Tai biến mạch máu não là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, đòi hỏi cấp cứu nhanh chóng. Do đó việc biết giờ vàng của bệnh tai biến để xử lý kịp thời là cần thiết.
Menu xem nhanh:
1. Tầm quan trọng khi cấp cứu người bệnh tai biến mạch máu não trong giờ vàng
Khi tai biến mạch máu não xảy ra, chỉ sau một giây, có đến 32.000 tế bào não chết đi và trong khoảng 1 phút, tai biến do thiếu máu cục bộ sẽ phá hủy khoảng 1,9 triệu tế bão não.
Để nâng cao cơ hội sống sót cho người bệnh, việc cấp cứu trong giờ vàng rất quan trọng. Nếu chậm 1 phút, người bệnh có thể mất đi gần 2 triệu tế bào não. Các biện pháp can thiệp, điều trị tai biến cũng nên áp dụng trong khung giờ vàng để phát huy tối đa tác dụng. Cụ thể, kỹ thuật dùng thuốc tiêu sợi huyết tan cục máu đông thường được áp dụng trong 3-4,5 giờ đầu. Tiếp đó, kỹ thuật can thiệp nội mạch để lấy huyết khối sẽ được áp dụng.
Bên cạnh đó, việc cấp cứu kịp thời không chỉ giúp cứu sống người bệnh mà còn để hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra như:
– Yếu liệt nửa người
– Xẹp phổi
– Mất khả năng vận động
– Mất khả năng giao tiếp
Các nguyên nhân khiến người bệnh không được cấp cứu trong giờ vàng thường là:
– Người bệnh và người nhà thường chủ quan với các dấu hiệu cảnh báo. Thường cho rằng bị mệt mỏi, đau đầu thông thường nên không đưa đến bệnh viện.
– Các phương pháp sơ cứu, chuyển người bệnh đến bệnh viện chưa thực hiện đúng cách. Quãng đường di chuyển quá xa làm bỏ lỡ thời gian vàng cấp cứu.
– Một số bệnh viện chưa có đủ trang thiết bị, máy móc để điều trị tai biến.
2. Tìm hiểu giờ vàng của bệnh tai biến mạch máu não
2.1. Cần cấp cứu trong khung giờ vàng của bệnh tai biến mạch máu não
Theo các nghiên cứu, 3 giờ đầu tiên là “giờ vàng của bệnh tai biến” để cấp cứu. Trong thời gian này, cứ mỗi phút trôi đi sẽ có hàng triệu tế bào thần kinh chết đi. Sau 3 tiếng, vùng não nơi xảy ra tai biến và mô não cận kề vùng tai biến sẽ bị tổn thương nặng nề. Do đó, không tự ý cạo gió, chích kim vào đầu ngón tay, tự ý sử dụng thuốc hay để mấy thời gian lãng phí xem người bệnh có tỉnh lại không.
Ngay khi thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng cảnh báo, hãy nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế uy tín gần nhất để được chẩn đoán, điều trị phù hợp. Mục tiêu là cứu vãn các vùng não thương tổn, điều chỉnh yếu tố nguy cơ và phục hồi chức năng cho bệnh nhân.
2.2. Cần hồi phục chức năng trong khung giờ vàng của bệnh tai biến mạch não
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần được điều trị biến chứng và phục hồi chức năng sớm để có kết quả tích cực nhất. Đồng thời phát hiện và điều trị các yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng và dự phòng tái phát.
Để cải thiện sức khỏe và chống bệnh tái phát, cần tuân thủ sử dụng thuốc theo đơn ít nhất trong vòng 3 tháng. Các nhóm thuốc cho người bệnh tai biến gồm:
– Thuốc hạn chế tình trạng xơ vữa mạch máu
– Thuốc chống kết tập tiểu cầu
– Thuốc chống đông máu
– Thuốc kiểm soát tăng huyết áp, tiểu đường
Lưu ý cần sử dụng đúng liều lượng trong đơn của bác sĩ. Những nhóm thuốc này giúp phòng ngừa sự hình thành huyết khối tuy nhiên lại gây ra tác dụng phụ bao gồm kích thích và chảy máu tiêu hóa.
Nhóm thuốc tiêu huyết khối có tác dụng tốt nhưng chỉ được sử dụng trong “thời gian vàng” của tai biến tắc mạch máu. Ngoài ra thuốc có những chỉ định đặc biệt, chỉ sử dụng tại các chuyên khoa Nội thần kinh có đủ hệ thống thiết bị và phương tiện theo dõi.
Bên cạnh đó, bệnh nhân sau tai biến cũng nên tập luyện, vận động sớm. Thời gian phù hợp có thể sau 24 hoặc 48 giờ khi đã qua giai đoạn đột quỵ cấp. Việc vận động thường xuyên làm giảm các biến chứng như viêm phổi, loét do tì đè, phục hồi khả năng vận động. Việc vận động cũng giúp cải thiện tâm trạng, từ đó kết quả điều trị khả quan hơn.
3. Cách xử trí khi gặp người có dấu hiệu tai biến mạch máu não
Ngay khi gặp người có dấu hiệu tai biến, điều đầu tiên là lập tức liên hệ với cơ sở y tế gần nhất. Lưu ý rằng thời gian cấp cứu tai biến được tính bằng phút để hạn chế tối đa tế bào não tổn thương và chết đi. Nếu chậm trễ, tính mạng người bệnh sẽ bị đe dọa và di chứng để lại vô cùng nặng nề. Do đó cần cấp cứu càng nhanh càng tốt.
Sau khi đã liên hệ với cơ sở y tế, cần lưu ý những điều sau:
– Để người bệnh ở nơi bằng phẳng, thoáng khí.
– Hạn chế tối đa việc di chuyển bệnh nhân.
– Nới lỏng quần áo
– Không tự ý cho ăn hoặc uống để tránh bị sặc, ngộp thở.
– Không dùng kim đâu vào đầu ngón tay
– Không cạo gió, bấm huyệt, châm cứu khi chưa có sự cho phép của bác sĩ.
– Quan sát các triệu chứng để báo lại với nhân viên y tế, bác sĩ.
4. Các nguyên tắc phục hồi chức năng sau tai biến
Phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau tai biến cần can thiệp sớm, phù hợp và kiên trì. Các chuyên gia khuyến cáo, thời gian vàng để phục hồi chức năng là ngay sau khi cơ thể ổn định hoặc sau 3-4 ngày. Nhiều trường hợp vì sợ tái phát nên kiêng vận động và nằm trên giường 4-5 tháng nên đã bỏ lỡ thời gian vàng để hồi phục.
Một số nguyên tắc phục hồi chức năng cho người bệnh sau tai biến là:
– Khi thực hiện các bài tập vận động cần làm với cả 2 bên.
– Cấp độ vận động tăng dần từ từ.
– Đảm bảo trương lực cơ của người bệnh hồi phục gần như bình thường trước khi luyện tập.
– Có thể sử dụng dụng cụ hỗ trợ để người bệnh dễ dàng đi lại hơn.
– Nếu tập vật lý trị liệu, cần tìm các cơ sở uy tín.
– Chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, đa dạng món, đủ chất.
– Vệ sinh sạch sẽ để chống loét, chống nhiễm trùng.
– Động viên, khích lệ tinh thần, quan tâm cảm xúc của người bệnh.
Hi vọng qua bài viết bạn đọc đã hiểu hơn về tai biến và giờ vàng cấp cứu, hồi phục của bệnh. Cách tốt nhất để dự phòng bệnh là ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, vận động đều đặn. Bên cạnh đó cần thăm khám để kiểm tra sức khỏe não bộ thường xuyên để phát hiện sớm bệnh.