Kiểm tra chức năng đông máu với xét nghiệm PT

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ

Lại Văn Hòa

Phụ trách phòng xét nghiệm

Đông máu là một quá trình sinh lý quan trọng trong cơ thể con người. Nếu quá trình đông máu gặp rối loạn, chúng ta sẽ tử vong do mất máu dù chỉ bị một vết thương nhỏ. Xét nghiệm PT là một kiểm tra quan trọng giúp phát hiện những bất thường trong quá trình đông máu.

Menu xem nhanh:

1. Xét nghiệm PT là gì?

Xét nghiệm đông máu huyết tương bao gồm:

– PT xét nghiệm đánh giá con đường ngoại sinh

– APTT xét nghiệm đánh giá đông máu theo con đường nôi sinh
– TT xét nghiệm đánh giá đông máu con đường chung

Trong đó, xét nghiệm PT (xét nghiệm Prothrombin) là phương pháp kiểm tra thời gian đông máu. Cụ thể, thử nghiệm này sẽ đo thời gian hình thành cục máu đông trong mẫu máu. Từ đó có thể đánh giá được khả năng đông máu theo con đường ngoại sinh của cơ thể, đánh giá chung các yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K (II, V, VII, X)

Trong quy trình xét nghiệm Prothrombin, mỗi phòng thí nghiệm sẽ sử dụng những loại thuốc thử riêng biệt. Vì thế, giá trị PT (%) và/ hoặc PT (giây) có thể khác nhau giữa những lần bạn kiểm tra Prothrombin ở những địa chỉ khác nhau. Để so sánh kết quả giữa các lần kiểm tra, bạn cần đối chiếu, quy đổi kết quả theo tỷ lệ chuẩn hóa quốc tế INR với các xét nghiệm PT. 

xét nghiệm PT là gì

Xét nghiệm Prothrombin giúp đánh giá khả năng đông máu của cơ thể.

2. Giá trị thực tiễn của xét nghiệm Prothrombin

2.1. Trường hợp chỉ định thực hiện xét nghiệm PT

Xét nghiệm thời gian đông máu Prothrombin được chỉ định đối với những trường hợp sau:

– Dự phòng: Xét nghiệm PT được chỉ định thực hiện cùng với các xét nghiệm đông máu huyết tương (APTT, TT), đếm số lượng tiểu cầu đối với bệnh nhân trước khi trải qua thủ thuật y tế xâm lấn, là xét nghiệm đông máu thường quy, giúp thăm dò nguy cơ chảy máu trước khi tiến hành phẫu thuật.

– Theo dõi điều trị: Xét nghiệm được thực hiện thường xuyên ở người dùng thuốc chống đông máu loại kháng vitamin K. Kết quả xét nghiệm là cơ sở để bác sĩ điều chỉnh liều lượng thuốc nhằm đảm bảo hiệu quả mong muốn, tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

– Chẩn đoán bệnh: Xét nghiệm được chỉ định khi có những dấu hiệu cảnh báo rối loạn giảm đông máu (do thiếu các yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K), ví dụ như: chảy máu niêm mạc, chảy máu cam, chảy máu dưới da, chảy máu chân răng, bầm tím trên da, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hoặc lượng máu trong kỳ kinh nhiều, đi vệ sinh ra máu, thiếu máu mạn tính, bệnh gan…

Nếu những hiện tượng trên kéo dài không rõ nguyên nhân, bạn sẽ được chỉ định thực hiện xét nghiệm PT cùng với các xét nghiệm đông máu khác.

chi phí xét nghiệm pt

Những người thường xuyên bị bầm tím không rõ nguyên nhân nên thực hiện xét nghiệm kiểm tra chức năng đông máu

2.2. Ý nghĩa kết quả của xét nghiệm PT

Thời gian đông máu trung bình ở người bình thường là 10 – 13 giây. Kết quả này có thể dao động tùy thuộc vào phương pháp thực hiện và điều kiện thực hiện của từng phòng xét nghiệm. Với trường hợp PT kéo dài hơn thời gian này, nghĩa là cần thời gian lâu hơn để hình thành cục máu đông. Có nghĩa là người bệnh gặp phải vấn đề về rối loạn đông máu. Nguyên nhân có thể do: thiếu các yếu tố đông máu, thiếu hụt vitamin K, mắc bệnh về gan, sử dụng thuốc có thành phần kháng vitamin K…

Tuy nhiên, chúng ta không chỉ dựa vào kết quả của xét nghiệm Prothrombin để kết luận về tình trạng bệnh. Các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm xét nghiệm APTT, TT, số lượng tiểu cầu… và kết hợp kết quả của các xét nghiệm để có kết luận cuối cùng.

3. Lưu ý khi thực hiện xét nghiệm xét nghiệm Prothrombin

Để xét nghiệm Prothrombin và các xét nghiệm kiểm tra chức năng đông máu khác, người bệnh sẽ được tiến hành trích máu và đưa đi xét nghiệm. Nhìn chung đây là thủ thuật y khoa phổ biến, đơn giản và an toàn cho đa số mọi người. Người bệnh có thể cảm thấy hơi đau, chảy máu hoặc bầm tím tại vị trí lấy mẫu máu. Các phản ứng này thường không nguy hiểm tới sức khỏe, vẫn nằm trong giới hạn chịu đựng được.

Tuy nhiên, có những trường hợp hiếm gặp hơn, sẽ có một số rủi ro có thể xảy ra như:

– Ngất xỉu, thường gặp ở những người tâm lý yếu, mắc bệnh sợ máu.

– Mất nhiều máu: Có thể người bệnh bị rối loạn chảy máu hoặc đang dùng thuốc làm loãng máu sẽ gặp phải các vấn đề này.

– Tụ máu

– Nhiễm trùng da

– Viêm tĩnh mạch

giá xét nghiệm pt

Lấy máu xét nghiệm là một thủ thuật rất đơn giản

Đối với trường hợp không cấp cứu, bạn nên lấy máu vào buổi sáng sớm để các chỉ số ổn định hơn, phản ánh kết quả chính xác hơn. Người bệnh cũng cần phải nhịn ăn, không sử dụng đồ có cồn, các chất kích thích, trước khi xét nghiệm khoảng 12 giờ, không uống sữa, ăn trứng hoặc các loại đồ ăn có nhiều dầu, mỡ… Đặc biệt, nếu bạn sử dụng dịch vụ tại cơ sở y tế có thiết bị xét nghiệm Prothrombin bằng nguyên lý đo quang học thì việc nhịn ăn là bắt buộc.

Nếu bạn đang sử dụng thuốc chống đông máu, hãy thông báo chi tiết cho bác sĩ để có thể có giải pháp, chỉ định xét nghiệm phù hợp với bạn.

Quá trình đông máu của cơ thể không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng của người bệnh mà còn tác động tới phác đồ điều trị nhiều loại bệnh khác nhau, đặc biệt là trong những trường hợp cần phẫu thuật. Để sớm phát hiện những bất thường trong quá trình cầm máu, đông máu, bạn nên tiến hành kiểm tra sức khỏe định kỳ, từ đó có kế hoạch điều trị tối ưu.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital