Thời điểm giao mùa khiến cho bệnh viêm phổi tăng cao, đặc biệt là ở người già và trẻ em. Để phòng bệnh viêm phổi, vệ sinh sạch sẽ và xây dựng lối sống khỏe mạnh là điều cần thiết. Bên cạnh đó, có những loại vacxin có thể hỗ trợ ngăn ngừa viêm phổi mà bạn cần cân nhắc tiêm chủng sớm.
Menu xem nhanh:
1. Tỷ lệ mắc viêm phổi tăng cao vào thời điểm giao mùa
Viêm phổi là bệnh lý gây nhiễm trùng nhu mô phổi đi kèm với sản xuất dịch tiết trong phế nang, bao gồm:
– Viêm phế nang.
– Ống và túi phế nang.
– Tiểu phế quản.
– Viêm tổ chức kẽ của phổi.
Viêm phổi thường xảy ra ở một thùy phổi, nhưng cũng có thể gây tổn thương ở nhiều thùy khi vi khuẩn lây lan theo đường phế quản. Tình trạng viêm có thể lan đến màng phổi và màng tim. Tùy vào độ tuổi và sức khỏe tổng thể, viêm phổi có thể gây mức độ nặng nhẹ khác nhau. Phần lớn bệnh nặng thường xảy ra ở người cao tuổi, trẻ em, người bị ức chế hoặc suy giảm miễn dịch, có bệnh lý nền sẵn.
1.1. Nguyên nhân dẫn tới viêm phổi tăng cao
Bệnh viêm phổi do nhiều tác nhân gây nên, gồm:
– Phế cầu khuẩn.
– Hib.
– Não mô cầu.
– Cúm.
– Và nhiều tác nhân khác.
Giai đoạn thời tiết chuyển từ hè sang thu là số lượng ca đến khám và điều trị viêm phổi tăng cao hơn hẳn. Thời điểm này tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển mạnh. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khiến đường thở khó thích nghi, nhạy cảm và dễ nhiễm bệnh. Đồng thời, chất lượng không khí luôn được cảnh báo ở mức có hại cho sức khỏe cũng khiến hệ hô hấp khó phục hồi khi bị nhiễm trùng.
1.2. Biến chứng nặng nề của bệnh viêm phổi
Trước khi tìm hiểu những loại vacxin nào cần tiêm chủng thì ta cần nắm rõ các biến chứng do bệnh gây ra nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Viêm phổi là bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nên mọi người không được chủ quan. Có thể kể đến như:
– Nhiễm trùng huyết.
– Suy hô hấp.
– Suy tim.
– Tràn dịch màng phổi.
– Viêm phổi hoại tử.
– Xẹp phổi.
– Tử vong.
2. Những loại vacxin cần tiêm để phòng bệnh viêm phổi
Hiện nay, các chuyên gia y tế khuyến cáo ưu tiêm tiêm phòng những loại vacxin sau để ngăn chặn bệnh viêm phổi tìm đến:
2.1 Vacxin ngừa phế cầu khuẩn là một trong những loại vacxin cần ưu tiên
Phế cầu là loại vi khuẩn trú ngụ ở hầu họng, gây ra các bệnh viêm mũi họng, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết,…Trong đó có cả bệnh viêm phổi – căn bệnh có sức tàn phá sức khỏe nặng nề nếu xem nhẹ, chủ quan.
Tiêm vacxin ngừa phế cầu là cách tốt nhất mà bạn nên lựa chọn để phòng bệnh viêm phổi. Khi vacxin được truyền vào bên trong, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng nguyên giúp ngăn ngừa sự gây hại của vi khuẩn phế cầu.
Có 2 loại vacxin phòng bệnh phế cầu khuẩn đang được lưu hành tại Việt Nam bao gồm:
– Vacxin Synflorix (Bỉ).
– Vacxin Prevenar 13 (Bỉ).
Lịch tiêm ở từng đối tượng sẽ khác nhau, được phân chia như sau:
– Trẻ em dưới 2 tuổi: Tiêm 3 mũi cơ bản, mỗi mũi cách nhau ít nhất 4 tuần. Trẻ em đủ 6 tuần tuổi có thể bắt đầu thực hiện mũi tiêm đầu tiên. Tiêm nhắc lại sau mũi cuối cùng của lịch cơ bản ít nhất 6 tháng.
– Trẻ trên 2 tuổi đến dưới 5 tuổi: Đối với vacxin Prevenar 13 thực hiện tiêm 1 mũi duy nhất với trường hợp trẻ chưa tiêm trước đó. Còn vacxin Synflorix thực hiện tiêm 2 mũi cách nhau 2 tháng cho trẻ từ trên 2 tuổi và dưới 5 tuổi.
– Thanh thiếu niên và người lớn chỉ cần thực hiện 1 mũi tiêm duy nhất của vacxin Prevenar 13 (nếu trước đó chưa tiêm).
2.2. Vacxin ngừa khuẩn Hib
Vacxin ngừa khuẩn Hib cũng được chuyên gia y tế khuyến cáo là một trong những loại vacxin nên tiêm sớm. Bởi vi khuẩn Hib (với tên gọi cụ thể là Haemophilus Influenzae type B) là tác nhân chính gây ra viêm phổi ở trẻ dưới 5 tuổi. Nếu chưa tiêm chủng, vi khuẩn gây viêm phổi nặng ở 1/4 trẻ trên toàn thế giới. Cha mẹ cần chủ động tiêm chủng cho trẻ ngay từ giai đoạn sơ sinh sẽ đạt được mức độ bảo vệ cao.
Vacxin ngừa khuẩn Hib được chỉ định tiêm khi trẻ đạt đủ 2 tháng tuổi. Với lịch tiêm cơ bản gồm 3 mũi, các mũi cách nhau ít nhất 4 tuần. Tiêm mũi nhắc lại sau mũi cuối cùng ít nhất 12 tháng.
2.3. Vacxin ngừa cúm cũng nằm trong những loại vacxin hỗ trợ phòng viêm phổi
Virus cúm có khả năng làm yếu cơ chế bảo vệ thông thường của phổi. Nhân cơ hội này thì các vi khuẩn khác có thể tấn công và gây tổn thương, suy hô hấp dẫn tới tử vong của người bệnh. Vì vậy, chủ động tiêm phòng cúm là cách ngừa viêm phổi hiệu quả và an toàn. Hiệu quả mà vacxin mang lại đạt tới 90%. hơn hẳn với các giải pháp phòng ngừa khác.
Nên tiêm vacxin cúm mỗi năm 1 lần và trước khi thời điểm giao mùa diễn ra. Với đối tượng chưa từng tiêm vacxin cúm bao giờ cần tuân thủ theo lịch tiêm như sau:
– Trẻ em đủ 6 tháng tuổi thực hiện 2 mũi tiêm cơ bản, mỗi mũi cách nhau 4 tuần. Sau đó mỗi năm trẻ cần tiêm nhắc lại.
– Trẻ từ 2 tuổi trở lên nếu chưa từng tiêm vacxin cúm bao giờ thì thực hiện 2 mũi tiêm cơ bản, mỗi mũi cách nhau 1 tháng. Sau đó tiêm nhắc hàng năm.
– Thanh thiếu niên và người lớn tiêm nhắc lại mỗi năm 1 mũi.
2.4. Vacxin phòng não mô cầu khuẩn
Viêm phổi do não mô cầu khuẩn chiếm đến 9% trong tổng số các ca viêm phổi. Bệnh khởi phát nhanh và đột ngột, gây ra những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh như:
– Suy hô hấp.
– Viêm màng phổi.
Triệu chứng viêm phổi rất dễ bị nhầm với triệu chứng cảm cúm thông thường. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe. Hiện bệnh có vacxin phòng ngừa, được chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến người lớn 45 tuổi.
Trên đây là những loại vacxin nên tiêm sớm giúp hỗ trợ phòng các tác nhân viêm phổi khi giao mùa. Mỗi người tự giác tiêm phòng còn đóng góp vào việc xây dựng một cộng đồng miễn dịch cao, ngăn sự lây lan và bùng phát dịch bệnh. Ngoài việc chủ động tiêm phòng thì cần kết hợp với lối sống lành mạnh, vệ sinh sạch sẽ cá nhân và môi trường sống giúp thiết lập lá chắn bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa hiệu quả các rủi ro có thể xảy đến trong tương lai.