Viêm tụy cấp do nhiều nguyên nhân gây ra, chủ yếu là do sỏi hoặc do giun đũa chui vào ống tụy, tuy nhiên trong những năm gần đây tỷ lệ viêm tụy cấp do rượu đang tăng lên một cách rõ rệt.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân gây viêm tụy cấp
- Do bệnh lý của đường mật, đáng chú ý nhất là do sỏi và do giun.
- Do rượu, rượu có thể gây viêm tụy cấp nhưng cũng có thể gây viêm tụy mạn.
- Sau phẫu thuật, đặc biệt là sau phẫu thuật bụng.
- Sau chấn thương vùng bụng.
- Sau nội soi mật tụy ngược dòng.
Bên cạnh đó còn có một số nguyên nhân khác như nhiễm trùng (sau quai bị, viêm gan virut), do dùng thuốc (thuốc lợi tiểu thiazid, furosemid, thuốc ngừa thai)…
2. Điều trị viêm tụy cấp
Phần lớn viêm tụy cấp là thể phù (85-90%), điều trị chủ yếu bằng phương pháp nội khoa và bệnh sẽ thoái triển sau 5-7 ngày.
- Các biện pháp thông thường là: hút dịch vị, nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch khi các triệu chứng đau giảm nhiều. Khi tình trạng bệnh thuyên giảm người bệnh có thể bắt đầu ăn dần bằng nước đường, nước hồ đường, cháo để giảm sự tiết dịch tụy; bù nước và điện giải nhằm bảo đảm thăng bằng kiềm toan. Tùy theo điều kiện và nguyên nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định cho dùng các loại thuốc giảm tiết, kháng sinh cho phù hợp.
- Các thuốc giảm đau thật sự chỉ áp dụng khi người bệnh đang điều trị bằng cách nhịn ăn và hút dịch không làm giảm đau. Tuy nhiên không dùng morphin vì có nguy cơ làm co thắt cơ Oddi, có thể dùng dolargan hoặc visceralgin.
- Kháng sinh: trong viêm tụy cấp do rượu chỉ được dùng nhằm chống bội nhiễm nên thường được dùng chậm. Ngược lại, trong viêm tụy cấp do giun, nhiễm trùng rất sớm.
- Trong trường hợp viêm tụy cấp do giun đũa chui vào đường mật tụy đặc biệt là giai đoạn sớm khi giun còn sống và mới chui một phần vào đường mật tụy thì việc sử dụng thuốc liệt giun có tác dụng nhanh và hiệu quả. Đây được xem là phương pháp điều trị nguyên nhân giúp làm giảm đau và làm lùi bệnh rất nhanh. Trong trường hợp viêm tụy cấp do sỏi: hiện nay người bệnh có thể sử dụng phương pháp nội soi và chụp đường mật ngược dòng giúp chẩn đoán, đồng thời xẻ cơ vòng Oddi và keo hoặc tán sỏi. Nếu người bệnh viêm tụy cấp xuất huyết hoại tử: thường có triệu chứng choáng, do đó cần điều trị tích cực bằng bù dịch và điện giải.
3. Người viêm tụy cần ăn uống như thế nào?
Chế độ ăn uống cho người viêm tụy cấp đóng vai trò rất quan trọng. Người bệnh nên chọn chế độ ăn ít chất béo. Nên ăn nhiều rau quả, trái cây, ngũ cốc, protein nạc và giới hạn chất béo. Nên uống nhiều nước hơn (số lượng nước tuỳ theo trọng lượng của mẹ cháu) trung bình khoảng 0,4 lít nước/10 kg thể trọng cơ thể.
Đặc biệt ở giai đoạn ngay sau khi ra viện cần:
– Tránh đồ uống có ga.
– Tránh những thức ăn có nhiều dầu mỡ, sữa bò, phô ma vì những thức ăn này có thể khiến quá trình viêm tiến triển nặng hơn.
– Tránh chế độ ăn ít chất béo, giàu carbonhyrate. Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày.