Là một trong các dạng của hội chứng mạch vành cấp tính, nhồi máu cơ tim ST chênh lên là thể bệnh nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của người bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Cùng theo dõi bài viết sau đây là thể bệnh gì và cách chẩn đoán, điều trị bệnh ra sao nhé.
Menu xem nhanh:
1. Nhồi máu cơ tim ST chênh lên là bệnh gì?
Nhồi máu cơ tim ST chênh lên (ST-Elevation Myocardial Infarction – STEMI hay MI xuyên thành) là một dạng nhồi máu cơ tim với đặc trưng là đoạn ST chênh lên trên điện tâm đồ và không đảo ngược bởi Nitroglycerin. Đoạn ST trong nhồi máu cơ tim cấp thường chênh cao dạng ngắn lồi, lõm hoặc hình thái gián tiếp, thường có chênh xuống ở các chuyển đạo đối diện.
2. Các phương pháp chẩn đoán nhồi máu cơ tim có ST chênh lên
2.1. Chẩn đoán lâm sàng nhồi máu cơ tim ST chênh lên
– Triệu chứng cơ năng
Đau ngực là triệu chứng cơ năng thường gặp nhất của bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim dạng STEMI. Cơn đau có đặc điểm kiểu đè nặng, siết chặt, bóp nghẹt. Vị trí đau sau xương ức hoặc đau ngực trái, lan lên cổ, hàm dưới, vai trái, bờ trụ tay trái, thậm chí lan xuống thượng vị nhưng không vượt qua rốn. Thời gian đau thường kéo dài hơn 30 phút. Các triệu chứng kèm theo là vã mồ hôi, khó thở…
Một số trường hợp, triệu chứng đau ngực không đặc hiệu có thể xuất hiện như: mệt mỏi, hồi hộp, khó thở, buồn nôn, nôn, đau bụng, rối loạn tri giác,…Bệnh nhân tuyệt đối không nên chủ quan mà bỏ qua vì đó có thể là những dấu hiệu quan trọng giúp phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Nhồi máu cơ tim ST chênh thường không phát hiện bất thường khi khám thực thể. Một số trường hợp có thể nghe thấy tiếng T1 mờ, tiếng T3, T4.
– Bệnh sử
Nhồi máu cơ tim cấp có đoạn ST chênh lên thường xảy ra ở những đối tượng có đặc điểm sau:
+ Những người thường xuyên bị đau thắt ngực không ổn định
+ Có nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành như: thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, ít vận động, stress, có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu…
+ Nam giới trên 45 tuổi và phụ nữ trên 55 tuổi
Trong hơn 50% các trường hợp, người bệnh có một yếu tố khởi phát như stress, vận động gắng sức, bệnh lý nội khoa nặng, phẫu thuật. Đây là những yếu tố quan trọng giúp chẩn đoán hoặc phân biệt, loại trừ nhồi máu cơ tim có đoạn ST chênh lên với các dạng nhồi máu cơ tim khác hoặc các bệnh lý khác.
2.2. Chẩn đoán cận lâm sàng nhồi máu cơ tim ST chênh lên
Nếu nghi ngờ bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, cần thực hiện các chẩn đoán cận lâm sàng để xác định hoặc loại trừ gồm:
– Điện tâm đồ
Cần cho bệnh nhân đo điện tâm đồ ngay tại phòng cấp cứu. Nếu động mạch vành bị tắc cấp hoàn toàn trên thượng tâm mạc sẽ tạo nên hình ảnh ST chênh lên trên điện tâm đồ hoặc chuyển đạo có sóng Q. Các chuyển đạo xuyên tâm đối của vùng nhồi máu sẽ có hình ảnh ST chênh xuống.
Dựa vào các thay đổi động học của điện tâm đồ, các bác sĩ có thể nhận định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim đơn thuần hay nhồi máu cơ tim có block nhánh trái, tạo nhịp thất trái, nhồi máu cơ tim cấp thành dưới, nhồi máu thất phải hay nhồi máu cơ tim thành sau hay không.
– Xét nghiệm men tim
Xét nghiệm men tim trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim cần xác định các chỉ số:
+ Troponin I và troponin T: Nếu mẫu men tim lần thứ nhất âm tính, xét nghiệm mẫu thứ hai sau 4-6 giờ. Nếu hai lần đều âm tính thì có thể loại trừ nhồi máu cơ tim cấp.
Trong những trường hợp triệu chứng đau ngực hoặc kết quả điện tâm đồ chưa rõ ràng, có thể sử dụng Troponin độ nhạy cao. Chỉ số Troponin càng tăng thì mức độ hoại tử khối cơ tim càng nhiều. Nếu lần xét nghiệm đầu âm tính, thử lại lần hai sau 2-3 giờ.
+ CK-MB: Đây là một loại men tim tăng 4-8 giờ sau nhồi máu và trở về bình thường sau 48-72 giờ. Vì thế chỉ số CK-MB thường được dùng làm căn cứ để chẩn đoán nhồi máu cơ tim tái phát trong giai đoạn bán cấp.
– Siêu âm tim
Siêu âm tim giúp hỗ trợ chẩn đoán nhồi máu cơ tim nhờ khả năng tái hiện hình ảnh rối loạn vận động vùng (gồm giảm động, vô động, nghịch động). Ngoài ra, phương pháp này còn giúp đánh giá chức năng tâm trương và tâm thu thất trái, đánh giá các biến chứng, phát hiện huyết khối, đánh giá chức năng thất phải khi nghi ngờ có nhồi máu thất phải.
Ngoài ra, để đánh giá chính xác mức độ nhồi máu và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, các bác sĩ có thể yêu cầu thêm một số xét nghiệm chức năng thận, điện giải đồ, lipid máu và các xét nghiệm thường quy khác trong vòng 24 giờ kể từ khi nhập viện. Các kết quả này chính là cơ sở quan trọng cho việc đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp.
3. Điều trị
Đối với dạng nhồi máu cơ tim này, bệnh nhân có thể được thực hiện cấp cứu bằng thuốc tiêu sợi huyết để tái tưới máu động mạch vành. Việc này thường đem lại hiệu quả cao nhất nếu được thực hiện trong vòng 30 tới 60 phút kể từ khi phát bệnh. Lợi ích lớn nhất cho điều trị mà thuốc tiêu sợi huyết đem lại là trong vòng 3 giờ, nhưng có thể có hiệu quả đến 12 giờ. Nếu đủ điều kiện gồm chuyên gia có kinh nghiệm và cơ sở vật chất, vật tư cần thiết thì bệnh nhân có thể được tiến hành các biện pháp can thiệp nhằm tái thông mạch vành, khôi phục tưới máu cho cơ tim.
Lưu ý, dù điều trị bằng phương pháp nào cũng đều phải dựa trên tình hình sức khỏe cụ thể của từng bệnh nhân và được chỉ định phù hợp bởi các bác sĩ chuyên khoa tim mạch để mang lại hiệu quả cao nhất. Khi thấy các dấu hiệu nhồi máu cơ tim, hãy đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch uy tín để được chẩn đoán và xử trí kịp thời, bảo vệ tính mạng và hạn chế tối đa các di chứng.
Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu thêm về hiện tượng nhồi máu cơ tim ST chênh lên. Để phòng ngừa nhồi máu cơ tim và bảo vệ sức khỏe của mình, đừng quên chủ động thăm khám và duy trì lối sống lành mạnh.