Đi tiểu ra máu là một triệu chứng rất thường gặp ở mọi lứa tuổi. Một số trường hợp tiểu ra máu không nguy hiểm, nhưng cũng có các ca tiểu ra máu là biểu hiện của các chứng bệnh nguy hiểm. Dưới đây là những nguyên nhân gây tiểu ra máu mà mọi người cần biết.
Menu xem nhanh:
Thế nào là tiểu ra máu?
Tiểu máu là hiện tượng trong nước tiểu có nhiều hồng cầu. Bình thường, màng lọc cầu thận giữ không cho hồng cầu ra nước tiểu.
Tiểu máu có 2 loại chính:
– Tiểu máu đại thể là khi lượng hồng cầu trong nước tiểu nhiều nên nhìn bằng mắt thường có thể thấy nước tiểu màu đỏ hoặc vàng sậm, thậm chí có thể thấy cục máu đông, dây máu ra theo nước tiểu.
– Tiểu máu vi thể là khi lượng hồng cầu trong nước tiểu ít, không đủ để làm đổi màu nước tiểu nên chỉ được xác định khi quan sát dưới kính hiển vi.
Tiểu ra máu thường kèm với các triệu chứng của nguyên nhân gây ra tình trạng này hoặc kèm với đi tiểu ra mủ, sỏi nhỏ hoặc dưỡng chấp.
Nguyên nhân gây tiểu máu
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là nguyên nhân hàng đầu gây tiểu máu. Vi khuẩn thâm nhập đường tiết niệu, gây viêm và làm tổn thương niêm mạc niệu đạo, bàng quang, niệu quản, đài bể thận, cầu thận… là nguyên nhân khiến cho hồng cầu ra nước tiểu
Triệu chứng của viêm đường tiết niệu phụ thuộc vào vị trí bị viêm như sốt cao, tiểu buốt, tiểu dắt (viêm niệu đạo, bàng quang), sốt cao, rét run, đau hố thắt lưng… (viêm thận – bể thận).
Sỏi đường tiết niệu cũng là nguyên nhân thường gặp ở bệnh nhân đi tiểu ra máu nhiều lần. Sỏi có thể ở nhiều vị trí khác nhau của đường tiết niệu như sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và thậm chí sỏi kẹt ở… niệu đạo. Sỏi hệ tiết niệu gây tiểu ra máu khi di chuyển xuống dưới làm tổn thương lớp niêm mạc đường tiết niệu. Sỏi cũng thường là nguyên nhân nhiễm khuẩn tiết niệu làm bệnh nhân đi tiểu ra máu.
Ở người cao tuổi, nếu bị tiểu ra máu phải luôn cảnh giác với các khối u của hệ tiết niệu như u bàng quang, u thận. Lúc đầu chỉ có tiểu máu vi thể nên bệnh nhân không để ý. Chỉ đến khi tiểu máu đại thể mới đến khám thì khối u có khi đã ở giai đoạn xâm lấn và di căn nhiều nơi. Các khối u lành tính khác như polyp bàng quang… cũng có thể gây chứng tiểu máu nhưng không nhiều.
Ngoài ra, một số bệnh lý về máu có thể gây tiểu máu như bệnh bạch cầu cấp và mạn, bệnh máu khó đông… Những bệnh này ngoài triệu chứng tiểu máu còn có những triệu chứng xuất huyết ở nhiều nơi khác như xuất huyết dưới da, xuất huyết chân răng…
Ngoài các nguyên nhân trên, các nguyên nhân ít gặp hơn gây tiểu máu có thể là bệnh Schistosoma bàng quang, bệnh giun chỉ hệ bạch huyết, các bệnh lý di truyền như bệnh hồng cầu hình liềm, do ngộ độc: axetanilit, nitrotoluen, cantarit, axit picric, do truyền nhầm nhóm máu gây vỡ hồng cầu hoặc tiểu máu, do chấn thương bàng quang niệu đạo hoặc chấn thương thận, niệu quản, vận động với một cường độ quá lớn ở các vận động viên cũng có thể gây tiểu máu.
Do tiểu máu luôn là nguyên nhân của một bệnh lý thực thể tại hệ tiết niệu hoặc các bệnh lý toàn thân nên nếu nghi ngờ bị tiểu máu, người bệnh cần tìm đến bệnh viện để khám xác định có bị tiểu máu hay không và tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Tuyệt đối không nên tự điều trị bằng kháng sinh, thuốc cầm máu…Điều trị sai phương pháp sẽ ảnh hưởng tới tình trạng bệnh và sức khỏe.