Mổ hở lấy sỏi thận là phương pháp điều trị sỏi thận cổ điển. Với sự xuất hiện của các phương pháp tán sỏi công nghệ cao ít xâm lấn, hiện nay mổ mở ít được áp dụng tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định đây vẫn là phương pháp giúp lại bỏ sỏi hiệu quả. Vậy mổ hở lấy sỏi chỉ định trong trường hợp nào? Mổ lấy sỏi có đau không? Để biết rõ hơn về phương pháp này, bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Mổ hở lấy sỏi thận
Sỏi thận là bệnh lý sỏi tiết niệu thường gặp nhất, chiếm tới 40%. Bệnh cần phải điều trị sớm, nếu không sẽ gây tắc nghẽn đường dẫn tiểu và ảnh hưởng xấu đến chức năng thận. Hiện nay, với sự phát triển của y học, các phương pháp điều trị sỏi thận ít xâm lấn đã dần thay thế phương pháp mổ hở như tán sỏi qua da, tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi ngược dòng,… Tuy nhiên, phẫu mổ hở lấy sỏi thận vẫn được chỉ định trong trường hợp sỏi thận ở vị trí phức tạp hay kích thước lớn mà các phương pháp khác không thực hiện được.
2. Mổ lấy sỏi thận được chỉ định trong những trường hợp nào?
Phương pháp mổ hở lấy sỏi thận được áp dụng trong các trường hợp:
- Trường hợp sỏi san hô phức tạp hoặc nhiều viên, sỏi thận có đường kính > 2.5cm đi kèm hẹp bể thận niệu quản mà không có chỉ định tán sỏi.
- Sỏi thận và sỏi niệu quản phối hợp ở nhiều vị trí
- Sỏi thận đi kèm với dị dạng đường tiết niệu như trào ngược bàng quang – niệu quản hay phình to niệu quản.
- Sỏi thận có biến chứng ứ nước, nhiễm trùng.
Không áp dụng phương pháp mổ mở lấy sỏi thận trong trường hợp có thể thực hiện được bằng phương pháp tán sỏi qua da, tán sỏi ngoài cơ thể hoặc tán sỏi nội soi ngược dòng.
3. Quy trình mổ hở lấy sỏi thận
3.1 Chuẩn bị
- Trước khi mổ, người bệnh được làm đầy đủ các xét nghiệm cơ bản và đánh giá chức năng thận 2 bên.
- Siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính để đánh giá số lượng, hình dạng sỏi và mức độ ảnh hưởng của sỏi và các bệnh lý tiết niệu (nếu có) đến chức năng thận,
- Người bệnh được điều trị ổn định các bệnh nội khoa khác như tăng huyết áp, đái tháo đường,.. trước khi can thiệp phẫu thuật, trừ trường hợp khẩn cấp cần mổ cấp cứu.
- Thụt tháo, nhịn ăn và vệ sinh vùng phẫu thuật và toàn thân.
- Sử dụng kháng sinh dự phòng trước mổ để phòng ngừa nhiễm trùng.
3.2 Các bước thực hiện mổ hở lấy sỏi thận
Bước 1: Tư thế bệnh nhân
Bệnh nhân được hướng dẫn nằm nghiêng 90 độ, chân dưới co, chân trên duỗi, có kê gối độn dưới thắt lưng.
- Tiến hành gây mê nội khí quản và gây mê tủy sống.
Bước 2:
- Mở ổ bụng theo đường sườn thắt lưng, vào khoang sau phúc mạc, bộc lộ thận niệu quản.
- Tùy vào vị trí của sỏi mà tiến hành mở bể thận – niệu quản hay nhu mô thận. Bơm hút rửa bể thận, lấy những mảnh sỏi nhỏ.
Bước 3:
- Kiểm tra sỏi ở những vị trí khác (nếu có) như các đài thận nhỏ, niệu quản dưới mà không thể lấy hết được thì sẽ dùng ống soi mềm để quan sát và tán sỏi bằng năng lượng laser. Sỏi sau khi tán nhỏ sẽ được bơm rửa và lấy sỏi.
- Kiểm tra sự lưu thông từ niệu quản xuống bàng quang, đặt ống thông JJ. Sau đó khâu lại nhu mô và bể thận bằng chỉ tiêu chậm.
- Trong trường hợp bệnh nhân có các bệnh mắc kèm như hẹp khúc nối bể thận – niệu quản thì tiến hành tạo hình lại bể thận – niệu quản.
Bước 4:
- Làm sạch ổ mổ, đặt dẫn lưu ổ mở.
- Kiểm tra và đếm lại gạc mổ.
- Khâu và băng lại vết mổ.
3.3. Sau mổ hở lấy sỏi thận
- Bệnh nhân được theo dõi toàn trạng: huyết động,tình trạng ổ bụng, đau sau mổ, số lượng và màu sắc nước tiểu, tình trạng lưu thông tiêu hóa có vấn đề gì bất thường hay không.
- Kháng sinh dự phòng: sử dụng kháng sinh phối hợp nhóm cephalosporin và quinolon từ 5 đến 7 ngày.
- Theo dõi dẫn lưu ổ bụng: màu sắc, số lượng dịch. rút dẫn lưu ổ mổ 2-3 sau mổ. Phát hiện rò nước tiểu sau mổ nếu thấy > 50ml nước tiểu/ngày và kéo dài.
- Rút sonde dẫn tiểu sau 2-3 ngày.
- Bệnh nhân được ra viện sau 5-7 ngày và hẹn tái khám sau 2-4 tuần để siêu âm, chụp X-quang đánh giá sự phục hồi của thận và nội soi bàng quang rút sonde niệu quản.
4. Biến chứng có thể xảy ra
4.1 Biến chứng trong mổ:
- Chảy máu do tổn thương mạch thận, động mạch chủ, nhu mô thận cần khâu để cầm máu
- Rách phúc mạc, tổn thương các tạng xung quang như ruột non, đại tràng: cần phối hợp với phẫu thuật viên tiêu hóa để xử trí.
4.2 Biến chứng sau phẫu thuật:
- Chảy máu nhiều sau mổ: mổ lại để kiểm tra cầm máu
- Tụ dịch hoặc áp xe: Nếu khối dịch < 5cm thì có thể dẫn lưu dưới siêu âm, nếu khối dịch lớn thì cần mổ lại để dẫn lưu và làm sạch.
- Rò nước tiểu: nếu sonde dẫn tiểu bị tắc hoặc gập thì tiến hành đặt lại, nếu không hết thì phẫu thuật để xử lý chỗ rò.
5. Chăm sóc sau mổ hở lấy sỏi thận
Sau khi xuất viện, bệnh nhân vẫn cần được thực hiện theo những hướng dẫn sau:
Chăm sóc vết mổ:
Sau khi mổ, bênh nhân cần được thay băng thường xuyên 1-2 lần/ngày. Nếu vết mổ bị chảy máu, mưng mủ, bệnh nhân sốt, khó thở, bạn nên thông báo cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.
Theo dõi dẫn lưu:
Nếu nhận thấy có bất thường về màu sắc, lượng nước tiểu, có máu hoặc mủ trong nước tiểu thì cần thông báo ngay với điều dưỡng hoặc sĩ.
Vận động sau mổ:
Sau mổ, bệnh nhân nên vận động nhẹ nhàng để tránh dính ruột nhưng không nên thay đổi tư thế đột ngột. Trước khi ngồi dậy và di chuyển cần khóa ống nối để dịch không bị chảy ngược vào trong.
Chế độ dinh dưỡng:
Nên ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, phở,… vì khi phẫu thuật xong cơ thể còn khá yếu và hệ tiêu hóa chưa hoạt động bình thường . Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi để bổ sung vitamin và chất xơ giúp cải thiện chức năng tiêu hóa.
Hạn chế các đồ ăn chiên rán nhiều đường, muối để giảm áp lực lên thận. Tránh sử dụng bia, rượu, cà phê,..và các chất kích thích khác để không ảnh hưởng đến quá trình phục hồi. Các đồ ăn cay nóng, đồ nếp có thể làm chậm quá trình liền sẹo.
Hiện nay, mổ hở lấy sỏi thận đã được thay thế bằng các biện pháp ít xâm lấn khác như nội soi lấy sỏi, tán sỏi qua da, tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi ống mềm..Tuy nhiên, phẫu thuật hở lấy sỏi vẫn được chỉ định trong điều trị sỏi thận kích thước lớn, phức tạp, ở nhiều vị trí…