Tiêm vắc xin viêm gan B cho người lớn là một biện pháp quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa nguy cơ mắc viêm gan B, một bệnh lây truyền có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Đọc bài viết dưới đây để hiểu về lợi ích cũng như quy trình tiêm vắc xin cho người lớn để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của bạn nhé.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh lý viêm gan B – nguyên nhân, triệu chứng, mức độ nguy hiểm
Bệnh lý viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan B (HBV) gây ra, chia thành hai thể chính là viêm gan B cấp tính và viêm gan B mãn tính.
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) cho thấy, có hơn 2 tỷ người dân trên toàn cầu đã hoặc đang bị nhiễm virus viêm gan B. Bệnh này gây khoảng 600.000 trường hợp tử vong mỗi năm, vượt xa con số tử vong do HIV gấp 50 – 100 lần. Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc viêm gan B, hơn 10% trong số họ có nguy cơ mắc ung thư gan.
Viêm gan B có thể lây qua nhiều con đường, bao gồm 3 con đường chính là đường máu, đường tình dục và đường lây truyền từ mẹ sang con. Ngoài ra virus có thể lây truyền qua dùng chung vật dụng cá nhân như dao cạo râu, kim chích, …
Bệnh viêm gan B có các triệu chứng khá kín đáo nên khó phát hiện ra. Tuy nhiên, một số người có thể trải qua các triệu chứng gồm: nôn mửa, đau bên phải vùng bụng, vàng da và mắt (biểu hiện bệnh vàng da), mệt mỏi, nước tiểu đậm màu,…. Đến khi phát hiện, hầu hết bệnh nhân đã ở giai đoạn mãn tính, xơ gan, hoặc ung thư gan.
Hiện chưa có phương pháp điều trị triệt để viêm gan B, tiêm vắc xin viêm gan B được xem là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh.
2. Lợi ích tiêm vắc xin viêm gan B người lớn
Vắc xin phòng viêm gan B là một biện pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa bệnh viêm gan B và các biến chứng nguy hiểm như xơ gan và ung thư gan. Vắc xin được khuyến nghị sử dụng cho tất cả người lớn và trẻ em có nguy cơ tiếp xúc với virus viêm gan B.
Ngoài ra, vắc xin phòng viêm gan B cũng đóng một vai trò quan trọng trong kiểm soát viêm gan B trong cộng đồng và giảm nguy cơ viêm gan D, bởi viêm gan D không thể xảy ra nếu không có viêm gan B. Lưu ý rằng, vắc xin phòng viêm gan B không phòng ngừa viêm gan do các nguyên nhân khác như virus viêm gan A hoặc virus viêm gan C.
Vắc xin phòng viêm gan B được chỉ định tiêm cho các đối tượng:
– Nhân viên y tế, bao gồm bác sĩ, phẫu thuật viên, nha sĩ, y tá, hộ lý, người thường xuyên tiếp xúc với máu và dịch phẩm.
– Nhân viên làm việc trong phòng thí nghiệm liên quan đến virus viêm gan B.
– Nhân viên hoặc cư dân tại trại dưỡng lão, trại cứu tế và các môi trường có nguy cơ nhiễm virus viêm gan B.
– Người có kế hoạch đi đến vùng dịch.
– Người có nguy cơ tiếp xúc viêm gan B qua quan hệ tình dục.
– Cảnh sát, quân nhân, nhân viên cứu hỏa và những người tiếp xúc với nguy cơ nhiễm virus viêm gan B trong công việc của họ.
– Gia đình có thành viên đã nhiễm virus viêm gan B, đặc biệt là các em bé sinh ra từ bà mẹ có HBsAg (+).
– Những bệnh nhân thường xuyên tiếp xúc với việc truyền máu hoặc các sản phẩm từ máu có nguy cơ đã nhiễm virus viêm gan B.
– Những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, bệnh nhân đang điều trị chạy thận nhân tạo, bệnh nhân đã ghép tạng.
Vắc xin phòng viêm gan B chống chỉ định tiêm cho các đối tượng:
– Người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào có trong vắc xin, đặc biệt những trường hợp có biểu hiện mẫn cảm với vắc xin phòng viêm gan B trong lần tiêm trước.
– Người mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh tim, bệnh thận, bệnh gan, bệnh đái tháo đường, suy dinh dưỡng, bệnh cấp tính.
3. Quy trình tiêm viêm gan B cho người lớn
3.1. Xét nghiệm trước tiêm
Trước khi tiêm vắc xin viêm gan B, quá trình bắt đầu bằng việc thực hiện xét nghiệm HBsAg và HBsAb để xác định tình trạng của cơ thể đối với viêm gan B về việc bạn đã bị viêm gan B hay đã có kháng thể kháng lại virus viêm gan B chưa.
– Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy dương tính với HBsAg, điều này có nghĩa là bạn đã nhiễm virus viêm gan B, và tiêm phòng không còn hiệu quả.
– Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy âm tính với HBsAg, đó là tình trạng chưa nhiễm viêm gan B, và bạn nên tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B.
3.2. Phác đồ tiêm
Có hai phác đồ tiêm vắc xin viêm gan B cho người lớn, bạn có thể chọn một trong hai:
– Phác đồ 0 – 1 – 6: Tiêm mũi thứ 2 sau 1 tháng và mũi thứ 3 sau 5 tháng.
– Phác đồ 0 – 1 – 2 – 12: Tiêm liên tiếp 3 mũi cách nhau 1 tháng và mũi thứ 4 sau 1 năm.
Cứ sau mỗi 5 năm, nên thực hiện xét nghiệm HBsAb, và nếu kết quả HBsAb dưới 10 mUI/ml, cần tiêm một mũi nữa.
Sau khi xác định phác đồ, bạn sẽ tiến hành tiêm vắc xin viêm gan B tại cơ sở y tế hoặc phòng khám. Quy trình tiêm vắc xin tại phòng tiêm chủng thường bao gồm các bước sau:
– Khách hàng sẽ trải qua khám sàng lọc trước tiêm với bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời bác sĩ sẽ tư vấn và cung cấp thông tin về loại vắc xin sẽ tiêm, lịch tiêm, thời gian nhắc lại mũi tiêm (nếu có), lưu ý và chăm sóc sau tiêm chủng.
– Nếu đủ điều kiện tiêm chủng, khách hàng sẽ được dẫn vào phòng tiêm theo số phòng và thứ tự đã được chỉ định.
– Nhân viên y tế sẽ kiểm tra vắc xin trước khi tiêm để đảm bảo đúng vắc xin và liều lượng. Tiêm chủng được thực hiện theo đúng liều lượng quy định cho loại vắc xin cụ thể. Mũi tiêm được đưa vào cơ bắp cánh tay hoặc cơ bắp đùi.
– Sau khi tiêm, khách hàng sẽ được hướng dẫn theo dõi/quan sát và kiểm tra phản ứng sau tiêm trong khoảng thời gian được quy định (thường là 30 phút).
– Trước khi ra về, khách hàng sẽ được kiểm tra sức khỏe để đảm bảo vắc xin không gây ra phản ứng nghiêm trọng, nhận sổ tiêm chủng và hẹn tiêm mũi tiếp theo.
Quy trình tiêm vắc xin này đảm bảo rằng tiêm chủng diễn ra một cách an toàn và hiệu quả.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm về việc tiêm vắc xin viêm gan B, hãy thảo luận với bác sĩ hoặc nhân viên y tế để được tư vấn chi tiết hơn. Bạn có thể liên hệ tới Phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI thuộc Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được hỗ trợ.