Viêm thanh khí phế quản cấp là bệnh lý thường gặp đối với trẻ em. Tuy nhiên, bệnh có thể tái phát lại nhiều lần và tiến triển thành mạn tính, ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ của trẻ sau này. Bài viết dưới đây sẽ giúp phụ huynh hiểu hơn về bệnh lý này nhằm dễ dàng trong việc phòng tránh và điều trị.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về bệnh viêm thanh khí phế quản cấp
1.1. Khái niệm bệnh
Viêm thanh khí phế quản cấp còn có tên gọi khác là bệnh Croup. Đây là tình trạng thanh quản và khí quản bị phù nề dẫn tới thu hẹp và tắc nghẽn đường hô hấp dưới. Điều này khiến cho trẻ khó thở và thở khò khè.
Do là bệnh truyền nhiễm nên bệnh dễ lây lan và trở nên phổ biến. Tuy nhiên, bệnh này khá lành tính, tình trạng bệnh đều ở mức nhẹ, nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm và tử vong thấp. Có chưa tới 10% số trẻ em phải nhập viện để tiến hành điều trị bệnh.
Trẻ trong độ tuổi từ 6 tháng – 5 tuổi là đối tượng thường gặp phải tình trạng này. Trẻ càng lớn thì nguy cơ mắc bệnh càng thấp bởi khí quản đã phát triển hơn sự phù nề không thể làm tắc nghẽn đường hô hấp được. Bất kỳ thời điểm nào trong năm, trẻ cũng có thể mắc bệnh lý này nhưng phổ biến nhất vào mùa thu và đông.
Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh cũng có khả năng chuyển nặng, tái phát nhiều lần và sẽ khó điều trị hơn.
1.2. Nguyên nhân gây nên viêm thanh khí phế quản cấp
Virus là tác nhân chính gây nên căn bệnh này ở trẻ nhỏ. Thông thường là virus Parainfluenza (chiếm khoảng 70% số ca bệnh). Ngoài ra, còn có các loại virus khác như: RSV, enterovirus, adenovirus, các loại virus cúm,… cũng là nguyên nhân gây nên bệnh lý trên.
Ngoài virus, vi khuẩn cũng là nguyên nhân gây bệnh nhưng khá hiếm.
Việc tái phát bệnh nhiều lần là do quá trình điều trị không đúng cách và dứt điểm. Đồng thời, những yếu tố gây dị ứng cũng làm gia tăng nguy cơ khiến bệnh tái phát. Ngoài ra, nếu bạn bị trào ngược dạ dày thực quản thì nguy cơ tái phát cũng sẽ rất cao.
1.3. Triệu chứng để nhận biết viêm thanh khí phế quản cấp
Ban đầu, khi mới mắc bệnh, trẻ sẽ có các triệu chứng giống như cảm cúm thông thường như ho, hắt hơi,… Về sau, các triệu chứng sẽ tiến triển nặng hơn (khó thở, thở rít mỗi khi hít vào, khàn giọng,ho khan,…
Bệnh thường có dấu hiệu thuyên giảm vào ban ngày, nhất là khi mới ngủ dậy và nặng dần về đêm. Vào đêm thứ 2 hoặc thứ 3, tình trạng bệnh thường tiến triển rõ rệt với những dấu hiệu như thở gấp, suy hô hấp, co rút lồng ngực. Nếu nghiêm trọng, trẻ có thể bị tím tái và thở nông.
2. Cách điều trị bệnh mà phụ huynh nên biết
Thông thường, bệnh sẽ tự khỏi. Do đó, bạn có thể điều trị tình trạng này ngay ở nhà, cụ thể:
2.1. Môi trường sinh sống
Phụ huynh có thể sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc máy làm mát nhằm tạo cho căn phòng luôn thoáng mát, đủ độ ẩm, từ đó cải thiện tình trạng khô đường hô hấp trên. Đồng thời, hãy cho trẻ uống đủ lượng nước để giúp chất nhầy lỏng hơn. Ngoài ra, trẻ cũng nên tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, bởi đây có thể là tác nhân khiến tình trạng ho nhiều hơn.
2.2. Chú ý chế độ dinh dưỡng
Hãy chú ý bổ sung đầy đủ các nhóm dinh dưỡng cho bé. Tuy nhiên, lúc này trẻ khá mệt mỏi và chán ăn, vì vậy, bạn nên chia 3 bữa lớn thành 5 – 6 bữa nhỏ trong ngày, ưu tiên chế biến những món ăn mềm lỏng, dễ nuốt.
2.3. Quá trình chăm sóc trẻ
Khi nghi ngờ trẻ bị bệnh, ba mẹ hãy ngủ cùng bé để xác định chắc chắn hơn, từ đó có phương án xử lý kịp thời. Khi ngủ, hãy cho trẻ đặt đầu nằm cao hơn. Nếu trẻ mệt mỏi, phụ huynh nên ở bên và dỗ dành cho trẻ tránh bớt khóc để hạn chế bệnh tiến triển trầm trọng hơn. Khi trẻ sốt cao trên 38 độ C, bạn có thể hạ sốt cho trẻ bằng ibuprofen hoặc acetaminophen.
Khi trẻ bị bệnh hãy cho trẻ ở nhà, tuyệt đối không đi đến nơi đông người để tránh việc lây lan sang cho người lành.
2.4. Lúc nào phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện?
Tuy rằng, đa phần trường hợp bị bệnh Croup đều ở mức độ nhẹ, ít gây nên biến chứng nghiêm trọng. Nhưng phụ huynh không nên chủ quan về điều này mà cần theo dõi sát sao tình trạng của trẻ.
Khi phát hiện thấy những triệu chứng sau, phụ huynh cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế được tiến hành chẩn đoán và điều trị kịp thời:
– Bị khó thở và tím tái toàn thân.
– Đã sơ cứu nhưng tình trạng thở rít không có dấu hiệu giảm.
– Khó nuốt.
– Mệt mỏi, xanh xao.
– Sốt liên tục hơn 3 ngày.
– Các triệu chứng của bệnh kéo dài từ 19 ngày trở lên.
3. Nắm vững những biện pháp giúp phòng ngừa bệnh
Mặc dù, đa phần bệnh lý này ở mức độ nhẹ và không gây nên biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp phòng tránh vẫn là điều cần thiết. Để ngăn ngừa căn bệnh này ở trẻ, bố mẹ nên:
– Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, nấm mốc độc hại.
– Tránh để trẻ la hét hoặc khóc quá lớn vì điều này có thể gây tác động trực tiếp tới thanh quản.
– Hạn chế để bé trong không gian có độ ẩm quá thấp.
– Cho bé uống nước thường xuyên nhằm tăng cường độ ẩm của vùng họng.
– Tăng cường đề kháng cho trẻ bằng cách bổ sung vitamin từ bữa ăn trong ngày.
– Tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
– Tập cho trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, đặc biệt trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
– Đưa bé đi tiêm vắc xin phòng ngừa cúm hàng năm.
Có thể thấy, viêm thanh khí phế quản cấp không phải bệnh lý nguy hiểm, thường khỏi sau vài ngày hoặc 1 tuần. Tuy nhiên, nếu phụ huynh không kịp thời phát hiện và điều trị cho trẻ thì bệnh sẽ tái phát nhiều lần. Thậm chí chuyển sang tình trạng mạn tính. Lúc này, bệnh đã tiến triển nặng và khó điều trị hơn. Không chỉ thế, điều này còn ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của trẻ sau này. Do đó, khi nghi ngờ trẻ nhà mình mắc phải căn bệnh này, phụ huynh hãy đưa bé đến các cơ sở y tế uy tín để kiểm tra!