Trong quá trình điều trị ung thư vú, người bệnh nên tìm hiểu rõ để xây dựng chế độ ăn uống phù hợp nhất. Nhờ đó, sức khỏe vừa được đảm bảo lại vừa bổ trợ cho việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra một vài gợi ý về chế độ ăn cho người điều trị ung thư vú, hãy cùng theo dõi nhé!
Menu xem nhanh:
1. Thực phẩm nên có trong chế độ ăn cho người điều trị ung thư
1.1. Rau củ và trái cây
Bệnh nhân khi điều trị ung thư vú cần bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa và chống estrogen. Điển hình là các loại rau họ cải như súp lơ xanh, cải xoăn, bắp cải, các loại rau có màu xanh đậm,… Người bệnh cũng nên ăn nhiều các loại củ quả có vỏ dày như dừa, bưởi, su hào, khoai sọ, khoai lang, củ đậu,…
1.2. Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt là loại thực phẩm chưa qua chế biến có hàm lượng rất dồi dào carbohydrate, chất xơ, phytochemical cũng như vitamin và khoáng chất.
Chất xơ được chứng minh là có khả năng hỗ trợ cơ thể chống lại ung thư bởi hàm lượng chất xơ càng cao thì có thể tác động tích cực để thay đổi các hoạt động nội tiết tố gây nên ung thư vú.
1.3. Protein và đậu nành
Người bệnh ung thư vú cũng cần bổ sung đủ đạm (protein tốt) cho cơ thể bằng cách ăn cá và các loại đậu. Trong đó, đậu nành là một nguồn thực phẩm lành mạnh rất tốt cho người bị ung thư vú và góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Thành phần của đậu nành rất giàu protein, chất béo lành mạnh, chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất.
2. Thực phẩm người điều trị ung thư vú nên kiêng
Người bệnh ung thư vú nên chú ý hạn chế hoặc kiêng hoàn toàn các loại thực phẩm sau:
2.1. Thịt đỏ
Kết quả từ một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong thành phần các loại thịt đỏ như thịt bò, lợn, trâu, ngựa, cừu,… có thể ẩn chứa nguy cơ làm ung thư vú phát triển. Đặc biệt, khi chúng ta nấu thịt đỏ ở nhiệt độ cao thì chúng có thể giải phóng ra các loại độc tố khiến bệnh ung thư vú ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, nếu người bệnh ăn các loại thịt được chế biến sẵn chứa hàm lượng cao các chất béo, chất bảo quản, muối,… cũng sẽ ảnh hưởng xấu tới kết quả điều trị.
2.2. Thực phẩm chứa nhiều chất béo
Chất béo bão hòa có thể làm thúc đẩy sự tăng trưởng và di căn của tế bào ung thư vú. Chính vì vậy, người bệnh nên kiêng các loại thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn có chứa nhiều chất béo bão hòa như khoai tây chiên, bánh quy, bánh rán, bánh ngọt,… đã đóng gói.
Bên cạnh đó, sữa nguyên chất và các chế phẩm từ sữa như bơ và kem cũng chứa nhiều chất béo không lành mạnh nên người bị ung thư vú cũng cần tránh xa.
2.3. Thực phẩm chứa nhiều đường
Bánh kẹo, nước ngọt có gas hoặc các món ăn chứa nhiều đường tinh chế khi được người bệnh hấp thụ sẽ làm tăng hàm lượng glucose trong máu lên cao. Lúc này cơ thể sẽ giải phóng ra nhiều insulin, đồng thời làm tăng sản sinh estrogen và gây ra nguy cơ ung thư vú trong tương lai.
Để tránh được điều này, người bị ung thư vú nên hạn chế đường trong thực đơn hàng ngày. Lượng đường hợp lý nên hấp thụ mỗi ngày ở nam là khoảng 37,5 gam và ở nữ là 25 gam.
Một số loại thực phẩm và món ăn chứa nhiều đường mà người bệnh cần hạn chế sử dụng có thể kể đến như: dưa hấu, sữa và các chế phẩm từ sữa, sô cô la, bánh kẹo, nho khô,…
2.4. Đồ uống có chứa cồn, chất kích thích
Với người bị ung thư vú, việc sử dụng đồ uống có cồn và các chất kích thích sẽ gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí có thể tăng nguy cơ dẫn đến tử vong.
Đặc biệt, đồ uống có cồn có thể làm tăng hàm lượng estrogen trong cơ thể, gây tổn hại các tế bào bình thường và khiến tình trạng ung thư vú thêm trầm trọng. Rượu bia cũng có thể thúc đẩy quá trình thoái hóa tiểu cầu não, phá hủy các noron thần kinh, làm xuất hiện nhiều triệu chứng nguy hiểm như run tay chân, rung giật nhãn cầu,…
Không chỉ vậy, các chất kích thích còn khiến cho tinh thần người bệnh trở nên sa sút, mất tỉnh táo, dẫn tới nhiều hậu quả khôn lường khác.
2.5. Thực phẩm chưa nấu chín
Một số phương pháp điều trị ung thư vú có thể làm giảm số lượng bạch cầu trong cơ thể người bệnh. Lúc này, cơ thể sẽ không có đủ bạch cầu để có thể chống lại các loại vi khuẩn đang tấn công hệ miễn dịch nên cũng dễ bị nhiễm trùng hơn.
Vì vậy, trong quá trình điều trị người bệnh nên tránh các loại thực phẩm tươi sống như sushi và hàu. Các loại thịt, cá cũng cần phải được nấu chín trước khi ăn.
Hy vọng những gợi ý trên đây có thể giúp bạn xây dựng được chế độ ăn phù hợp và có lợi cho người điều trị ung thư vú. Nếu có bất cứ điều gì chưa hiểu rõ, bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ điều trị để nhận được lời khuyên tốt nhất. Chúc bạn luôn khỏe mạnh!