Bệnh mất ngủ gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc của người bệnh và có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi hay giới tính. Tuy nhiên, một số nhóm đối tượng nhất định có thể dễ bị mất ngủ hơn. Bài viết sau đây sẽ bật mí những đối tượng dễ mất ngủ và những lưu ý quan trọng.
Menu xem nhanh:
1. Các đối tượng dễ bị mất ngủ
1.1 Người mắc bệnh mất ngủ có những biểu hiện gì?
Mất ngủ là một loại rối loạn giấc ngủ rất phổ biến, chiếm tới 50% số trường hợp có bất thường về giấc ngủ với các biểu hiện đa dạng như:
– Khó ngủ, đến giờ đi ngủ nhưng không buồn ngủ, nằm mãi mà không ngủ được
– Cảm thấy căng thẳng, thiếu thư giãn, thậm chí là lo sợ mỗi khi đến giờ đi ngủ
– Giấc ngủ không trọn vẹn, ngủ không sâu giấc, trằn trọc không yên
– Thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm, có thể 3 – 4 lần và khó ngủ lại
– Buổi sáng dậy sớm trong tình trạng mệt mỏi, thiếu tỉnh táo
– Thiếu hứng thú, tập trung trong công việc
– Suy giảm trí nhớ
Tình trạng này có thể diễn ra không thường xuyên do những nguyên nhân sinh lý và ít gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Nhưng nếu kéo dài, tình trạng mất ngủ có thể gây nhiều hệ lụy đối với công việc, sức khỏe, đặc biệt tiềm ẩn nguy cơ mắc các căn bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư,…
1.2 Các đối tượng dễ mắc bệnh mất ngủ
Thực tế, bệnh mất ngủ có thể xảy ra với bất cứ ai, ở độ tuổi và giới tính nào. Tuy nhiên có những đối tượng dễ bị mất ngủ hơn gồm:
– Người cao tuổi
Tuổi tác thường đi kèm với sự thoái hóa của cơ thể cùng sự suy giảm chức năng của các cơ quan. Điều này gây ra nhiều bất ổn, kể cả trong giấc ngủ. Các thống kê cho thấy những người trên 60 – 65 tuổi dễ bị mất ngủ hơn so với người trẻ. Bên cạnh đó, các bệnh lý mắc phải khi về già, tình trạng dùng thuốc quá nhiều có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
– Người đang mắc các bệnh lý
Các bệnh mạn tính như bệnh tiểu đường, viêm khớp, Parkinson, đau cơ xơ hóa, trào ngược đường tiêu hóa,… có thể gây ra các cơn đau và cảm giác khó chịu, từ đó làm tăng nguy cơ mất ngủ. Nếu mắc các căn bệnh này, người bệnh cần điều trị sớm và tích cực để hạn chế những tác động xấu đến cuộc sống và sức khỏe.
Ngoài ra, tình trạng sốt, ho, ngạt mũi, đau,… trong những đợt viêm cấp cũng có thể gây khó chịu và mất ngủ.
– Phụ nữ là đối tượng dễ mất ngủ
Theo Tổ chức giấc ngủ Quốc gia Mỹ, phụ nữ có nguy cơ mất ngủ trong suốt cuộc đời cao hơn so với nam giới khoảng 40%. Không chỉ vậy, nữ giới thường mất nhiều thời gian hơn để đi vào giấc ngủ, có thời gian ngủ ngắn và cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy nhiều hơn so với đấng mày râu.
Nguyên nhân là do sự thay đổi nội tiết tố trong các giai đoạn kinh nguyệt, thai kỳ,… Đặc biệt, phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh dễ gặp phải sự thay đổi tâm trạng, dễ lo âu, nổi cáu, bên cạnh đó tình trạng bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm làm gián đoạn giấc ngủ. Áp lực chăm sóc gia đình, con cái, các bệnh lý cũng khiến phụ nữ dễ mất ngủ.
– Người đang gặp các yếu tố tâm lý
Não bộ của những người thường xuyên căng thẳng, áp lực, mâu thuẫn trong công việc, gia đình, cuộc sống thường sẽ không thể thư giãn để đi vào giấc ngủ. Do vậy, những người này có xu hướng khó ngủ, mất ngủ cao hơn so với những người luôn lạc quan, vui vẻ.
Những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu là đối tượng rất dễ mắc bệnh mất ngủ ban đêm.
– Người làm ca đêm
Đặc thù công việc phải làm ca đêm, thường phải đi công tác, du lịch ở nơi khác múi giờ là yếu tố có thể làm thay đổi nhịp sinh học. Điều này có thể khiến bạn dễ bị mất ngủ hơn.
– Người có lối sống thiếu lành mạnh
Lối sống thiếu khoa học, lành mạnh cũng là các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng mất ngủ, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Các thói quen đó là:
+ Ăn uống thiếu chất, không đủ dinh dưỡng
+ Ăn quá no, quá nhiều trước khi ngủ
+ Hút thuốc lá dưới mọi hình thức, kể cả chủ động và thụ động
+ Uống nhiều rượu bia
+ Sử dụng cafe một cách quá mức
+ Ít vận động
+ Sử dụng các thiết bị điện tử để làm việc, giải trí trước giờ ngủ
2. Những lưu ý giúp phòng tránh bệnh mất ngủ
Để phòng tránh mất ngủ, bạn cần duy trì lối sống lành mạnh, phòng trừ các yếu tố nguy cơ gây mất ngủ. Cụ thể:
2.1 Thay đổi lối sống
– Ăn uống đủ chất, đặc biệt bổ sung những chất có lợi cho giấc ngủ
– Không ăn quá no hoặc ăn đồ khó tiêu trước khi ngủ
– Hạn chế hút thuốc lá, uống các loại rượu bia
– Tăng cường vận động thường xuyên và đều đặn
2.1 Điều trị hiệu quả các bệnh lý
Nếu đang mắc các bệnh lý, dù là cấp tính hay mạn tính cũng nên điều trị sớm và hiệu quả với sự tư vấn của bác sĩ. Đặc biệt nếu điều trị bằng thuốc, cần tuân thủ đơn thuốc để hạn chế tác dụng phụ như mất ngủ, chán ăn, táo bón,…
2.3 Thư giãn
Giữ tâm lý luôn thoải mái là một trong những phương pháp giúp giấc ngủ trọn vẹn. Có thể áp dụng một số phương pháp cân bằng tâm trạng như:
– Nghe nhạc, đọc sách có nội dung nhẹ nhàng
– Ngâm chân bằng nước ấm, thảo dược
– Uống các loại trà hoa cúc, trà tâm sen,…
– Tham gia các câu lạc bộ để tăng cường giao tiếp
Trong những trường hợp cần thiết, có thể tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý.
Nếu thuộc một trong những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh mất ngủ, bạn nên chú ý theo dõi giấc ngủ của mình và đi khám Nội thần kinh sớm khi có những dấu hiệu mất ngủ đầu tiên để được chẩn đoán đúng nguyên nhân và mức độ mất ngủ, từ đó điều trị đúng hướng.