Menu xem nhanh:
Hiệu quả tán sỏi ngoài cơ thể phụ thuộc vào yếu tố nào?
Tán sỏi ngoài cơ thể là phương pháp điều trị công nghệ cao không xâm lấn nên an toàn và không ảnh hưởng sức khỏe người bệnh sau khi tan, tuy nhiên để tán sỏi ngoài cơ thể đạt hiệu quả cao còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
Công suất máy và độ rắn viên sỏi
Tán sỏi ngoài cơ thể sử dụng sóng xung kích hội tụ vào viên sỏi để tán vỡ sỏi. Như vậy, hiệu quả phụ thuộc vào công suất máy và độ rắn của viên sỏi.
Tùy theo độ rắn của sỏi theo thông số về độ cứng của sỏi trên X-quang hoặc diễn biến về sự vỡ của sỏi trong quá trình tán mà bác sĩ sẽ sử dụng công suất tan sỏi thấp hay cao.
Vị trí của sỏi
Sỏi đài thận, bể thận thường dễ tán vỡ hơn so với sỏi niệu quản.
Khoảng cách từ da đến viên sỏi
Khoảng cách từ da đến viên sỏi như bệnh nhân béo hay gầy cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả vỡ sỏi.
Nhịp thở của bệnh nhân tán sỏi
Trong quá trình tán sỏi, sỏi luôn di động theo nhịp thở, do vậy, nếu không giữ được nhịp thở đều và nhẹ nhàng thì số lần sóng xung kích bắn trượt sẽ tăng lên kèm theo hiệu quả vỡ sỏi sẽ giảm đi.
Sự thông suốt của đường tiết niệu
Sau khi được tán sỏi thì các mảnh vụn của sỏi sẽ tự đào thải qua đường nước tiểu, vì vậy sự thông suốt của đường tiết niệu sẽ giúp sỏi đi ra ngoài dễ dàng hơn, đạt hiệu quả tán sỏi tốt nhất.
Tán sỏi ngoài cơ thể diễn ra như thế nào
Quy trình tán sỏi ngoài cơ thể bao gồm:
Trước khi tán sỏi
Chính vì hiệu quả tán sỏi phụ thuộc vào những yếu tố trên nên cần dựa trên sự phân tích tổng hợp của nhiều yếu tố để có thể chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể như: Thông qua các xét nghiệm bắt buộc, chẩn đoán hình ảnh về vị trí, kích thước sỏi và sự thông suốt của đường tiết niệu, chỉ số cơ thể bệnh nhân, chức năng của thận và tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu…
Trong khi tán sỏi
Bệnh nhân được nằm trên bàn máy tán sỏi, phần thắt lưng, hông tương ứng với vị trí của sỏi được tiếp xúc với một bộ phận gọi là bóng nước. Phần bóng nước này được bọc bằng một lớp cao su cho phép sóng xung xuyên qua dễ dàng. Từ đấy, sóng sẽ đi qua cơ thể để tiếp cận với viên sỏi và tán nó ra thành nhiều vụn sỏi nhỏ như hạt cát.
Trong quá trình tán sỏi cần giữ nhịp thở đều đặn để tăng hiệu quả tán sỏi.
Sau khi tán sỏi
Sau khi tán sỏi cần tuân thủ những chỉ định của bác sĩ như uống nhiều nước, tái khám đúng hẹn để đạt hiệu quả điều trị tán sỏi tốt nhất.
Sau khi tán sỏi, bệnh nhân có thể đau nhẹ vùng lưng và tiểu ra máu thoáng qua do mảnh sỏi sẽ được đào thải qua nước tiểu. Việc đánh giá hiệu quả sỏi chỉ thực sự rõ ràng qua phim chụp kiểm tra khi bệnh nhân tái khám theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu có sốt hoặc cơn đau quặn thận hay các biểu hiện bất thường khác cần được thăm khám chuyên khoa tiết niệu ngay.
Bài viết trên đây hy vọng đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể.