Lợi bị sưng là bệnh gì?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Quyết

Trưởng khoa Răng Hàm Mặt - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Trong hầu hết các trường hợp, lợi bị sưng không phải là vấn đề gì đáng lo ngại và có thể điều trị dễ dàng. Tuy nhiên nếu sưng kéo dài không đỡ đi kèm với tình trạng đỏ và nhạy cảm thì đây có thể là cảnh báo về vấn đề sức khỏe răng miệng. Nếu bạn phát hiện ra rằng mình thường xuyên bị sưng và kích ứng lợi thì hãy theo dõi bài viết dưới đây để tìm ra vấn đề mình đang gặp phải nhé!

1. Lợi bị sưng có phải biểu hiện của bệnh?

Tình trạng lợi bị sưng thông thường không chỉ đơn thuần là sưng mà thường có nhiều biểu hiện đi kèm như:

– Lợi có màu đỏ nhạt hoặc đỏ thẫm tùy từng người

– Có mảng bám răng, cao răng đóng dày tại chân răng, viền lợi

– Lợi sưng đỏ hoặc phì đại, tác động nhẹ cũng có thể chảy máu

– Xuất hiện có mùi hôi ở miệng nếu chỗ sưng có mưng mủ

lợi bị sưng

Sưng lợi có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra

Sưng lợi là vấn đề chung của nhiều người, bất cứ ai cũng có thể gặp phải. Nó không phải là một bệnh lý riêng biệt mà là một biểu hiện của bệnh răng miệng, cụ thể là các bệnh thiên về viêm nhiễm. Ngoài ra lợi sưng cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác gây ra. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp khiến lợi bị sưng, tuy nhiên để xác định lý do chính xác, chúng ta nên tới nha khoa để bác sĩ thăm khám và đánh giá đúng nguyên nhân.

1.1 Lợi bị sưng là biểu hiện của viêm lợi

Lợi bị sưng và tấy đỏ là một trong những dấu hiệu điển hình của bệnh lý viêm lợi. Bệnh lý này xảy ra thường do thói quen vệ sinh răng miệng không kĩ lưỡng dẫn đến hình thành mảng bám tích tụ tại viền nướu và răng. Lớp tích tụ ngày càng dày cứng và lan rộng gây tác động đến phần nướu tiếp xúc với răng khiến cho nướu nhạy cảm hơn. Đây cũng là điều kiện để vi khuẩn từ mảng bám dễ dàng tấn công các vết tổn thương tại nướu, tạo thành ổ viêm.

Ảnh hưởng của sưng nướu do viêm lợi tới chủ thể có thể khá nhẹ nên ít được chú ý điều trị. Tuy nhiên, nếu không điều trị ngay từ giai đoạn mới chớm bị, bệnh có thể phát triển thành viêm nha chu và có nguy cơ gây rụng răng.

Do đó, để ngừa viêm và sưng nướu răng, bạn cần đến nha sĩ để lấy cao răng.định kì, tránh việc để cao răng tích tụ quá lâu trên răng.

1.2 Lợi bị sưng do phản ứng phụ của thuốc

Việc sử dụng một số loại thuốc có tác dụng giảm tiết nước bọt như thuốc chống trầm cảm, thuốc cảm lạnh… cũng là một nguyên nhân gây sưng lợi. Khi nước bọt không được tiết ra, miệng sẽ bị khô, khoang miệng không được nước bọt làm sạch thường xuyên sẽ càng làm mảng bám và cao răng dễ dàng tích tụ và lan rộng.

Vì là phản ứng phụ của thuốc nên sưng nướu có thể xảy ra hoặc không, tùy vào cơ địa mỗi người. Do đó để biết chính xác sưng nướu có phải do thuốc không, bạn hãy nói chuyện với bác sĩ về vấn đề này để có sự khẳng định rõ ràng và bác sĩ sẽ thay thể bằng loại thuốc khác nếu cần.

1.3 Thiếu hụt vitamin trong bữa ăn hàng ngày

Sự thiếu hụt vitamin B và C có thể gây nên tình trạng viêm nướu răng nếu bạn không bổ sung đủ liều lượng được khuyến nghị hàng ngày. Vitamin C là loại vitamin đem lại hiệu quả tốt nhất trong việc phục hồi tổn thương và củng cố sức khỏe răng miệng. Đặc biệt, nếu bạn là người không thích ăn trái cây và thường bỏ qua rau củ trong bữa ăn thì nguy cơ gặp các bệnh liên quan đến viêm nhiễm như viêm lợi hay viêm nha chu là rất cao.

1.4 Sưng lợi trong giai đoạn thai kì

lợi bị sưng

Mang thai cũng là một nguyên nhân thường gặp gây sưng lợi.

Theo Hiệp hội Mang thai Hoa Kỳ, nướu bị sưng, viêm và trở nên nhạy cảm khi mang thai là điều rất thường thấy.

Trong thời kỳ mang thai, sự thay đổi nội tiết tố làm tăng lưu lượng máu tới các vùng niêm mạc và nướu, khiến nướu trở nên nhạy cảm, dễ bị kích thích và sưng hơn. Ngoài ra, các hormone cũng có thể làm giảm khả năng chống lại vi khuẩn gây nhiễm trùng nên sẽ làm tăng nguy cơ viêm nướu hơn.

1.5 Sưng lợi do mọc răng khôn

Mọc răng khôn cũng có thể khiến lợi bị sưng, phổ biến nhất là tình trạng sưng vùng lợi quanh răng khôn hàm dưới. Trong vùng răng khôn, mô nướu thường dày và cứng hơn các vị trí khác nên khi răng khôn trồi lên, vụn thức ăn bị kẹt trong phần nướu bị tách và bệnh nhân sẽ bị viêm đỏ nướu kèm theo những cơn đau âm ỉ, nhức nhối mỗi lần răng nhú.

Ngoài những nguyên nhân phổ biến kể trên cũng có một số nguyên nhân khác, ít phổ biến hơn khiến nướu răng bị sưng là:

– Răng giả không phù hợp gây kích ứng nướu: Nướu của bạn thường sẽ thích ứng với mão sứ theo thời gian, nhưng nếu cảm giác khó chịu kéo dài, hãy chia sẻ với nha sĩ để được điều chỉnh hoặc lắp lại cho vừa vặn, tránh để lâu ảnh hướng đến sức khỏe răng miệng..

– Mắc một số bệnh khó lành thương như tiểu đường.

– Mắc bệnh viêm nha chu.

2. Lợi bị sưng có nguy hiểm không?

Trong hầu hết các trường hợp đã nêu bên trên, sưng nướu đều không gây ra hậu quả gì đáng lo ngại và có thể điều trị dễ dàng. Tuy nhiên khác với những nguyên nhân còn lại, sưng lợi do viêm nhiễm có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh lý viêm nha chu.

lợi bị sưng

Viêm nha chu gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm cho răng miệng

Viêm nha chu là diễn biến nặng hơn của viêm lợi, lúc này ổ viêm nhiễm đã lan ra, khiến lợi sưng to, đau đớn, chảy máu, thậm chí có cả mủ trắng. Viêm nha chu gây ảnh hưởng tới các tổ chức quanh chân răng và đem đến nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu như không được chữa trị sớm như:

– Phá hủy các tổ chức quanh chân răng, các dây chằng, mô nướu ở chân răng bị hỏng hoàn toàn dẫn đến tụt lợi.

– Ảnh hưởng đến hệ thống xương nâng đỡ răng, làm tiêu xương ổ răng, răng bị lung lay và cuối cùng phải bỏ răng.

– Gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, đột quy, tiêu hóa, viêm phổi…

– Phụ nữ mang thai bị viêm nha chu có thể đối mặt với nguy cơ sinh non và/ hoặc trẻ sơ sinh khi đẻ bị thiếu cân.

3. Điều trị lợi bị sưng như thế nào?

Cách tốt nhất để giúp bạn có hướng điều trị sưng lợi hiệu quả là tìm hiểu kĩ các dấu hiệu và nguyên nhân gây kích ứng lợi. Sau đó tập trung điều trị triệt để nguyên nhân ấy và chăm sóc kĩ răng miệng để phòng ngừa bệnh quay trở lại cũng như duy trì được một nụ cười khỏe mạnh và tự tin.

Một số thói quen chăm sóc răng miệng bạn nên thực hiện đầy đủ để có hàm răng chắc khỏe, ngừa sưng nướu:

– Chải răng 2 lần mỗi ngày hoặc sau khi ăn 30 phút kết hợp dùng chỉ nha khoa.

– Cải thiện chế độ ăn uống bằng cách tăng lượng trái cây và rau quả, đồng thời hạn chế sử dụng các thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột để giảm hình thành mảng bám.

– Súc miệng bằng nước muối để giảm sưng nướu răng tức thời và làm dịu cơn đau do viêm nướu răng gây ra.

– Dùng thuốc chống viêm không kê đơn, ví dụ như Ibuprofen, có thể giúp giảm sưng nướu, cũng như giúp giảm đau và ê buốt tạm thời cho bạn.

Lấy cao răng và đi khám răng đều đặn mỗi 6 tháng để làm sạch răng và ngăn ngừa, kiểm soát các bệnh lý về răng miệng.

4. Kết

lợi bị sưng

Hãy đến ngay phòng khám Nha khoa uy tín để thăm khám khi thấy nướu bị sưng dài ngày

Nếu tình trạng lợi bị sưng kéo dài và gây bất tiện, khó chịu cho bạn, hãy nhanh chóng đến nha khoa uy tín để thăm khám.Tại đây nha sĩ có thể giúp bạn xác định nguyên nhân gây sưng nướu và đề xuất các phương án điều trị triệt để hiện tượng này. Nếu có bất kì vấn đề gì về răng miệng hoặc thắc mắc cần giải đáp, đừng ngại liên hệ ngay đến Nha Khoa Thu Cúc TCI – một trong những địa chỉ khám chữa bệnh về răng hàm mặt uy tín nhất hiện nay được rất nhiều khách hàng tin tưởng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital