Thoái hóa điểm vàng ở mắt là căn bệnh vô cùng nguy hiểm và có xu hướng trẻ hóa trời thời gian gần đây. Bệnh có thể dẫn tới mất thị lực hoặc mù lòa vĩnh viễn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Cùng tìm hiểu ngay!
Menu xem nhanh:
1. Bệnh thoái hóa điểm vàng ở mắt là gì?
Thoái hóa điểm vàng là bệnh lý mạn tính ở mắt, làm mất thị lực trung tâm do tổn thương hoàng điểm ở vùng trung tâm võng mạc. Đa phần bệnh thường xuất hiện ở những người bước vào giai đoạn tuổi già do cơ thể bắt đầu lão hóa dần. Tuy vậy, hiện nay tỷ lệ người trưởng thành, trẻ tuổi mắc thoái hóa điểm vàng cũng đang dần tăng lên.
Vùng trung tâm thị lực bị ảnh hưởng nên người bệnh cảm thấy vô cùng bất tiện khi học tập, làm việc khó lái xe và cản trở sinh hoạt. Tầm nhìn bên ngoài vùng trung tâm có thể vẫn giúp mọi người nhìn được nhưng không quá rõ nét và sẽ giảm dần theo tình trạng bệnh của mọi người.
Thoái hóa điểm vàng được chia thành hai thể:
– Thoái hóa điểm vàng thể khô: Biểu hiện đặc trưng là các mảng lắng đọng chất béo màu vàng ở võng mạc khiến bệnh nhân mất một phần thị lực. Ở thể khô, bệnh ít khi suy giảm thị lực nghiêm trọng hoặc dẫn tới mù lòa.
– Thoái hóa điểm vàng thể ướt: Mạch máu mới phát triển ở dưới võng mạc có thể làm rò rỉ máu hoặc dịch, khiến tầm nhìn của người bệnh gặp phải tình trạng gợn sóng hoặc méo mó, xuất hiện các điểm mù. Thể này có thể gây mất thị lực nghiêm trọng, cản trở sinh hoạt của người bệnh.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Đối với tình trạng thoái hóa hoàng điểm tuổi già, nguyên nhân gây bệnh liên quan tới tuổi tác. Cụ thể, cơ thể bắt đầu lão hóa khiến các tế bào suy giảm khả năng chống gốc tự do, suy giảm khả năng phục hồi. Bởi vậy, điểm vàng thường bị thoái hóa khi mọi người bước vào độ tuổi già, từ sau 60 tuổi.
Đối với tính trạng thoái hóa hoàng điểm ở người trẻ, nguyên nhân gây bệnh có liên quan tới gen di truyền. Do đó, người sinh ra trong gia đình có người mắc bệnh sẽ có nguy cơ mắc cao hơn so với người bình thường. Ngoài ra, tác hại của ánh sáng xanh trong các thiết bị điện tử cũng có khả năng tấn công và làm tổn thương tế bào sắc tố võng mạc.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, tỷ lệ mắc bệnh thoái hoá hoàng điểm ở nữ giới thường cao gấp đôi so với nam giới. Một số đối tượng khác cũng có nguy cơ cao mắc bệnh hơn so với người bình thường như:
– Người béo phì, thừa chất, cân nặng vượt quá tiêu chuẩn quy định.
– Làm việc ngoài trời nhưng không sử dụng kính bảo vệ mắt khiến mắt bị tổn thương do tia UV.
– Sử dụng đồ điện tử quá lâu, không khoa học và không có thời gian để mắt thư giãn khiến ánh sáng xanh làm mắt suy thoái nhanh hơn.
– Người hút thuốc, uống nhiều rượu bia, sử dụng chất kích thích khiến sức khỏe thị lực giảm và ảnh hưởng tới sức khỏe toàn thân.
– Ảnh hưởng của một số bệnh lý nhãn khoa không được phát hiện và điều trị sớm.
3. Dấu hiệu nhận biết
Tùy vào từng giai đoạn của bệnh mà sẽ có các dấu hiệu để nhận biết khác nhau như:
– Giai đoạn đầu: Hầu hết các triệu chứng chưa xuất hiện hoặc chưa quá rõ ràng, mắt chỉ nhìn hơi mờ hoặc khó nhìn khi trời quá tối. Về cơ bản, thị lực của người bệnh ở giai đoạn đầu vẫn đảm bảo.
– Giai đoạn giữa: Các triệu chứng của bệnh thoái hóa điểm vàng ở mắt có thể xuất hiện nhưng chưa quá rõ ràng và thường khó phân biệt được với tình trạng mờ, mỏi mắt khi làm việc quá lâu. Ở giai đoạn này, người bệnh thường nhìn mờ nhưng có thể cải thiện khi gặp điều kiện ánh sáng tốt, có sai lệch màu sắc nhẹ…
– Giai đoạn cuối: Thị lực suy giảm nghiêm trọng, nhìn mờ, mù màu rõ rệt… Ngoài ra, người bệnh có thể mắc tình trạng thị lực méo mó, đường thẳng trở nên lượn sóng, gấp khúc… Tình trạng tầm nhìn bị hạn chế, xuất hiện điểm mù có thể xảy ra và cản trở sinh hoạt của người bệnh…
Nếu không được điều trị, nguy cơ thị lực suy giảm nghiêm trọng, mù loà là rất lớn. Do vậy, ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở vùng mắt, mọi người cần đi khám kịp thời để được các bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
4. Phương pháp điều trị
Hiện tại không có phương pháp nào có thể chữa trị hoàn toàn tình trạng thoái hóa điểm vàng, nhưng có thể ngừa suy giảm thị lực và làm chậm diễn biến của bệnh bằng các phương pháp như:
– Điều trị nội khoa bằng thuốc để ngăn cản sự phát triển của tăng sinh mạch, làm giảm nguy cơ rò chất lỏng trong mắt.
– Điều trị ngoại khoa bằng laser để phá huỷ các mạch máu phát triển bất thường.
– Điều trị quang động học bằng việc kết hợp thuốc và laser. Thuốc sẽ bị hấp thụ bởi các mạch máu tăng sinh bất thường trong mắt và sử dụng tia laser để kích hoạt loại thuốc phá hủy các mạch máu này.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể khắc phục tình trạng thoái hóa hoàng điểm bằng việc thực hiện một chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng khoa học. Bổ sung thực phẩm giàu omega, nhiều cá, nhiều rau củ trái cây có màu xanh đậm. Khi ra ngoài sử dụng kính bảo vệ mắt khỏi tia UV, dùng kính chống ánh sáng xanh khi làm việc…
Việc điều trị thoái hóa điểm vàng không hề đơn giản nên đòi hỏi phải được thực hiện tại cơ sở y tế uy tín, do bác sĩ có chuyên môn cao chỉ định để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho người bệnh.
Bệnh thoái hóa điểm vàng ở mắt gây suy giảm thị lực nghiêm trọng nhưng diễn tiến lại rất âm thầm. Vì vậy, mọi người cần thăm khám thị lực thường xuyên để có thể kiểm soát sức khỏe đôi mắt, phòng ngừa sớm hoặc điều trị kịp thời để giảm thiểu nguy cơ mù lòa do bệnh gây ra.