Những lưu ý trước khi tiêm vacxin cần ghi nhớ

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Nguyễn Minh Vỹ

Bác sĩ tiêm chủng

Hiện nay, việc tiêm vacxin đã không còn xa lạ đối với người dân Việt Nam, bởi tầm quan trọng của hoạt động này trong việc phòng tránh những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Bên cạnh đó, bạn cũng cần ghi nhớ những lưu ý trước khi tiêm vacxin để đảm bảo sự an toàn và giúp vacxin phát huy tác dụng.

1. Tiêm vacxin là một hoạt động thiết yếu

Việc ra đời của vacxin có thể được coi là một phát minh vĩ đại của nhân loại với những lợi ích mà nó mang lại như:

– Vacxin giúp làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh truyền nhiễm: Khoảng 85% – 95% những người được tiêm vacxin sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu cho cơ thể để không bị mắc bệnh. Ngoài ra, nhờ có vacxin mà hàng năm trên thế giới có khoảng 2,5 triệu trẻ em không mắc những căn bệnh truyền nhiễm.

– Vacxin góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế: Việc tiêm vacxin đảm bảo cho người tiêm không mắc những bệnh lý nguy hiểm. Từ đó sẽ không phải tốn chi phí thăm khám cũng như chữa bệnh (yếu tố chính dẫn đến nghèo khó ở hầu hết các gia đình tại Việt Nam). Do đó, tiêm vacxin cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp xóa đói giảm nghèo.

– Vacxin góp phần quan trọng trong việc bảo vệ nguồn nhân lực cho quốc gia: Khi được tiêm vacxin có nghĩa là trong quá trình phát triển của trẻ em sẽ không mắc phải những căn bệnh nguy hiểm. Từ đó nguồn nhân lực được bảo vệ toàn diện, đồng thời đẩy mạnh sự phát triển của quốc gia.

Tiêm vacxin

Tiêm vacxin là một hoạt động vô cùng quan trọng góp phần phòng tránh những căn bệnh nguy hiểm cho con người

2. Những lưu ý trước khi tiêm vacxin mà mọi người cần ghi nhớ

2.1. Tìm hiểu định nghĩa về vacxin

Vacxin là một chế phẩm mang tính kháng nguyên và có nguồn gốc từ các vi sinh vật gây bệnh hoặc những vi sinh có cấu trúc kháng nguyên giống với những vi sinh gây bệnh. Những vi sinh này đã qua quá trình bào chế để đảm bảo độ an toàn cần thiết, giúp cho cơ thể tự tạo ra hệ miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh.

Vacxin chứa các phiên bản đã suy yếu của virus hoặc giống virus (kháng nguyên). Những kháng nguyên này sẽ không tạo ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh mà chỉ giúp kích thích hệ thống miễn dịch nhằm tạo ra kháng thể. Những kháng thể này sẽ bảo vệ cơ thể khi hệ miễn dịch tiếp xúc với các loại virus bị lây truyền trong tương lai.

Dưới sự phát triển của công nghệ sinh học, vacxin hiện nay được chia thành 5 loại chính:

– Vacxin giải độc tố: Được sản xuất từ ngoại độc tố của virus, bằng cách loại đi những độc tố của virus nhưng vẫn giữ được tính kháng nguyên.

– Vacxin bất hoạt: Loại vacxin này được sản xuất từ những vi sinh gây bệnh đã chết. Qua đó khi vào cơ thể sẽ không thể đột biến trở lại, chỉ kích thích đáp ứng của hệ miễn dịch.

Vacxin sống giảm độc lực: Vacxin loại này được sản xuất dựa trên các vi sinh đã được làm giảm tính độc tố, không còn khả năng gây bệnh.

– Vacxin tách chiết: Loại kháng nguyên được tách từ nhiều vi sinh vật.

– Vacxin tái tổng hợp: Các gen được mã hóa cho kháng nguyên vi sinh vật làm vacxin được tách và tổ hợp lại vào E.coli hoặc một dòng tế bào tương thích.

2.2. Cần nhớ những lưu ý trước khi tiêm vacxin nào?

Đối với trẻ nhỏ

Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng, cha mẹ bé cần lưu ý:

– Mang theo phiếu tiêm chủng hoặc sổ tiêm chủng của bé.

– Thông báo cho cán bộ y tế tại cơ sở tiêm trạng thái cơ thể cũng như sức khỏe của bé như: Chiều cao, cân nặng; trẻ có đang ăn uống bình thường hay không; trẻ có đang sốt hay không; trẻ có đang điều trị dùng thuốc trong khoảng 3 tháng đổ lại hay không; trẻ có được tiêm loại vacxin nào trong vòng 4 tuần qua hay không; trẻ có bị dị ứng với thứ gì hay không;…

– Trao đổi cẩn thận với bác sĩ hoặc cán bộ nhân viên về loại vacxin, những tác dụng phụ có thể gặp phải và cách chăm sóc trẻ sau tiêm,…

– Cho trẻ ở lại 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình trạng của trẻ. Nếu có xuất hiện dấu hiệu bất thường thì có thể kịp thời xử lý.

– Nếu có xuất hiện bất kỳ những tác dụng phụ nghiêm trọng nào, cần cho trẻ đến cơ sở y tế uy tín ngay lập tức để được xử lý kịp thời.

những lưu ý trước khi tiêm vacxin

Khi tiêm cho trẻ nhỏ cần có ba mẹ hoặc người thân đi cùng nhằm giúp quá trình tiêm diễn ra thuận lợi

Đối với người trưởng thành

– Hãy mang theo sổ tiêm chủng nếu có.

– Cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân cũng như sức khỏe hiện tại như: có đang mắc bệnh gì không, thuốc đang sử dụng, có dị ứng với chất nào không,… Đối với phụ nữ thì ngoài những thông tin trên cần cung cấp thêm thông tin về việc có đang mang thai hay không.

– Nếu người tiêm có sức khỏe kém thì nên có người đi cùng.

– Nên ở lại 30 phút sau tiêm để theo dõi các phản ứng sau tiêm. Nếu xuất hiện các biểu hiện bất thường như nôn ói, thở gấp, da mẩn đỏ,… cần báo cho nhân viên y tế ngay để có thể xử lý kịp thời.

– Tiếp tiếp theo dõi trạng thái cơ thể 48 giờ sau tiêm, nếu phát hiện dấu hiệu bất thường cần đến cơ sở y tế để thăm khám ngay.

3. Vacxin có chống chỉ định đối với trường hợp nào không?

Vacxin là một thành phần giúp củng cố hệ miễn dịch của con người cũng như được cho là an toàn tới sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng vacxin:

– Trẻ em hoặc người lớn từng có tiền sử sốc nặng hoặc phản ứng nặng sau khi tiêm vắc xin như sốt cao trên 39 độ C, co giật, khó thở, cơ thể tím tái,…

– Phụ nữ có thai không nên tiêm các loại vacxin virus sống giảm độc lực và trên lý thuyết là loại vacxin này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai.

– Những người bị suy giảm hệ miễn dịch bao gồm mắc bệnh HIV/AIDS hoặc bị suy giảm hệ miễn dịch bẩm sinh không nên tiêm vắc xin. Đặc biệt, không tiêm vacxin lao phổi cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV và chưa được điều trị dự phòng.

– Những người đang bị suy giảm chức năng các cơ quan như phổi, chức năng tuần hoàn, suy thận, suy tim, suy gan,…

– Những trường hợp người tiêm dị ứng với những thành phần của vacxin.

Chống chỉ định

Cần có sự thăm khám từ bác sĩ chuyên khoa để tìm ra liệu bạn có phù hợp tiêm loại vacxin đó hay không

Vacxin quan trọng như vậy nhưng để đạt được hiệu quả tốt nhất của vacxin thì không thể phớt lờ những lưu ý trước khi sử dụng. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp đủ những thông tin cần thiết về vacxin để tất cả mọi người được tiêm vacxin một cách an toàn nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital