Mụn thủy đậu là một trong những dấu hiệu đặc trưng mà bất kì trẻ nhỏ hay người lớn khi mắc bệnh cũng phải đối diện. Điều đáng nói là các mụn nước thủy đậu khi xuất hiện còn mang tới sự ngứa ngáy, đau rát và vô cùng khó chịu cho trẻ. Thế nhưng, nếu để bé gãi gây trầy xước hay vỡ mụn nước thì tình trạng bội nhiễm hoặc biến chứng nguy hiểm có thể sẽ xảy ra. Do đó, bố mẹ đừng bỏ qua bài viết dưới đây để nắm được cách xử lý các mụn nước thủy đậu khoa học, an toàn, ngừa tối đa nguy cơ biến chứng cho bé nhé.
Menu xem nhanh:
1. Mụn nước thủy không được chăm sóc tốt có thể gây biến chứng nguy hiểm
1.1. Khi nào thì mụn thủy đậu xuất hiện ở trẻ mắc bệnh?
Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm xảy ra khá phổ biến ở đối tượng trẻ em, nhất là các bé dưới 10 tuổi. Điều này là do khả năng lây lan nhanh và mạnh của Varicella Zoster.
Khi mắc thủy đậu, bất cứ bé nào cũng phải đối diện với mụn thủy đậu. Theo tiến triển của bệnh, mụn nước sẽ mọc lan khắp người bé, thậm chí còn mọc trong niêm mạc miệng, gây sự ngứa ngáy, đau rát rất khó chịu.
Trẻ nhỏ khi mắc bệnh thủy đậu sẽ phải trải qua 4 giai đoạn của bệnh là: ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và hồi phục. Các nốt mụn nước sẽ tiến triển theo các giai đoạn này:
– Ở giai đoạn ủ bệnh, trẻ thủy đậu sẽ không xuất hiện bất cứ triệu chứng nào bất thường. Do đó, mụn nước thủy đậu chưa xuất hiện ở giai đoạn này.
– Ở giai đoạn khởi phát, trẻ mắc thủy đậu sẽ dần xuất hiện các triệu chứng ban đầu như sốt, đau đầu, mệt mỏi… Cuối giai đoạn này, các nốt ban đỏ xuất hiện trên da trẻ, đây chính là tiền thân của các nốt mụn nước ở giai đoạn sau.
– Ở giai đoạn toàn phát, các nốt ban đỏ trên người trẻ sẽ nhanh chóng phát triển thành những nốt mụn nước với kích thước lớn hơn và dần lan khắp người. Một số trẻ còn mọc mụn nước thủy đậu trong cả niêm mạc miệng khiến việc ăn uống trở nên khó khăn.
– Ở giai đoạn hồi phục, các nốt mụn nước thủy đậu sẽ tự vỡ ra, khô lại, bong vảy và bé dần hết bệnh. Lưu ý rằng, đây là giai đoạn các nốt mụn nước của bé dễ bị bội nhiễm, tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, bé cần được bố mẹ chăm sóc thật cẩn thận để các rủi ro về sức khỏe khi mắc thủy đậu không xảy ra.
Như vậy, các nốt thủy đậu sẽ bắt đầu mọc từ cuối giai đoạn khởi phát. Phải tới giai đoạn hồi phục, các nốt mụn nước tự vỡ ra, khô lại, bong vảy thì bé mắc thủy đậu mới hết bệnh.
1.2. Các biến chứng có thể xảy ra nếu mụn thủy đậu không được chăm sóc tốt
Mụn thủy đậu xuất hiện kéo theo sự ngứa ngáy, đau rát vô cùng khó chịu. Điều này rất dễ khiến trẻ nảy sinh hành động gãi gây trầy xước, thậm chí vỡ nốt mụn nước. Hệ quả có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm:
– Bé bị nhiễm trùng da tại vị trí xuất hiện mụn nước thủy đậu. Đây là biến chứng rất thường gặp ở các trẻ mắc thủy đậu. Biến chứng này không nguy hiểm tới sức khỏe của trẻ nhưng nguy cơ cao để lại sẹo vĩnh viễn trên da bé. Điều này có thể gây cảm giác tự ti cho bé khi trưởng thành.
– Bé bị nhiễm trùng toàn thân. Biến chứng này xảy ra khi các nốt mụn nước nhiễm trùng của bé không được xử lý kịp thời hay đúng cách. Khi đã bị nhiễm trùng toàn thân, bé cần được bác sĩ khám và hỗ trợ điều trị để tránh hệ quả tử vong có thể xảy ra.
– Bé bị nhiễm trùng huyết. Biến chứng này xảy ra khi nốt thủy đậu của bé bị vỡ, vi khuẩn đã xâm nhập, tấn công vào máu qua nốt mụn nước và gây nhiễm trùng máu.
– Bé còn có thể bị biến chứng viêm phổi, viêm não, viêm màng não, viêm tiểu não… nếu các nhiễm trùng nốt thủy đậu không được hỗ trợ điều trị kịp thời.
2. Hướng dẫn chăm sóc, xử lý nốt mụn thủy đậu đúng cách, an toàn
Các nốt mụn nước thủy đậu thật sự tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, gây những hệ quả nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí tới tính mạng của trẻ. Do đó, khi nhà có trẻ mắc bệnh thủy đậu, bố mẹ cần chăm sóc con thật tốt, vệ sinh các nốt thủy đậu thật cẩn thận để tránh biến chứng nguy hiểm:
– Bố mẹ hay người chăm sóc hãy dành thời gian ở bên bé nhiều hơn, không để bé gãi gây trầy xước hay vỡ nốt mụn thủy đậu.
– Bố mẹ giúp con làm dịu da bằng cách vỗ nhẹ lên vùng da con bị ngứa, thoa kem dưỡng ẩm lên nốt mụn ngứa cho con theo hướng dẫn của bác sĩ.
– Trường hợp trẻ bị ngứa nhiều, bố mẹ có thể cho con đi khám bác sĩ để được kiểm tra và kê thêm thuốc kháng histamin giảm ngứa nếu cần.
– Hãy vệ sinh mỗi ngày cho bé cẩn thận bằng nước ấm, không tắm lâu gây ảnh hưởng sức khỏe của trẻ. Sau đó, bố mẹ hãy cho bé mặc đồ thoải mái, thoáng mát, chất liệu mềm mại để cơ thể con được thoải mái nhất.
Với trường hợp nốt thủy của bé bị vỡ ra từ giai đoạn toàn phát, bố mẹ cần cho con đi khám bác sĩ ngay để được lên phác đồ điều trị phù hợp. Cách này sẽ giúp giảm tối tình trạng nhiễm trùng và biến chứng có thể xảy ra.
Thông thường, khi nốt thủy đậu bị tác động và vỡ ra sớm, bác sĩ sẽ kê kháng sinh để xử lý các viêm nhiễm có thể xảy ra, kê thuốc hạ sốt nếu bé thủy đậu có triệu chứng sốt cao. Cùng với đó, trẻ sẽ được sát khuẩn với oxy già hoặc betadine và bôi xanh methylen bên ngoài da.
Trường hợp dịch bên trong nốt thủy đậu của bé chuyển sang màu đục, điều này đồng nghĩa rằng bé đã bị bội nhiễm. Bố mẹ cũng cần cho bé đi khám bác sĩ để điều trị đúng cách, khoa học, hạn chế biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe của con.
Trong quá trình chăm sóc trẻ thủy đậu tại nhà, bố mẹ cần theo dõi và không được chủ quan khi thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng bất thường. Sốt cao nhưng không đáp ứng thuốc hạ sốt, co giật, hôn mê, xuất huyết trên nốt mụn thủy đậu… đều là những triệu chứng tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nặng. Bố mẹ hãy nhanh chóng đưa con tới Thu Cúc TCI cơ sở gần nhất để được các bác sĩ hỗ trợ điều trị tận tình nhé.