Xơ gan là bệnh lý gan mạn tính do nhiều nguyên nhân gây ra. Khi mắc bệnh xơ gan hầu hết tế bào gan bị biến chất và hoại tử, tổ chức xơ phát triển tăng dày đặc, gan dần dần bị biến dạng cứng lại thành xơ gan. Một chế độ dinh dưỡng tốt sẽ góp phần vào làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh xơ gan là gì?
Xơ gan là quá trình các tế bào gan bị tổn thương dẫn đến hình thành các mô xơ, sẹo. Theo thời gian, các mô xơ sẹo thay thế các mô gan khỏe mạnh, làm suy giảm dần chức năng gan.
Hậu quả của quá trình này là gan không đảm bảo các hoạt động bình thường, chất độc tích tụ ngày một nhiều hơn trong cơ thể. Quá trình xơ gan bị thúc đẩy diễn ra càng nhanh dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Chính vì vậy, xơ gan cần được phát hiện sớm để có phương pháp điều trị kịp thời. Song song với tuân thủ phác đồ được bác sĩ chỉ định, người bệnh cần có chế độ ăn uống hợp lý để hỗ trợ hiệu quả điều trị.
2. Người bệnh xơ gan nên ăn uống gì?
Nguyên tắc chung về ăn uống đối với bệnh nhân xơ gan là: Ăn thức ăn chứa nhiều nhiệt lượng, nhiều protein, gluxit, lượng lipit vừa phải, nhiều vitamin và chất khoáng. Nên ăn các món nhỏ vụn, mềm, dễ tiêu hóa, không có tính kích thích. Trong đó, nhiệt lượng mỗi ngày cần 2500-2800 calo, protein mỗi ngày 1,5-1,8 gam/kg thể trọng, lipit 40-50 gam/ngày. Gluxit 300-400 gam/ngày.
Vì vậy, người bệnh nên ăn cơm nhão, cháo gạo, mì nước, sữa đậu nành, sữa bò, sữa chua tách bơ, trứng luộc, dưa chuột, thịt lợn nạc, thịt bò, thịt dê, cá tôm, gà, đậu phụ, đậu Hà Lan, cà chua, khoai tây, cà rốt, bí đao, chuối tiêu, cam quýt… Phương thức chế biến có thể đa dạng, tuy nhiên cần hạn chế chiên rán, quay, nướng.
Sau đây là danh sách các loại thực phẩm mà người mắc xơ gan nên bổ sung trong chế độ ăn:
2.1. Những thực phẩm giàu protein
Bổ sung protein đầy đủ sẽ góp phần làm cho những tế bào bị thương tổn hồi phục và tái sinh. Đồng thời nhóm thực phẩm này có thể cải thiện tình trạng protein máu thấp. Nguồn đường dự trữ đầy đủ có lợi cho giải độc gan, dưỡng gan, điều chỉnh tình trạng hạ huyết đường nảy sinh khi chức năng gan yếu kém.
Một người trưởng thành nên bổ sung trung bình 1g protein/ngày. Người bệnh nên lựa chọn các thực phẩm giàu protein từ thực vật (như ngũ cốc, các loại hạt, sữa,…) thay vì là sử dụng quá nhiều các loại thực phẩm giàu protein từ động vật.
2.2. Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất
Lượng vitamin và chất khoáng phong phú giúp giữ gìn và cải thiện chức năng gan, bổ sung sự thiếu hụt do quá trình chuyển hóa gặp trở ngại gây ra. Bổ sung nguồn vitamin và khoáng chất dồi dào từ rau, củ, quả trong thực đơn hàng ngày giúp tăng cường và phục hồi chức năng gan.
2.3. Thực phẩm chứa đủ chất xơ tốt cho người bệnh xơ gan
Chất xơ rất cần thiết cho việc tăng cường chức năng giải độc gan, giúp gan loại bỏ độc tố. Bên cạnh đó chúng còn có vai trò cân bằng các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý chỉ ăn vừa đủ lượng chất xơ cần thiết theo lời khuyên của bác sĩ. Người bệnh không nên ăn quá nhiều chất xơ để hạn chế sự hoạt động của gan.
2.4. Thực phẩm giàu Beta-carotene
Chất beta-carotene có tác dụng giúp chống oxy hóa mạnh. Nhờ đó, nhóm thực phẩm này giúp bảo vệ gan chống lại các bệnh lý và loại bỏ các gốc tự do khỏi cơ thể. Beta-carotene được tìm thấy nhiều trong cà rốt.
2.5. Thực phẩm giàu Omega-3 Fatty Acids
Cá mòi, cá hồi, cá thu, cá ngừ… là những thực phẩm giàu omega-3. Thực phẩm này tốt cho hệ tiêu hóa, đồng thời không gây áp lực lên gan. Đây cũng là một trong những chất được chuyên gia khuyến cáo cần được bổ sung nhiều trong chế độ ăn hàng ngày của người mắc xơ gan.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể sử dụng các thảo dược có lợi cho gan như: cà gai leo, mật nhân, diệp hạ châu, atiso… có tác dụng mát gan giải độc gan.
3. Người bệnh xơ gan không nên ăn những gì?
3.1. Tuyệt đối kiêng rượu bia
Người bệnh cần kiêng hẳn rượu bia và đồ uống có cồn. Lý do là vì chất cồn có tác hại trực tiếp đối với tế bào gan, thường là nguyên nhân quan trọng gây xơ gan nặng.
3.2. Kiêng đồ ăn cay nóng, đồ ăn nhanh và thực phẩm phụ gia
Hạn chế, dùng ít hoặc không dùng thực phẩm phụ gia, các món cay nóng và gia vị để tránh gây tác hại cho tế bào gan.
Người bệnh không nên ăn thực phẩm chế biến sẵn do chúng chứa nhiều chất bảo quản. Một số loại thực phẩm đóng hộp chứa màu thực phẩm nhân tạo không tốt cho gan.
Khi lựa chọn thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, người bệnh cần lưu ý lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Hiện nay tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu trong rau củ quả, thuốc tăng trọng ở gia cầm, gia súc xảy ra hết sức phổ biến. Sử dụng các loại thực phẩm này sẽ khiến độc tố tích tụ trong cơ thể. Hậu quả là gan chịu áp lực lớn khi phải hoạt động nhiều hơn để lọc và đào thải độc tố.
3.3. Hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, khó tiêu
Người bệnh nên hạn chế đồ ăn chiên xào, đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ và các loại thực phẩm khó tiêu, tránh khiến gan hoạt động quá tải. Mặt khác, những đồ ăn khó tiêu còn có thể sinh nhiệt gây nóng gan. Điều này gây khó khăn cho quá trình phục hồi của tế bào gan xơ hóa.
3.4. Người bệnh xơ gan không nên ăn mặn
Những người xơ gan giai đoạn đầu nên ăn không quá 3g muối/ngày. Đối với xơ gan giai đoạn muộn, xơ gan cổ trướng, người bệnh chỉ nên ăn khoảng 500mg muối/ngày.
Bên cạnh kiêng ăn mặn, trường hợp xơ gan giai đoạn cuối (đặc biệt người bị xơ gan cổ trướng có dấu hiệu phù nề, chướng bụng) cần hạn chế uống nước. Ăn nhạt, chỉ uống khoảng 1 lít nước/ngày giúp hạn chế lượng natri hấp thụ vào trong cơ thể.
Ngoài ra, người bệnh cần kiêng hút thuốc lá và các chất kích thích khác. Đồng thời cần cẩn trọng khi sử dụng thuốc, chỉ dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Như vậy, bài viết đã cung cấp thông tin về các loại thực phẩm nên ăn và không nên ăn đối với người bệnh xơ gan. Hãy xây dựng chế độ ăn lành mạnh, tuân thủ phác đồ của bác sĩ để quá trình điều trị đạt hiệu quả cao nhất.