Viêm gan A là bệnh lý truyền nhiễm ảnh hưởng đến chức năng gan của cơ thể. Với nhóm đối tượng có sức đề kháng yếu như trẻ nhỏ, việc phòng ngừa sớm viêm gan A có ý nghĩa quan trọng giúp giảm bớt những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Vậy vắc xin viêm gan A có công dụng như thế nào? Nên tiêm cho trẻ bao nhiêu mũi? Cha mẹ hãy cùng theo dõi bài viết để biết rõ về công dụng và lịch tiêm phòng viêm gan A cho bé.
Menu xem nhanh:
1. Tầm quan trọng của việc tiêm phòng viêm gan A cho bé
Viêm gan A là một loại bệnh nhiễm trùng gan do virus HAV gây ra. Tuy nhiên, viêm gan A thường không để lại hậu quả nặng nề như cho người nhiễm bệnh như viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan. Dù vậy, nếu không phòng ngừa từ sớm, vẫn có một số ít trường hợp bệnh nhân viêm gan A diễn biến sang thể ác tính gây tử vong. Vậy nên việc tiêm vắc xin phòng ngừa sớm cho trẻ có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
1.1. Giá trị mà vắc xin mang lại trong việc phòng ngừa viêm gan A
Có thể thấy, tiêm phòng vắc xin viêm gan A nói riêng và vắc xin nói chung đều mang lại giá trị sức khỏe cho người tiêm. Cụ thể giá trị mà vắc xin viêm gan A mang lại là:
– Bảo vệ trẻ em khỏi căn bệnh viêm gan A và giúp trẻ tạo ra kháng thể chống lại virus HAV. Từ đó giảm bớt nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm của căn bệnh viêm gan A.
– Tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của trẻ để điều trị bệnh.
– Ngăn chặn bệnh lây lan, bảo vệ những người xung quanh và cộng đồng trước căn bệnh viêm gan A.
1.2. Các loại vắc xin viêm gan A phổ biến hiện nay
Hiện nay, để phòng ngừa căn bệnh viêm gan A ở trẻ, có hai loại vắc xin đang được áp dụng phổ biến:
– Vắc xin phòng Viêm gan A – Avaxim 0.5ml (Pháp) dành cho trẻ từ 1 đến dưới 16 tuổi.
– Vắc xin phòng viêm gan A – Havax 0.5ml (Việt Nam) dành cho trẻ từ 2 đến 18 tuổi.
Hiện tại, ở Việt Nam không có vắc xin phòng viêm gan A đơn thuần cho người trên 18 tuổi. Nếu trên 18 tuổi muốn tiêm phòng viêm gan A, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm vắc xin kết hợp phòng viêm gan A và B Twinrix của Bỉ.
1.3. Chỉ định, chống chỉ định và cẩn trọng khi tiêm vắc xin viêm gan A
Vắc xin viêm gan A được chỉ định tiêm thường quy ở trẻ nhỏ từ 12 tháng tuổi trở lên đến 18 tuổi. Với người trên 18 tuổi sẽ được tiêm kết hợp viêm gan A và B như đã nói ở trên.
1.3.1 Trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin viêm gan A
Chống chỉ định tiêm vắc xin viêm gan A với trẻ nhỏ/người lớn có:
– Phản ứng dị ứng trầm trọng như sốc phản vệ sau khi tiêm mũi đầu tiên.
– Có tiền sử dị ứng với các thành phần được liệt kê trong vắc xin viêm gan A. Cần lưu ý tất cả vắc xin viêm gan A đều có chứa nhôm và một vài loại có chứa 2 – phenoxyethanol.
1.3.2 Trường hợp cẩn trọng khi tiêm vắc xin viêm gan A
– Trẻ đang mắc bệnh và cần điều trị. Trong trường hợp bệnh nhẹ, bác sĩ có thể cân nhắc cho tiến hành tiêm. Tuy nhiên, cha mẹ nên đợi cho đến khi con khỏi hẳn bệnh rồi mới tiến hành tiêm chủng.
– Trẻ bị tiêu chảy, sốt cao…
– Trẻ có tình trạng sức khỏe có vấn đề như bị bệnh tim, đái tháo đường, suy dinh dưỡng…
2. Lịch tiêm phòng viêm gan A theo khuyến nghị của bác sĩ
Đối với cả hai loại vắc xin, bác sĩ khuyến cáo tiêm 2 mũi cách nhau 6 -12 tháng. Trong đó:
2.1. Lịch trình tiêu chuẩn tiêm phòng viêm gan A cho bé
Với lịch trình tiêm tiêu chuẩn, mũi tiêm phòng vắc xin viêm gan A sẽ được bắt đầu khi trẻ đủ 12 tháng tuổi. Mũi tiêm thứ hai sẽ được thực hiện cách mũi tiêm đầu tiên 6 tháng, khi mà trẻ đủ 18 tháng tuổi. Đây là lịch trình tiêm đem lại hiệu quả phòng bệnh cao nhất dành cho trẻ.
2.2. Lịch trình khuyến cáo tiêm phòng viêm gan A cho bé
Nếu như không kịp tiêm cho trẻ đúng như lịch trình tiêu chuẩn, cha mẹ có thể đưa trẻ tiêm đủ 2 mũi trong giai đoạn từ 2 đến trước 18 tuổi. Mỗi mũi tiêm nên cách nhau từ 6 – 12 tháng.
Đây là lịch tiêm chủng đầy đủ cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ của Thu Cúc TCI. Cha mẹ hãy ghi nhớ để đảm bảo trẻ được tiêm đủ mũi, đúng thời gian và đúng phác đồ. Từ đó đảm bảo nền tảng sức khỏe cho sự phát triển toàn diện của trẻ sau này.
3. Những tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm vắc xin viêm gan A
Vắc xin viêm gan A đã được kiểm thử và nghiên cứu về độ an toàn đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cũng giống như mọi loại vắc xin khác, vắc xin viêm gan A trong một số trường hợp có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Dù vậy các triệu chứng này thường nhé và xảy ra trong thời gian ngắn. Cụ thể như sau:
– Những phản ứng nhẹ tại vị trí tiêm bao gồm đau, đỏ da, sưng, và thỉnh thoảng chai cứng tại chỗ. Những triệu chứng này thường nhẹ và tự hết trong vòng 2 ngày sau tiêm.
– Phản ứng toàn thân như sốt, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và chóng mặt,… Đây là phản ứng ít gặp, khó xác định nguyên nhân có phải do vắc xin hay không.
Ngoài ra, nếu như sau khi tiêm chủng, trẻ gặp các dấu hiệu như:
– Giảm sự thèm ăn, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn ói,…
– Đau đầu, mất ngủ.
– Phát ban hay nổi mề đay.
Nếu như xuất hiện các triệu chứng trên ở trẻ, cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và điều trị.
Trên đây là những thông tin cơ bản về việc tiêm phòng và lịch trình tiêm vắc xin viêm gan A dành cho trẻ nhỏ. Cha mẹ có thể tham khảo các thông tin để chuẩn bị cho con tiêm chủng an toàn và hiệu quả nhất. Nếu có bất kỳ thắc nào liên quan đến vấn đề tiêm chủng, hãy liên hệ hay đến Thu Cúc TCI để được hỗ trợ sớm nhất!