khiến con gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm.
Theo các chuyên gia y tế, độ an toàn của vắc xin phòng bệnh cúm mùa phù hợp để sử dụng với đối tượng phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú. Thai phụ sẽ sử dụng vắc xin cúm liều đơn chứa virus cúm bất hoạt. Vì vậy, phụ nữ mang thai có thể được tiêm vắc xin cúm trong bất cứ thời điểm nào của thai kỳ mà không lo ngại biến chứng hay ảnh hưởng tới sức khỏe thai nhi.
– Giúp trẻ có “hàng rào” bảo vệ ngay từ nhỏ
Trẻ em là đối tượng được khuyến cáo nên tiêm phòng cúm từ 6 tháng tuổi trở lên. Việc tiêm phòng cúm được thực hiện từ sớm sẽ giúp cho trẻ có “hàng rào” miễn dịch từ khi hệ miễn dịch, đề kháng chưa được củng cố. Từ đó, phụ huynh cũng không cần lo ngại về vấn đề điều trị với thuốc như thế nào cho con khi bé còn quá nhỏ.
– Phòng ngừa bệnh cúm phát triển thành dịch
Như chúng ta đều biết, virus cúm có khả năng lây lan rộng qua đường hô hấp. Vậy nên, việc cúm phát tán và lan rộng, trở thành dịch là điều rất dễ xảy ra. Thực tế, có rất nhiều lần bệnh cúm đã phát triển thành dịch, gây ảnh hưởng to lớn đến sức khỏe cộng đồng và kinh tế xã hội.
2.2. Tác dụng của vắc xin cúm kéo dài bao lâu?
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, thực hiện tiêm phòng vắc xin cúm có thể giúp cơ thể phòng ngừa tới 60% các bệnh liên quan đến cúm, khoảng 70 đến 80% nguy cơ tử vong do các hệ quả của cúm.
Khi tiêm phòng vắc xin cúm, tác dụng bảo vệ, nâng cao miễn dịch của cơ thể khỏi virus có thể lên đến 90%. Tuy nhiên, tác dụng của vắc xin cúm thường chỉ kéo dài gần một năm. Bởi lẽ, virus cúm thường có khả năng biến đổi tính chất và thay đổi cấu trúc kháng nguyên nhiều lần, liên tục theo mỗi năm. Do đó, những loại vắc xin cúm trong năm nay có thể sẽ không có tác dụng với chủng virus cúm của năm sau.
Vì lẽ đó, các chuyên gia y tế thường đưa ra khuyến cáo mọi người nên thực hiện tiêm vắc xin cúm mỗi năm một lần. Đặc biệt, lịch tiêm cúm cần thực hiện đều đặn với trẻ nhỏ, giúp đảm bảo hiệu quả phòng ngừa bệnh, phòng ngừa sự tấn công của virus cúm.
Trên đây là toàn bộ những thông tin cần biết về tác dụng của vắc xin cúm và thời gian hiệu lực của vắc xin được đảm bảo. Hy vọng rằng, bạn đọc có thể chủ động hơn trong việc theo dõi lịch tiêm chủng của bản thân, có kế hoạch tiêm chủng đầy đủ mỗi năm để tránh virus cúm có cơ hội xâm nhập, tấn công vào cơ thể, gây ra những ảnh hưởng khó lường.