Viêm dạ dày là chứng bệnh tiêu hóa thường gặp do nhiều nguyên nhân gây ra. Bệnh gây cảm giác khó chịu, đau đớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Để ngăn ngừa và phòng bệnh hiệu quả, bạn cần hiểu rõ về căn bệnh này.
Menu xem nhanh:
Dấu hiệu viêm loét dạ dày
Khi bị viêm loét dạ dày người bệnh thường có những dấu hiệu như:
– Cảm giác cồn cào hoặc đau rát (khó tiêu) ở bụng trên. Khi ăn có thể gây nặng hơn hoặc cải thiện được những khó chịu này.
– Chán ăn
– Buồn nôn, nôn.
– Ợ hơi hoặc chướng bụng
– Đầy vùng bụng trên sau khi ăn.
Ở hầu hết các trường hợp, các dấu hiệu viêm dạ dày là tương đối nhẹ và diễn ra trong thời gian ngắn. Đôi khi, viêm dạ dày có thể dẫn đến xuất huyết dạ dày, nhưng ít khi các triệu chứng xuất hiện nặng trừ khi cũng bị loét niêm mạc dạ dày. Nếu như người bệnh xuất huyết dạ dày có thể xuất hiện các triệu chứng như bao gồm nôn ra máu (có thể giống màu bã cà phê), và phân có máu (thường màu đen hoặc như hắc ín).
Trong trường hợp viêm dạ dày xảy ra đột ngột được gọi là viêm dạ dày cấp. Trong giai đoạn cấp của bệnh, viêm dạ dày dẫn đến buồn nôn, đau hoặc khó chịu vùng bụng trên. Bệnh tiến triển từ từ còn được gọi là viêm dạ dày mạn tính, lúc này các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh có thể khác với các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm dạ dày cấp. Bên cạnh đó, người bệnh có thể có cảm giác đau âm ỉ vùng bụng trên, đầy bụng và chán mặc dù ăn rất ít. Với nhiều người, viêm dạ dày mạn thực sự không có dấu hiệu và triệu chứng nào
Nguyên nhân dẫn đến viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, đó là:
– Nhiễm H. Pylori là nguyên nhân của phần lớn các trường hợp loét dạ dày.
– Thường xuyên dùng thuốc giảm đau: Một số thuốc chống viêm phi steroid có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày.
– Uống quá nhiều rượu bia: Rượu bia có thể gây kích thích và ăn mòn lớp nhầy lót của dạ dày. Nghiện rượu cũng có có thể làm tăng nguy cơ viêm dạ dày.
– Sử dụng cocain: Cocain có thể làm tổn thương dạ dày, khiến người bệnh xuất huyết dạ dày và viêm dạ dày.
– Stress: Stress nặng do đại phẫu, tổn thương do chấn thương, bỏng hay nhiễm trùng nặng cũng có thể làm viêm, loét và xuất huyết dạ dày.
– Rối loạn tự miễn: Một loại viêm dạ dày (viêm teo dạ dày) có thể do rối loạn tự miễn nếu như hệ miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh của niêm mạc dạ dày. Điều này sẽ làm niêm mạc dạ dày mỏng đi (teo) dần dần dạ dày sản sinh acid ít hơn. Viêm teo dạ dày nặng và thiếu máu ác tính thường đi kèm nhau, thường gặp nhất ở người già.
– Bệnh Crohn: Đây là bệnh đường ruột gây viêm mạn tính niêm mạc đường tiêu hóa – ít khi gặp ở dạ dày (viêm dạ dày). Khi mắc bệnh Crohn người bệnh thường xuất hiện các dấu hiệu như đau và suy nhược, bao gồm đau bụng và tiêu chảy toàn nước.
– Xạ trị liệu và hóa trị liệu: Các liệu pháp điều trị ung thư như hóa trị liệu và xạ trị liệu cũng có thể gây viêm niêm mạc dạ dày, dẫn tới loét và viêm dạ dày.
– Bệnh trào ngược mật.
Phòng ngừa bệnh dạ dày
Phòng ngừa viêm dạ dày tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm. Để giúp ngăn ngừa viêm dạ dày, và các rối loạn tiêu hóa nói chung người bệnh cần lưu ý những điều sau:
– Ăn nhiều bữa nhỏ. Nếu bạn thường xuyên khó tiêu thì nên ăn nhiều bữa nhỏ để đệm cho chất tiết acid dạ dày. Bên cạnh đó nên tránh ăn các thực phẩm kích thích chẳng hạn như gia vị, cam quýt hoặc thực phẩm có nhiều gia vị nếu bạn bị viêm hoặc loét dạ dày.
– Hạn chế uống rượu bia.
– Không hút thuốc lá.
– Thay thuốc giảm đau. Nếu có thể, tránh dùng thuốc chống viêm phi steroid. Thay vào đó, thay thuốc giảm đau chứa acetaminophen. Tuy nhiên sự thay đổi này cần phải có chỉ định của bác sĩ.
– Tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Bác sĩ có thể khuyên bạn dùng thuốc giảm độ axít dạ dày hoặc thuốc chẹn axít không cần đơn để ngăn ngừa tái phát viêm dạ dày.