Mụn rộp sinh dục nữ là một trong những bệnh nhiễm khuẩn đường sinh dục phổ biến. Bệnh do virus HSV gây nên, chủ yếu lây lan qua đường tình dục. Nếu để lâu, bệnh không những gây khó chịu mà còn để lại nhiều biến chứng nặng nề.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm về mụn rộp sinh dục nữ
Mụn rộp sinh dục nói chung và mụn rộp sinh dục ở nữ nói riêng còn được gọi là bệnh Herpes sinh dục. Bệnh do virus HSV (Herpes Simplex Virus) gây nên, làm nhiễm khuẩn đường sinh dục.
Virus xâm nhập vào cơ thể thông qua các lỗ hổng trên da hoặc dịch nhầy và phần lớn là qua đường tình dục. Sau khi “trú ngụ” trong cơ thể, virus này có thể khiến bệnh tái phát nhiều lần. Bởi lẽ, cho đến nay vẫn chưa có phương án nào điều trị triệt để được virus này.
Tuy nhiên, ở môi trường bên ngoài cơ thể thì virus này không tồn tại được lâu. Do đó, bệnh gần như không thể lây truyền qua các vật trung gian như khăn mặt, khăn tay… hay những vật dụng mà người bệnh đã sử dụng.
2. Điểm danh các nguyên nhân gây bệnh mụn rộp sinh dục
2.1. Các nguyên nhân gây bệnh mụn rộp sinh dục nữ
Có hai loại virus gây bệnh mụn rộp sinh dục ở nữ là HSV 1 và HSV 2. Cụ thể:
– HSV 1 thường lây truyền qua đường tiếp xúc gần, da kề da và có thể gây nhiễm trùng bộ phận sinh dục khi quan hệ bằng miệng. HSV 1 phần lớn gây ra các vết phồng nước hoặc các vết loét ở các vùng từ eo trở lên như ngực, cánh tay, miệng, môi, má…
– HSV 2 cũng lây truyền khi da tiếp xúc da nhưng cũng lây qua cả đường quan hệ tình dục không an toàn. Đây là chủng virus rất phổ biến, có khả năng lây nhiễm rất cao, dù cho người bị nhiễm có vết thương hở hay không. Virus này gây ra mụn rộp sinh dục ở các vùng dưới thắt lưng như mông, cơ quan sinh dục, chân…
2.2. Yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh mụn rộp sinh dục nữ
– Là nữ giới: Bởi nữ giới thường dễ mặc bệnh HSV hơn nam giới. Đặc biệt, các virus lây truyền qua đường tình dục thường dễ lây từ nam sang nữ hơn là từ nữ sang nam.
– Quan hệ tình dục không an toàn: Vì quan hệ tình dục là con đường dễ nhất khiến virus xâm nhập vào bộ phận sinh dục. Do đó, các bạn nữ hoặc các chị em khi quan hệ tình dục không dùng bao cao su hoặc quan hệ với nhiều người sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những phụ nữ khác.
– Quan hệ tình dục vào thời điểm bệnh đang bùng phát: Vì mụn nước xuất hiện ở quanh bộ phận sinh dục, nên dù có dùng bao cao su thì một trong hai người vẫn có khả năng nhiễm virus.
3. Nhận biết các biểu hiện của bệnh mụn rộp sinh dục
Tùy vào từng giai đoạn mà bệnh mụn rộp sinh dục HSV lại có những biểu hiện khác nhau.
3.1. Giai đoạn bộc phát
Đây là giai đoạn người bệnh mới nhiễm virus. Trong giai đoạn này, người bệnh sẽ có một số triệu chứng như sốt nhẹ, nhức đầu, nổi hạch… nên dễ bị nhầm với các bệnh cúm.
3.2. Giai đoạn bùng phát bệnh
Là giai đoạn khoảng từ 2 – 7 ngày sau khi nhiễm virus. Người bệnh sẽ thấy sự xuất hiện của các nốt mụn nước tại niêm mạc vùng cơ quan sinh dục (âm đạo, bên trong âm đạo, bên trong cổ tử cung) hoặc mông, đùi, bên trong hậu môn… Khi các mụn nước xuất hiện dày đặc, ở gần nhau tạo thành chùm và tiến triển thành các ổ loét sẽ gây ra cảm giác ngứa, đau rát. Khi các ổ loét bị vỡ thì người bệnh sẽ thấy có hiện tượng rỉ dịch hoặc có thể chảy máu.
Vì môi trường trong âm đạo rất phù hợp để virus có thể tồn tại nên bệnh khó có thể được điều trị triệt để. Do đó, bệnh có khả năng tái phát hàng tháng hoặc hàng năm, theo chu kỳ và không có dấu hiệu báo trước.
4. Bệnh mụn rộp sinh dục ở nữ có biến chứng nguy hiểm không?
Trên thực tế, bệnh mụn rộp sinh dục ở nữ nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ có khả năng ngăn chặn được những biến chứng nặng nề. Tuy nhiên, bệnh gây ra các vết loét ở vùng sinh dục nên người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu, đau nhức. Bên cạnh đó, các vết loét ở bộ phận sinh dục còn gây ảnh hưởng để cuộc sống hàng ngày như: đau rát khi quan hệ vợ chồng, tiểu buốt…
Đối với các mẹ bầu nhiễm bệnh thì mụn rộp HSV ở cổ tử cung chính là một trong những nguyên nhân gây sảy thai hoặc sinh non. Đặc biệt, khi vết loét vỡ ra thì có nguy cơ lây cho thai nhi khi mẹ sinh thường. Khi đó, em bé sinh ra có nguy cơ bị tổn thương não và thị lực, thậm chí là tử vong.
Ngoài ra, bệnh còn gây ra một vài biến chứng như khác tới chị em phụ nữ như:
– Các vết loét ở bộ phận sinh dục làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, bao gồm cả HIV.
– Virus xâm nhập vào âm đạo, “trú ngụ” trong đó, gây nguy cơ viêm niệu đạo, làm ảnh hưởng tới sự đào thải nước tiểu, ảnh hưởng tới bàng quang. Nhiều trường hợp phải dùng sự trợ giúp của phương pháp đặt dẫn lưu bàng quang qua niệu đạo.
– Một trong những biến chứng hiếm gặp nhất nhưng cũng nguy hiểm nhất chính là virus HSV có nguy cơ làm viêm màng não và dịch não tủy.
5. Điều trị và phòng ngừa bệnh mụn rộp sinh dục
5.1. Điều trị bệnh
Có thể nói, tính đến nay vẫn chưa có phương án nào giúp điều trị dứt điểm bệnh này. Bởi vì virus HSV có khả năng tồn tại trong cơ thể suốt đời. Khi nhiễm virus, người bệnh chỉ có thể dùng một vài loại thuốc để ức chế sự tấn công của virus. Những loại thuốc đặc trị đó giúp vết loét nhanh khô hơn, nhanh lành hơn, hạn chế nguy cơ tái phát.
Lưu ý, những phụ nữ đã từng mắc bệnh mà có ý định mang thai thì cần thông báo trước với bác sĩ để có hướng theo dõi và thực hiện các xét nghiệm phù hợp nhằm hạn chế nguy cơ lây cho em bé.
5.2. Phòng ngừa bệnh
Căn cứ vào các nguyên nhân gây bệnh, chúng ta hoàn toàn có thể nắm được những phương pháp giúp phòng ngừa bệnh mụn rộp sinh dục nữ. Cụ thể:
– Quan hệ tình dục an toàn, chỉ quan hệ với một người và sử dụng bao cao su khi quan hệ. Đây cũng là phương pháp hiệu quả nhất để đề phòng bệnh mụn rộp.
– Luôn giữ vệ sinh cơ thể, đặc biệt là bộ phận sinh dục, nhất là trước và sau khi có quan hệ tình dục.
– Không quan hệ tình dục bằng bất cứ hình thức nào nếu một trong hai người đang ở giai đoạn phát bệnh.
– Nếu có dấu hiệu, hãy nhanh chóng, chủ động tới gặp bác sĩ để được chẩn đoán sớm và có hướng điều trị kịp thời, hiệu quả.
Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản và đầy đủ về bệnh mụn rộp sinh dục ở nữ giới. Hy vọng sau bài viết này, các chị em phụ nữ đã hiểu hơn về bệnh mụn rộp sinh dục nữ, từ đó có phương án chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa bệnh.