Giảm trí nhớ ở người trẻ là vấn đề ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh và có biện pháp phòng ngừa hiệu quả sẽ giúp bảo vệ sức khỏe hệ thần kinh, giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer khi về già.
Menu xem nhanh:
1. Tình trạng hay quên, suy giảm trí nhớ ở độ tuổi thanh niên
Suy giảm trí nhớ là tình trạng chức năng ghi nhớ, lưu trữ và vận chuyển thông tin của não bộ bị giảm sút. Điều này không chỉ cản trở các hoạt động trong cuộc sống mà còn ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và tư duy giải quyết vấn đề.
Ngày nay, tình trạng suy giảm trí nhớ không chỉ là nỗi lo của những người cao tuổi mà còn rất phổ biến ở những người trẻ. Theo nghiên cứu, có khoảng 14% người trong độ tuổi thanh niên và 22% người trong độ tuổi trung niên gặp các vấn đề về trí nhớ như hay quên, nhầm lẫn thông tin.
Triệu chứng bệnh thường gặp ở những người trẻ tuổi bao gồm: hay quên các thông tin trong thời gian gần, gặp khó khăn trong việc nhận định không gian và thời gian, không thể tập trung khi làm việc hoặc học tập, rối loạn hành vi,…
2. Nguyên nhân gây giảm trí nhớ ở người trẻ
Tình trạng suy giảm trí nhớ và nhận thức ở người trẻ là một vấn đề phức tạp và xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số yếu tố chính gây ảnh hưởng tới khả năng ghi nhớ của những người trẻ tuổi:
2.1. Suy giảm trí nhớ ở người trẻ do căng thẳng
Stress và căng thẳng có thể làm giảm khả năng tiếp nhận và lưu trữ thông tin. Khi thần kinh ở trạng thái lo âu, hồi hộp, lượng hormone cortisol sẽ tăng cao đột ngột. Cortisol cao ảnh hưởng đến các chức năng não bộ, bao gồm khả năng ghi nhớ và tập trung. Stress cũng là nguyên nhân làm suy giảm khả năng xử lý thông tin và sự linh hoạt tư duy. Điều này ảnh hưởng lớn đến quá trình học tập và chất lượng công việc.
Để giảm thiểu tác động của căng thẳng kéo dài đến sức khỏe hệ thần kinh, người trẻ nên thực hiện các biện pháp sau:
– Kiểm soát tâm trạng: Tìm kiếm các phương pháp giảm căng thẳng như yoga, thiền, tập thể dục và các kỹ thuật thở sâu.
– Quản lý công việc: Học cách xây dựng kỹ năng quản lý công việc như lập kế hoạch, đặt mục tiêu, xác định phương án giải quyết vấn đề và tổ chức công việc. Điều này giúp giảm stress và tăng khả năng tập trung vào các công việc quan trọng.
– Bên cạnh đó, trò chuyện, tham gia hoạt động xã hội là các biện pháp giúp cải thiện tâm trạng hiệu quả.
2.2. Giảm trí nhớ do thiếu ngủ
Việc thiếu ngủ có thể làm suy yếu khả năng lưu trữ thông tin. Khi bạn không được ngủ đủ, quá trình tái tạo và ghi nhớ thông tin trong não bị ảnh hưởng.
Não của chúng ta trải qua các giai đoạn quan trọng trong khi ngủ, bao gồm giai đoạn REM và non-REM. Trong giai đoạn non-REM, thông tin từ ngày hôm trước được ghi nhớ và củng cố trong bộ nhớ dài hạn. Trong giai đoạn REM, các ký ức mới được hình thành và liên kết với những ký ức cũ.
Ở những người thiếu ngủ, các giai đoạn này bị gián đoạn, ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ thông tin. Thêm vào đó, thiếu ngủ cũng có thể làm giảm sự tập trung và khả năng xử lý vấn đề. Để bảo vệ hệ thần kinh và cải thiện trí nhớ, hãy cố gắng ngủ đủ giấc và chất lượng. Hạn chế thức khuya hoặc làm việc quá sức. Ở những người trong độ tuổi trưởng thành, nên duy trì giấc ngủ sâu từ 7 – 9 tiếng một đêm.
Ngoài ra, chế độ ăn uống không cân đối, thiếu chất dinh dưỡng và không tập thể dục đều có thể gây ra tình trạng hay quên hoặc nhớ sai thông tin. Đặc biệt, những người thường xuyên sử dụng rượu bia và các chất kích thích có nguy cơ cao mắc các bệnh lý thần kinh và suy giảm trí nhớ nghiêm trọng.
2.3. Suy giảm trí nhớ ở người trẻ do các vấn đề thần kinh khác
Các bệnh lý thần kinh như chấn thương não, rối loạn tâm thần,… là những nguyên nhân khiến trí nhớ giảm sút. Theo chuyên gia, các vấn đề sức khỏe gây tình trạng hay quên bao gồm:
– Suy giảm tuần hoàn máu não: Đây là nguyên nhân làm giảm lưu lượng máu tới não, gây thiếu oxy và dưỡng chất cần thiết cho các hoạt động của não bộ. Tế bào thần kinh không có đủ năng lượng và gây tác động xấu đến hiệu suất ghi nhớ cũng như khả năng nhận thức của người bệnh.
– Rối loạn tuyến giáp: Đây có thể là nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ và trầm cảm, ảnh hưởng xấu đến việc ghi nhớ.
– Các bệnh lý khác như khối u, thoái hoá thuỳ trán, tụ máu dưới màng cứng,…cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thần kinh, khiến người bệnh hay quên, nhầm lẫn thông tin hoặc mất tập trung.
3. Tình trạng giảm trí nhớ ở những người trẻ có nguy hiểm không?
Hay quên, nhầm lẫn thông tin và mất khả năng tập trung không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể cản trở rất lớn tới các hoạt động hàng ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trí nhớ kém là một trong những nguyên nhân chính khiến khả năng học tập, làm việc và quan hệ xã hội suy giảm nghiêm trọng.
Mức độ nguy hiểm của tình trạng suy giảm trí nhớ ở người trẻ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu nguyên nhân là do các vấn đề thần kinh như stress, áp lực thì việc thay đổi lối sống lành mạnh có thể giúp cải thiện tình trạng trí nhớ.
Tuy nhiên, các trường hợp giảm trí nhớ do mắc bệnh lý về thần kinh nghiêm trọng thì cần có sự can thiệp của các bác sĩ chuyên khoa. Những bệnh này có thể tiến triển theo thời gian và ảnh hưởng đến chức năng toàn diện của người bệnh.
Vì vậy, nếu bạn thường xuyên hay quên hoặc nhẫm lẫn thông tin, hãy tìm kiếm sự tư vấn và chăm sóc y tế từ các chuyên gia thích hợp như bác sĩ chuyên khoa thần kinh hoặc bác sĩ tâm lý. Các bác sĩ sẽ đánh giá, chẩn đoán vấn đề cụ thể và đề xuất phương pháp điều trị phù hợp.