Phẫu thuật chửa ngoài tử cung tuy đã được cải tiến rất nhiều nhưng cũng vẫn còn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến nguy cơ có con. Vì vậy khá nhiều người băn khoăn về khả năng mang thai sau phẫu thuật chửa ngoài tử cung.
Menu xem nhanh:
1. Khả năng mang thai sau phẫu thuật chửa ngoài tử cung
Chửa ngoài tử cung là một biến cố của tiến trình thụ thai, trứng đã thụ tinh không thể di chuyển tới tử cung để làm tổ mà làm tổ ngay tại vòi trứng hoặc ống dẫn trứng.
Hiện nay, việc điều trị chửa ngoài dạ con bằng phương pháp phẫu thuật nội soi không còn lạ lẫm. Hầu hết, các ca phẫu thuật đều đạt tỷ lệ thành công rất cao, thậm chí có thể bảo tồn chức năng sinh sản cho người bệnh.
Tuy nhiên, chửa ngoài tử cung là một bệnh lý nguy hiểm. Trong quá trình phẫu thuật nội soi chửa ngoài tử cung thật khó tránh khỏi những sơ xuất, rủi ro có thể xảy ra với người bệnh. Vì thế, người bệnh và người nhà cần chuẩn bị tâm lý vững vàng trước khi làm phẫu thuật.
Tùy theo yêu cầu của người bệnh, tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phẫu thuật nội soi bảo tồn hoặc cắt bỏ vị trí thai nằm ngoài tử cung. Cho nên, trước khi tiến hành phẫu thuật, người bệnh cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ và thống nhất phương pháp phẫu thuật phù hợp.
Vì vậy khả năng có thai sau mổ chửa ngoài tử cung có thể phức tạp hơn nhưng không phải là không thể. Cần kiên nhẫn chờ đợi, nếu quá 1 năm mà vẫn không thể có thai thì cần được thầy thuốc thăm dò lại: xem vòi trứng còn lại có thông hay không và nhiều thăm dò khác…
Trong trường hợp vòi trứng còn lại bị tắc thì có thể tiến hành nối vòi trứng. Sau khi điều trị thai ngoài tử cung ổn định, vẫn có thể có thai lại. Thời gian để có thai lại tuỳ thuộc vào tình trạng lần thai ngoài tử cung, tình trạng mất máu gây ảnh hưởng sức khoẻ và phương pháp điều trị đã được sử dụng (điều trị bằng thuốc cần thời gian lâu hơn).
2. Phòng ngừa chửa ngoài tử cung
Nguy cơ thai ngoài tử cung tái phát có thể trên 10% và nguy cơ khó có thể có con là cao. Vì vậy chị em cần chủ động phòng ngừa nguy cơ chửa ngoài tử cung hiệu quả.
Cách tốt nhất để phòng ngừa chửa ngoài tử cung là người phụ nữ nên giữ vệ sinh tốt, đặc biệt trong kỳ kinh nguyệt, sau khi hay đang trong thời kỳ cho con bú; hạn chế nạo phá thai; phòng ngừa viêm nhiễm sinh dục do các bệnh lây truyền qua đường tình dục (chung thủy 1 vợ -1 chồng, dùng bao cao su khi quan hệ) và chống viêm nhiễm sau khi sinh cũng như sau khi sảy thai.
Nếu phát hiện có hiện tượng khí hư bất thường, người phụ nữ nên đi khám phụ khoa để điều trị sớm. Điều trị càng muộn, nguy cơ viêm nhiễm âm đạo, cổ tử cung dẫn đến viêm nhiễm tử cung, vòi trứng càng cao, gây ra hậu quả chửa ngoài tử cung.
Đặc biệt với những sản phụ đã điều trị chửa ngoài tử cung và muốn có thai trở lại, thời gian cần thiết để các chức năng sinh sản ổn định trở lại ít nhất là 1 năm. Đồng thời khi đã có thai, sản phụ phải đi khám thai đều đặn và có sự theo dõi của bác sĩ.
Các sản phụ cũng nên tích cực điều trị bệnh viêm khoang chậu và chứng viêm ống dẫn trứng, để ngăn chặn tình trạng chửa ngoài tử cung.