Sốt amidan ở trẻ em là căn bệnh liên quan tới vấn đề tai, mũi, họng. Hiện tượng sốt amidan đôi khi có thể tái diễn nhiều lần khiến trẻ cảm thấy vô cùng khó chịu. Vậy dấu hiệu để nhận biết trẻ bị sốt do amidan là gì? Làm thế nào để chăm sóc trẻ bị sốt amidan một cách hiệu quả nhất?
Menu xem nhanh:
1. Những loại viêm amidan thường gặp ở trẻ em
Amidan là một tổ chức Lympho, bao gồm amidan khẩu cái, amidan vòi, amidan vòm và amidan lưỡi tạo thành một vòng xung quanh họng. Amidan giúp ngăn chặn những cuộc tấn công của các loại vi khuẩn. Từ 4 – 10 tuổi là độ tuổi mà amidan hoạt động mạnh nhất. Khi tới thời kỳ trưởng thành, sau dậy thì, mức độ miễn dịch của amidan sẽ suy giảm.
Nếu các loại virus và vi khuẩn xâm nhập quá tải, amidan không thể nào ngăn chặn được hết thì rất dễ dẫn tới sưng và viêm amidan, gây ra hiện tượng sốt ở trẻ.
Thông thường, những trẻ dưới 5 tuổi rất dễ gặp phải tình trạng sốt amidan. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì sẽ để lại biến chứng sau này cho trẻ. Một số loại viêm amidan phổ biến và thường gặp ở trẻ em là: viêm amidan cấp tính và viêm amidan mạn tính.
2. Dấu hiệu sốt amidan ở trẻ em là gì?
Trẻ em thường hay bị viêm amidan vào mùa lạnh. Các dấu hiệu của viêm amidan khá giống với những căn bệnh về đường hô hấp như viêm mũi, viêm họng khiến bố mẹ hay nhầm lẫn.
2.1. Dấu hiệu của sốt amidan cấp tính ở trẻ em
– Trẻ cảm thấy chán ăn, mệt mỏi, bỏ bú, đau đầu.
– Họng trở nên khô rát và đau nhói, nhất là khi ăn bị khó nuốt, hơi thở có mùi hôi.
– Đột ngột sốt lên tới 38 – 39 độ C và người rét run. Nếu tình trạng sốt cao kéo dài và tăng độ thì bố mẹ phải đưa con tới bệnh viện để điều trị ngay.
– Tần suất đi tiểu giảm và nước tiểu sẫm màu hơn, trẻ bị táo bón.
– Quan sát thấy amidan ở bên trong họng bị sưng và tấy đỏ, có mủ, hơi thở bốc mùi.
– Một số biểu hiện đi kèm như chảy nước mũi, ho, giọng nói bị nghẹt, khó thở.
2.2. Dấu hiệu của sốt amidan mạn tính ở trẻ em
– Trẻ không bị sốt hoặc bắt đầu với cơn sốt nhẹ, người không bị rét run như sốt amidan cấp tính. Tuy nhiên, trẻ sẽ thỉnh thoảng bị sốt và thường là vào buổi chiều.
– Thường xuyên ho khan, ho vào buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc về chiều.
– Họng bị đau rát và giọng nói thay đổi.
– Thể trạng gầy ốm và xanh xao, nuốt khó vì amidan bị viêm, sưng tấy.
– Hơi thở của trẻ có mùi hôi.
– Bị khó ngủ về đêm và nghẹt mũi, bố mẹ cần phải lưu ý trường hợp này vì trẻ sẽ rất dễ bị ngưng thở khi ngủ.
3. Sốt amidan ở trẻ em kéo dài trong bao nhiêu lâu?
Mỗi một loại viêm amidan sẽ có dấu hiệu sốt khác nhau. Có trẻ sốt cao, có trẻ sốt nhẹ và có trẻ có thể không bị sốt.
Theo một số thống kê, những trẻ bị viêm amidan có thể sẽ sốt từ 1 – 4 ngày. Nếu được điều trị kịp thời và đúng cách thì 70% trẻ có thể hết sốt amidan trong khoảng 3 – 4 ngày. Tuy nhiên, nếu để tình trạng sốt amidan kéo dài lâu ngày mà không đưa trẻ đi khám hay điều trị thì sẽ lâu khỏi. Đồng thời, bệnh có nguy cơ tái phát nhiều lần và gây ra tình trạng viêm amidan mạn tính.
4. Cách chăm sóc hiệu quả tình trạng sốt amidan ở trẻ
Khi đã xác định được rằng con bị sốt do viêm amidan, bố mẹ cần phải thực hiện những biện pháp chăm sóc và điều trị như sau:
– Đưa con tới gặp bác sĩ Nhi nếu đã áp dụng các phương pháp hạ sốt cần thiết nhưng 2 ngày vẫn không hạ sốt.
– Tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ và không được tự ý mua thuốc cho trẻ uống và cho con uống sai liều lượng.
– Có thể sử dụng khăn mềm nhúng nước ấm để chườm hạ sốt cho trẻ, tuyệt đối không bao giờ được dội nước lạnh lên người con.
– Theo dõi sát sao thân nhiệt của trẻ để phát hiện những dấu hiệu thay đổi bất ngờ khi con vẫn còn đang bị sốt amidan. Trong trường hợp sốt trên 39 độ C, bố mẹ phải đưa con tới bệnh viện ngay lập tức.
– Hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng và súc họng sạch sẽ để loại bỏ những vi khuẩn gây hại cho amidan.
– Bổ sung cho trẻ các dưỡng chất cần thiết như vitamin C và vitamin từ một số loại rau củ quả, protein, chất xơ, khoáng chất,… để tăng cường hệ miễn dịch giúp chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Bên cạnh đó, bố mẹ nên chế biến món ăn ở dạng mềm và dễ nuốt để tránh gây tổn thương cho vùng họng của trẻ.
Tóm lại, bố mẹ không được chủ quan khi con có dấu hiệu sốt amidan. Tốt nhất, bố mẹ nên có những biện pháp xử lý kịp thời khi thấy dấu hiệu sốt amidan ở trẻ em để tránh các biến chứng nguy hiểm.