Nguyên nhân gây ung thư đầu cổ vẫn chưa được xác định rõ ràng nhưng hút thuốc lá, uống rượu bia, nhiễm vi rút EBV, HPV, hệ miễn dịch suy yếu… được xác định là những yếu tố hàng đầu làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Ung thư đầu cổ là thuật ngữ để chỉ những bệnh ung thư bắt đầu từ khu vực đầu cổ. Đây là một trong những nhóm bệnh ung thư phổ biến và ngày càng trẻ hóa. Ung thư đầu cổ bao gồm nhóm ung thư khoang miệng (ung thư môi, ung thư lưỡi, ung thư sàn miệng…), ung thư vòm họng, ung thư tai và ung thư tuyến nước bọt.
Menu xem nhanh:
Một số yếu tố nguy cơ, nguyên nhân gây ung thư đầu cổ
Thuốc lá
Thuốc lá là một trong những yếu tố hàng đầu làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư đầu cổ, đặc biệt là ung thư vòm họng và ung thư khoang miệng. Các nhà khoa học đã chỉ ra khói thuốc có chứa tới 7000 hóa chất độ hại và khoảng 70 chất có khả năng gây ung thư. Khoảng 85% bệnh nhân ung thư đầu cổ có liên quan đến khói thuốc lá và nguy cơ mắc bệnh ở những người hút thuốc trực tiếp và bị động là như nhau.
Khói thuốc trực tiếp đưa vào cơ thể mà không qua cơ chế lọc có thể ảnh hưởng đến bất kì vị trí nào như khoang mũi, vòm họng, miệng… gây biến đổi cấu trúc gen tế bào và hình thành các tế bào ác tính.
Rượu bia
Khoảng 90% rượu khi uống có thể biến đổi thành chất độc khi đi vào cơ thể. Rượu kết hợp với một số loại enzyme kích thích tế bào ung thư phát triển, đặc biệt là ung thư miệng, họng…
Tiếp xúc lâu với ánh năng mặt trời
Tia cực tím do ánh nắng mặt trời tỏa ra có khả năng tác động đến da gây ung thư da khu vực đầu cổ, ung thư môi…
HPV, EBV
HPV (Human Papollimavirus) là loại vi rút gây u nhú ở người lây nhiễm chủ yếu qua tình dục. Không chỉ là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung, làm gia tăng nguy cơ ung thư âm hộ, âm đạo, hậu môn mà HPV còn làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng và ung thư miệng, Nguyên nhân được giải thích là do quan hệ tình dục bằng miệng có khả năng lây nhiễm loại vi rút này.
EBV cũng được biết đến là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng, bệnh ung thư phổ biến nhất trong các bệnh ung thư đầu cổ.
Tuổi tác, giới tính
Nam giới có nguy cơ mắc các bệnh ung thư đầu cổ cao hơn nữ giới 2 – 3 lần. Bệnh có thể gặp ở nhiều độ tuổi nhưng phổ biến nhất ở những người trên 40 tuổi.
Vệ sinh răng miệng kém
Vệ sinh răng miệng kém cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư khoang miệng.
Ăn uống không đủ chất
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, thiếu vitamin A, B có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư đầu cổ.
Suy giảm hệ miễn dịch
Những người có hệ miễn dịch kém, hay đau ốm, đặc biệt là những người nhiễm HIV – AIDS, cấy ghép nội tạng phải dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch có nguy cơ mắc các bệnh ung thư đầu cổ cao hơn những người bình thường.
Phòng bệnh ung thư đầu cổ bằng cách nào?
Mỗi yếu tố nguy cơ khác nhau lại làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư đầu cổ khác nhau. Một số biện pháp hạn chế nguy cơ mắc bệnh ung thư đầu cổ là:
- Không hút thuốc lá, uống rượu bia
- Tránh lây nhiễm HPV bằng quan hệ tình dục an toàn, quan hệ với một bạn tình…
- Những người sử dụng răng giả nên kiểm tra nha khoa định kì và vệ sinh răng miệng mỗi ngày…
Không có biện pháp phòng bệnh ung thư nào là tuyệt đối. Vì vậy, những người thuộc nhóm nguy cơ mắc bệnh cao cần quan tâm đến khám tầm soát ung thư định kì để phát hiện bệnh sớm.