Nguyên nhân đột quỵ ngày càng trẻ hóa

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Đột quỵ ngày càng dễ xảy ra ở những người trẻ tuổi. Ở Việt Nam, tỷ lệ người trẻ đột quỵ chiếm khoảng 10-15%. Nguyên nhân đột quỵ ngày càng trẻ hóa là gì và làm thế nào để phòng tránh, cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

1. Đột quỵ ngày càng trẻ hóa – Những con số báo động

Các thống kê tại Hoa Kỳ cho thấy 10 – 15% các trường hợp đột quỵ ở nước này là thanh niên. Từ năm 1993 đến 2015, tỷ lệ người đột quỵ trong khoảng 20 – 44 tuổi tăng từ 17/100.000 lên 28/100.000 người. Còn ở châu Âu, thống kê trên tỷ lệ người lớn dưới 55 tuổi bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ là 18,1/100.000 trong giai đoạn năm 2003 – 2011.

Ở Ấn Độ, ước tính tỷ lệ đột quỵ trung bình hàng năm chỉ là 4/100.000 ở bệnh nhân <40 tuổi,  nhưng lại đạt mức cao nhất là 41/100.000 đối người ở tuổi 40 – 44 tuổi (theo thống kê trong giai đoạn 2003 – 2005).

Tại Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ cũng tăng đáng kể trong 20 năm qua: từ 213,58/100.000 người/năm 1990 lên đến 254,78/100.000 người/năm 2010. Mỗi năm có thêm 200.000 người Việt mắc bệnh này và số trường hợp tử vong do đột quỵ là 11.000 người. Trong đó, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ ngày càng gia tăng, chiếm 10-15%.

Tại các trung tâm đột quỵ trên cả nước ghi nhận nhiều ca bệnh đột quỵ trong độ tuổi trung bình từ 18 đến 44 tuổi. Trường hợp đột quỵ não nhỏ tuổi nhất mới chỉ 12 tuổi.

Như vậy có thể thấy tình trạng đột quỵ ở người trẻ đang gia tăng một cách đáng ngại, tiềm ẩn những nguy cơ đe dọa đến sức khỏe và tương lai của người bệnh.

Thực trạng đột quỵ ngày càng trẻ hóa

Đột quỵ ngày càng trẻ hóa là thực trạng đáng báo động hiện nay.

2. Nguyên nhân đột quỵ gia tăng ở giới trẻ

Các chuyên gia nhận định sở dĩ đột quỵ xảy ra ngày càng nhiều ở giới trẻ chủ yếu là do lối sống thiếu lành mạnh, bao gồm:

2.1 Chế độ ăn uống không lành mạnh – nguyên nhân đột quỵ hàng đầu ở người trẻ tuổi

Thực phẩm có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động của cơ thể nói chung và bộ não nói riêng. Việc thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh, chế biến sẵn nhiều dầu mỡ, chất béo, thực phẩm nhiều đường… đều là tác nhân khiến mỡ máu tăng cao, làm tăng nguy cơ tích tụ mảng bám, gây xơ vữa, tắc nghẽn động mạch và cản trở quá trình đưa máu lên não.

Cuộc sống hiện đại khiến người trẻ ngày càng ít thời gian chăm sóc cho bữa ăn của mình, dẫn tới lựa chọn những thực phẩm thiếu lành mạnh kể trên. 

2.2 Uống nhiều bia rượu

Chất cồn trong rượu bia là nguyên nhân gây tăng huyết áp, dẫn giảm sự bền chắc của thành động mạch, từ đó làm tăng nguy cơ đột quỵ. 90% các cơn đột quỵ xảy ra ở người trẻ đều do người bệnh sử dụng quá nhiều đồ uống có cồn.

2.3 Nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ do căng thẳng quá mức

Hiện nay, giới trẻ có xu hướng theo đuổi công việc, sự nghiệp, dẫn tới làm việc quá sức, khiến bản thân rơi vào tình trạng căng thẳng. Căng thẳng trong một thời gian dài sẽ gây ra những áp lực lớn cho não. Cùng với đó huyết áp tăng cao, cơ tim co bóp mạnh. Điều này khiến dòng máu chảy về não tăng đột ngột, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Đây là nguyên nhân quan trọng gây đột quỵ thiếu máu não hoặc xuất huyết não.

Nguyên nhân đột quỵ thường gặp ở người trẻ

Căng thẳng là nguyên nhân đột quỵ hàng đầu ở người trẻ.

2.4 Thừa cân

Càng tiêu thụ nhiều thức ăn giàu đường, chất béo thì nguy cơ tăng cân ngày càng cao. Hiện nay, rất nhiều người trẻ gặp phải tình trạng thừa cân, đặc biệt là dân văn phòng. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do tính chất công việc ngồi nhiều, ít vận động. Cân nặng tăng không kiểm soát có thể dẫn đến tình trạng xơ vữa động mạch, máu nhiễm mỡ – những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.

2.5 Lười vận động

Bận rộn với công việc, cuộc sống cùng lối sống thụ động có thể khiến người trẻ dần bỏ quên thói quen vận động. Điều này có thể khiến cân nặng tăng mất kiểm soát.  Về lâu dài gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và dẫn đến đột quỵ rất nguy hiểm.

Bên cạnh đó, sự trẻ hóa của các bệnh lý như tăng huyết áp, bệnh mạch vành,… cũng là nguyên nhân gây ra đột quỵ ở giới trẻ. 

3. Triệu chứng đột quỵ ở người trẻ

Cũng giống như đột quỵ nói chung, khi bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ não, các triệu chứng sẽ xảy ra gồm:

– Yếu, liệt: Bệnh nhân đột ngột có cảm giác tê, yếu, liệt ở mặt, tay hoặc chân. Các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể, thậm chí nửa người.

– Rối loạn ngôn ngữ: Bệnh nhân có thể đột ngột không nói được, nói ngọng, giọng bị méo,… Trong trường hợp suy giảm nhận thức, bệnh nhân có thể nói nhảm, vô nghĩa hoặc không hiểu được lời nói của người khác.

– Giảm hoặc mất thị lực: Nguồn cung cấp máu cho vùng não điều khiển thị lực giảm có thể khiến người bệnh đột nhiên không nhìn thấy gì, nhìn kém ở một hoặc cả hai bên mắt.

– Đau đầu, chóng mặt: Đau đầu dữ dội, chóng mặt, mất thăng bằng, khó phối hợp các động tác khiến người bệnh không thể thực hiện vận động theo ý muốn… có thể là dấu hiệu của cơn đột quỵ.

Các triệu chứng có thể xuất hiện ngay lập tức sau vài phút nhưng cũng có người sau vài giờ mới biểu hiện.

Nếu bất cứ ai có biểu hiện bất cứ triệu chứng nào như trên, dù mơ hồ cũng nên ngay lập tức gọi cấp cứu 115 hoặc vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu kịp thời.

Triệu chứng đột quỵ ở người trẻ tuổi

Đột ngột giảm thị lực có thể là 1 trong những triệu chứng đột quỵ mà người bệnh nên cảnh giác.

4. Các phòng tránh đột quỵ ở người trẻ

Chúng ta không thể chắc rằng đột quỵ sẽ không xảy ra nhưng có thể chủ động phòng ngừa bằng những hành động thiết thực mỗi ngày, cụ thể:

– Chú ý đến dinh dưỡng, giảm chất béo, muối trong khẩu phần ăn; tăng cường rau và trái cây.

– Hạn chế rượu bia và các chất kích thích.

– Tập thể dục thường xuyên giúp đánh tan mỡ thừa, giải độc cơ thể, giảm mỡ máu, ổn định cân nặng. Từ đó có tác dụng giảm nguy cơ đột quỵ ở người trẻ tuổi. Các chuyên gia khuyến cáo bạn nên tập ít nhất 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần).

– Tầm soát phát hiện sớm nguy cơ đột quỵ từ đó tuân thủ các chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, nếu mắc phải các bệnh lý mạn tính như rung nhĩ, tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu, cần điều trị tích cực để ngăn nguy cơ bệnh biến chứng thành đột quỵ.

Những thông tin chia sẻ trong bài viết trên đây hi vọng đã giúp bạn hiểu các nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ và những biện pháp nhận diện và phòng tránh hiệu quả. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital