Vắc xin cúm vaxigrip tetra là một loại vắc xin phổ biến được chỉ định để phòng trừ khả năng mắc bệnh cúm. Vắc xin này nên được tiêm chủng hàng năm và áp dụng cho cả đối tượng trẻ em, người lớn. Cùng tìm hiểu những thông tin quan trọng về vắc xin này thông qua bài viết dưới đây của Thu Cúc TCI nhé.
Menu xem nhanh:
1. Những thông tin tổng quát về vắc xin phòng cúm
1.1. Vắc xin cúm vaxigrip tetra là gì?
Vaxigrip tetra là tên một loại vắc xin chuyên phòng bệnh cúm được sản xuất bởi hãng Sanofi của Pháp. Loại vắc xin này được đóng gói dưới dạng mỗi bơm tiêm chứa 0,5ml. Vaxigrip được chỉ định sử dụng để tiêm chủng phòng bệnh cúm cho cả đối tượng trẻ em 6 tháng trở lên và cả người trưởng thành.
Vắc xin vaxigrip tetra có tác dụng phòng ngừa được 4 chủng của virus cúm như: cúm A (H1N1, H3N2), cúm B. Vắc xin cúm Vaxigrip thường sẽ được sử dụng thông qua việc tiêm bắp tay.
1.2. Công dụng của vắc xin cúm vaxigrip tetra là gì?
Vắc xin vaxigrip có tác dụng điều trị bệnh truyền nhiễm do loại virus cúm gây ra. Việc tiêm vắc xin cúm hàng năm sẽ giúp phòng tránh khả năng mắc bệnh, cũng như hạn chế việc lây lan bệnh trong cộng đồng. Bệnh cúm hoàn toàn có khả năng gây ra những biến chứng nguy hiểm cho đường hô hấp thậm chí tới tính mạng. Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên thực hiện tiêm chủng phòng cúm hàng năm, nhất là với đối tượng có sức đề kháng yếu như trẻ em.
Bệnh cúm cũng là 1 loại bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp và thường xảy ra theo từng đợt mỗi năm, nhất là vào lúc thời tiết trở lạnh, hoặc giao mùa. Do đó, cách tốt nhất là nên tiêm phòng bệnh cúm trước thời điểm này để cung cấp sức đề kháng tốt nhất cho cơ thể.
1.3. Cách sử dụng vắc xin phòng cúm vaxigrip tetra như thế nào?
Đối với từng đối tượng sẽ có cách sử dụng tiêm phòng vắc xin khác nhau. Do đó, chúng ta cần nắm được liều lượng ứng với mỗi người để giúp vắc xin phát huy tác dụng phòng bệnh tốt nhất, cũng như an toàn với sức khỏe.
– Đối với đối tượng trẻ em từ 36 tháng tuổi trở lên: cần tiêm vắc xin phòng cúm với liều lượng 0,5ml. Tiêm vắc xin tại vị trí cơ Delta
– Đối tượng trẻ em trong độ tuổi 6 tháng – <36 tháng tuổi: sử dụng vắc xin với liều lượng 0,25ml. Nên tiêm ở vị trí cơ Delta hoặc ở khối cơ thích hợp.
– Trẻ em <2 tuổi nếu trước đó chưa từng tiêm cúm lần nào: tiêm 2 liều vắc xin, liều thứ 2 cách liều đầu tiên ít nhất 4 tuần. Nên tiêm đường bắp, vị trí thích hợp nhất là mặt trước phía bên trong vùng đùi.
– Trẻ em <6 tháng tuổi: không nên tiêm vắc xin này
– Người trưởng thành: nên tiêm cúm nhắc lại hàng năm, nhất là đối với phụ nữ trước mang thai cũng cần phải tiêm. Vị trí tiêm sẽ thực hiện ở vùng cơ Delta
2. Một số phản ứng phụ có thể xảy ra của vắc xin vaxigrip tetra
Mỗi 1 loại vắc xin khi được tiêm vào cơ thể đều có thể những phản ứng phụ không mong muốn. Những phản ứng này có thể xảy ra hoặc không, phản ứng nặng hay nhẹ tùy thuộc vào cơ thể và đề kháng của mỗi người. Tuy nhiên, cần lưu ý tới một số phản ứng sau đây để có thể có phương án xử lý kịp thời:
– Phản ứng thường gặp (tỉ lệ khoảng 1/10): đó là các phản ứng thông thường như: đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, buồn ngủ…Đối với trẻ em thì có thể là: quấy khóc, sốt nhẹ, tiêu chảy,…Một số trường hợp còn gặp phải hiện tượng: đau, sưng đỏ tại chỗ tiêm và xung quanh chỗ tiêm, ngứa nhẹ tại xung quanh chỗ tiêm.
– Phản ứng không thường gặp (chiếm tỉ lệ 1/100): có thể kể đến một số phản ứng như: mọc hạch ở vùng cổ, vùng nách, vùng bẹn, buồn nôn, nóng đỏ chỗ tiêm,…
– Phản ứng rất hiếm gặp (chiếm tỉ lệ 1/1000): ảnh hưởng tới xúc giác, tê bì cánh tay, đau dây thần kinh,…
– Một số phản ứng chưa được chứng minh: hiện tượng co giật. giảm tiểu cầu trong máu, ảnh hưởng tới dây thần kinh,…
Những phản ứng kể trên ở mỗi người là khác nhau. Do đó, sau khi tiêm cần theo dõi, chăm sóc sức khỏe, nhất là ở đối tượng trẻ em. Nếu gặp phải hiện tượng bất thường nên lập tức đưa trẻ tới cơ sở y tế, bệnh viện để được tư vấn và xử lý.
3. Một số điều cần lưu ý trong khi tiêm và sau khi tiêm vắc xin phòng cúm
Trước khi tiêm bất cứ loại vắc xin nào, chúng ta cũng cần chuẩn bị kỹ càng các tình huồng có thể xảy ra để kịp thời xử lý nếu cần. Một số điều cần lưu ý đó là:
– Nên tiêm chủng ở những cơ sở y tế có phương án điều trị nội khoa hoặc ở gần những cơ sở bệnh viện có thể theo dõi và xử lý cấp cứu đối với trường hợp bị sốc phản vệ sau tiêm. Nhất là đối tượng trẻ em, bố mẹ cũng cần hết sức lưu ý điều này.
– Nên theo dõi ít nhất 30 phút sau khi tiêm, không nên tự ý ra về trước thời gian này, để đảm bảo kiểm soát được các trường hợp sốc sau tiêm.
– Vắc xin phòng cúm vaxigrip tetra không được tiêm vào mạch máu.
– Bác sĩ, kỹ thuật viên khi tiêm vắc xin tại vị trí bắp tay, vùng cơ Delta nên lưu ý đối với những trường hợp có tiền sử giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu.
– Vắc xin không có tác dụng bảo vệ 100% các trường hợp khỏi mắc bệnh. Do đó, cần phải tiêm vắc xin nhắc lại theo chỉ định và phác đồ khác nhau.
– Nếu trong trường hợp khách hàng bị ngất xỉu sau khi tiêm vắc xin, cần có chuẩn bị phương án xử lý nhanh chóng.
– Trong trường hợp bệnh nhân vừa trải qua điều trị bệnh do Covid – 19 gây ra, thì vẫn có thể tiêm các loại vắc xin phòng bệnh khác. Cần xin ý kiến, tư vấn của bác sĩ chuyên khoa về tiêm chủng.
– Phụ nữ mang bầu trong vòng 3 tháng đầu và trước ngày sinh 1 tháng vẫn có thể tiêm vắc xin vaxigrip để phòng trừ khả năng mắc bệnh. Trường hợp này cũng nên xin ý kiến tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
– Phụ nữ sau sinh và cho con bú cũng nên đi tiêm vắc xin phòng cúm để phòng ngừa khả năng lây lan bệnh cho em bé.
– Không nên sử dụng vắc xin đã bị hết hạn sử dụng để tránh gây ảnh hưởng tới an toàn sức khỏe.
Trên đây là những thông tin quan trọng về vắc xin cúm. Nếu quý khách hàng có bất cứ câu hỏi hay thắc mắc nào cần giải đáp, vui lòng liên hệ với tổng đài của Thu Cúc TCI để được hỗ trợ nhé.