Nguyên tắc điều trị viêm bờ mi hiệu quả và an toàn

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Viêm bờ mi là bệnh lý nhãn khoa thường gặp, tuy không đe dọa tới tính mạng nhưng ảnh hưởng không nhỏ tới thị lực và cuộc sống của người bệnh. Điều trị viêm bờ mi sớm và đúng cách đóng vai trò quan trọng trong việc bảo toàn sức khỏe thị lực. Tìm hiểu ngay!

1. Bệnh viêm bờ mi

1.1. Viêm bờ mi là gì?

Hiện tượng viêm nhiễm xảy ra làm tổn thương biểu bì bờ tự do của mắt gọi là viêm bờ mi. Đây là bệnh lý nhãn khoa thường gặp, có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Bệnh có liên quan tới sự phát triển của lông mi mắt, chủ yếu hình thành do sự tăng tiết bã nhờn ở bờ mi, hoặc do vi khuẩn, bụi bẩn dễ bám trụ vào và gây bệnh.

Tình trạng viêm và các biểu hiện bệnh khiến người bệnh khó chịu, ảnh hưởng tới tầm nhìn của mắt nếu tổ chức viêm sưng nề. Ngoài ra, bệnh cũng cản trở thẩm mỹ khuôn mặt, khiến mọi người cảm thấy e ngại khi giao tiếp.

Viêm bờ mi là tình trạng viêm nhiễm ở bờ mi mắt do nhiều nguyên nhân gây ra

Viêm bờ mi là tình trạng viêm nhiễm ở bờ mi mắt do nhiều nguyên nhân gây ra

1.2. Nguyên nhân gây viêm bờ mi

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng viêm bờ mi mắt được xác định là do:

– Vi khuẩn: Các loại vi khuẩn, virus có hại tấn công vào bờ mi mắt, gây tổn thương, sưng tấy, cộm cấn vùng niêm mạc vùng bờ mi.

– Rối loạn tuyến bã nhờn: Tăng tiết tuyến bã nhờn ở bờ mi mắt khiến vi khuẩn, bụi bẩn dễ tích tụ ở khu vực này và gây viêm nhiễm.

– Dị ứng: Bụi bẩn, phấn hoa, hóa chất khiến vùng mắt trở nên nhạy cảm và dễ dàng bị viêm nhiễm hơn.

– Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc điều trị bệnh lý toàn thân có chứa các thành phần dễ làm cho bờ mi mắt bị kích ứng và viêm nhiễm.

Theo các chuyên gia, những người có sức đề kháng kém, người không vệ sinh thân thể, vùng mắt đúng cách, trẻ nhỏ hoặc những người sinh sống trong khu vực kém vệ sinh… thường có nguy cơ mắc viêm bờ mi cao hơn.

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp cụ thể để điều trị bệnh.

1.3. Dấu hiệu viêm bờ mi

Viêm nhiễm xảy ra ở bờ mi mắt nên dấu hiệu có thể dễ dàng nhận biết nhất của bệnh chính là ngứa, đỏ tấy vùng bờ mi. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp phải các tình trạng sau, tùy thuộc vào mức độ bệnh lý:

– Đau, rát mí mắt

– Mắt cộm

– Đóng vảy ở mí mắt

– Cảm giác dị vật ở mắt

– Sưng to bờ mi

– Mắt khó nhìn, nhìn mờ

– Nhạy cảm với ánh sáng

– Đỏ mắt, chảy nước mắt

– Lông mi dễ gãy rụng…

Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám để xác định chính xác bệnh lý. Vì vậy, khi phát hiện các dấu hiệu trên, mọi người cần tới các cơ sở y tế sớm để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.

2. Điều trị viêm bờ mi mắt

Nguyên tắc điều trị viêm bờ mi dựa trên tình trạng bệnh của từng người. Các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng và đưa ra giải pháp điều trị phù hợp để bảo toàn thị lực cho người bệnh một cách tốt nhất.

2.1. Viêm bờ mi nhẹ

Ở giai đoạn đầu, bệnh có các biểu hiện chưa quá nghiêm trọng nên có thể xử trí bằng việc:

– Vệ sinh mắt để làm sạch bụi, ghèn mắt, giảm thiểu các vi khuẩn, vi sinh vật có hại trú ngụ ở vùng bờ mi. Bác sĩ sử dụng gạc sạch và nước muối sinh lý loãng để lau nhẹ, vệ sinh vùng bờ mi cho người bệnh. Mọi người cũng có thể tự thực hiện việc vệ sinh mắt tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.

– Massage nhẹ nhàng bằng đầu ngón tay ở vùng mí mắt và chườm ấm để kích thích mao mạch lưu thông tốt hơn. Cần lưu ý rằng mọi người phải vệ sinh tay thật sạch trước khi vệ sinh mắt để tránh nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh.

– Nhỏ nước mắt nhân tạo để cải thiện tình trạng khô, giảm nóng rát và chảy nước mắt…

Nếu việc điều trị bằng các phương pháp trên không mang lại hiệu quả, tình trạng viêm vẫn tái diễn thì người bệnh cần tới các cơ sở y tế để bác sĩ xử trí đúng cách.

Massage nhẹ nhàng bằng đầu ngón tay ở vùng mí mắt và chườm ấm để kích thích mao mạch lưu thông

Massage nhẹ nhàng bằng đầu ngón tay ở vùng mí mắt và chườm ấm để kích thích mao mạch lưu thông

2.2. Viêm bờ mi trung bình đến nặng

Đối với trường hợp viêm bờ mi trung bình hoặc viêm bờ mi nặng, việc tự ý điều trị có thể dẫn tới những hậu quả đáng tiếc. Bởi vậy, mọi người cần phải tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để cải thiện tình trạng viêm nhiễm một cách tốt nhất.

– Sử dụng thuốc mỡ kháng sinh để tra mắt, một số loại thuốc được sử dụng có thể kể đến như là: Bacitracin, erythromycin…

– Sử dụng thuốc mỡ kháng sinh hoặc kháng sinh bằng đường uống như tetracycline, azithromycin, doxycycline…

– Sử dụng thuốc nhỏ mắt như Azithromycin, Cyclosporine…

Các loại thuốc được sử dụng đều được kê đơn dựa trên tình trạng viêm và thể trạng của từng người. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc và sử dụng tại nhà mà cần có sự tư vấn, chỉ định của bác sĩ nhãn khoa.

Điều trị viêm bờ mi nặng bằng việc sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ

Điều trị viêm bờ mi nặng bằng việc sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ

3. Phòng ngừa viêm bờ mi

Để phòng ngừa mắc viêm bờ mi, mọi người cần có một chế độ sinh hoạt khoa học, lành mạnh, chăm sóc và bảo vệ mắt đúng cách. Cụ thể:

– Vệ sinh mắt thường xuyên để ngăn ngừa vi khuẩn, bụi bẩn tích tụ gây ra các bệnh nguy hiểm.

– Sử dụng các loại kính bảo hộ, chắn tia UV, chống ánh sáng xanh để bảo vệ mắt.

– Sử dụng thiết bị điện tử khoa học, tránh dùng trong thời gian quá dài, để mắt nhìn quá gần.

– Ăn uống khoa học, tăng cường bổ sung thực phẩm chứa Omega, vitamin A, C, E…

– Hạn chế dụi mắt, sử dụng những thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, rượu bia, thuốc lá có hại cho cơ thể.

– Khám mắt thường xuyên ít nhất 6 tháng/lần, đặc biệt là những người có tiền sử mắc bệnh hoặc đang mắc các bệnh lý nhãn khoa khác.

Đeo kính chống ánh sáng xanh khi làm việc thường xuyên trên các thiết bị điện tử

Đeo kính chống ánh sáng xanh khi làm việc thường xuyên trên các thiết bị điện tử

Điều trị viêm bờ mi sớm sẽ giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh hơn, giảm thiểu nguy cơ tổn thương nghiêm trọng ở vùng bờ mi và ảnh hưởng tới thị lực. Do vậy, mọi người cần đi khám ngay khi thấy mắt có các dấu hiệu bất bình thường và cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital