Glocom góc đóng là một loại biểu hiện của bệnh lý Glocom (thiên đầu thống). Bệnh nguy hiểm và có thể gây ra nhiều biến chứng cho mắt của người bệnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng đã có cái nhìn hiểu biết hết về nó. Để hiểu rõ hơn về căn bệnh này, hãy cùng Hệ thống y tế Thu Cúc TCI tìm hiểu ngay thông qua bài viết dưới đây nhé!
Menu xem nhanh:
1. Bệnh tăng nhãn áp Glocom
Tăng nhãn áp Glocom (hay thiên đầu thống) là thuật ngữ chỉ một nhóm bệnh lý của đầu dây thần kinh thị giác. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là nhãn áp cao, lõm teo đĩa thị và được chia thành:
– Glocom góc mở
Tăng nhãn áp Glocom nguy hiểm ở chỗ bệnh lý nếu không được phát hiện từ sớm sẽ rất khó để chữa trị sau này. Vì vậy, đối với nhiều bệnh nhân phát hiện muộn, sẽ không có thuốc điều trị hoặc phẫu thuật can thiệp nào có thể hồi phục được những tổn thương mắt mà Glocom gây ra.
2. Tăng nhãn áp Glocom góc đóng
2.1 Glocom góc đóng là gì?
Bệnh Glocom góc đóng xuất hiện do tình trạng mống mắt bị kéo trước/đẩy sau khiến mống áp sát với mặt sau của giác mạc. Điều này làm tắc nghẽn đường lưu thông thủy dịch và gây ra tăng nhãn áp.
Bệnh lý có thể là nguyên phát hoặc thứ phát bởi một nguyên nhân khác. Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể là cấp tính, bán cấp (không liên tục) hoặc là mạn tính.
Ở nước ta, Glocom góc đóng thường xuất hiện nhiều hơn thể bệnh Glocom góc mở. Đồng thời, bệnh lý cũng xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn so với nam giới. Đặc biệt là người ở trong giai đoạn mãn kinh. Độ tuổi càng cao thì khả năng mắc phải bệnh lý càng lớn. Đặc biệt, từ 70 tuổi trở đi thì nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3 đến 8 lần so với người dưới 40 tuổi.
2.2 Nguyên nhân
2.2.1 Nguyên nhân nguyên phát
Một số yếu tố nguy cơ có thể tiến triển các góc hẹp bao gồm: Tiền sử gia đình, tuổi cao, sắc tộc,… Cụ thể, bệnh thường có nguy cơ xảy ra với người Châu Á và Eskimo hơn so với người Châu Phi hay Châu u.
Đối với người có cơ địa góc hẹp, khoảng cách giữa thủy tinh thể và mống mắt cũng rất hẹp. Khi mống mắt giãn ra, mống bị kéo vào trung tâm và ra phía sau gây nghẽn đồng tử. Điều này làm thủy dịch khi di chuyển từ hậu phòng ra tiền phòng bị tắc nghẽn lại. Từ từ làm tăng áp lực và đẩu mống mắt về phía trước gây ra tình trạng đóng góc.
Do khởi phát đột ngột, đây được gọi là tình trạng cấp tính và cần can thiệp ngay lập tức. Trường hợp mạn tính xảy ra khi góc hẹp từ từ gây sẹo giữa mống mắt chu biên và bè củng giác mạc.
2.2.2 Nguyên nhân thứ phát
Nguyên nhân thứ phát gây ra bệnh lý thường xuất phát bởi các bệnh xuất hiện trước đó. VD: Võng mạc đái tháo đường, tắc tĩnh mạch trung tâm, viêm màng bồ đào,… Màng tân mạch co kéo hoặc sẹo hóa sau viêm khiến mống mắt bị kéo về phía trước gây ra đóng góc.
2.3 Triệu chứng
2.3.1 Tình trạng cơn cấp
Cơn Glocom cấp có thể xuất hiện ở lần đầu, hoặc sau những cơn sơ phát trước đó.
– Triệu chứng chủ quan: Nhức mắt, giảm thị lực, thấy quầng sáng nhiều màu, đau bụng, buồn nôn, ỉa chảy, vã mồ hôi,…
– Triệu chứng khách quan: Mi phù nề, mắt đỏ, giác mạc mờ, đồng tử giãn méo, nhãn áp cao,…
2.3.2 Tình trạng bán cấp
Đây là biểu hiện của giai đoạn góc đóng không hoàn toàn. Triệu chứng ở trường hợp này thường ít kịch liệt hơn. VD: Đau nhức mắt, căng mắt, mắt nhìn mờ, nhìn thấy quầng sáng nhiều màu, nhãn áp tăng vừa trong cơn,…
Tuy nhiên, nếu tiến triển thì các cơn bán cấp có thể tiến triển đến một cơn cấp dữ dội. Hoặc tái đi tái lại tương tự như Glocom góc mở.
2.3.3 Tình trạng mạn tính
Tình trạng này khá ít gặp và thường xảy ra sau trường hợp góc đóng cấp hoặc khi nhãn áp tăng dần và góc tiền phòng đóng dần.
Diễn biến lâm sàng của nó khá giống với Glocom góc mở bởi gần như không có triệu chứng. Nhãn áp tăng vừa phải, lõm gai dần phát triển. Vì vậy, soi góc là một khám nghiệm rất quan trọng đối với các bệnh nhân nghi ngờ mắc Glocom.
2.4 Các biện pháp điều trị
Để có biện pháp điều trị phù hợp, trước tiên cần xác định rõ loại Glocom mà người bệnh mắc phải. Bởi cách thức điều trị đối với hai trường hợp góc đóng và góc mở là không giống nhau.
Với góc đóng, phương thức điều trị chủ yếu là phẫu thuật hoặc sử dụng laser. Bởi đối với trường hợp này, thuốc không có khả năng làm khỏi bệnh hay ngăn chặn hiện tượng dính góc, nghẽn góc. Kết hợp điều trị dùng thuốc chỉ có tác dụng bổ sung và là biện pháp chờ trước khi phẫu thuật.
2.4.1 Tình trạng cấp tính
Đối với người bệnh trong tình trạng góc đóng cấp tính cần bắt đầu điều trị ngay. Nếu không xử ký kịp thời, bệnh nhân có thể mất thị lực vĩnh viễn một cách nhanh chóng. Bệnh nhân lúc này sẽ được đề xuất điều trị tạm thời bằng nhiều loại thuốc cùng lúc kết hợp theo dõi.
Sau đó, bệnh nhân nên được điều trị bằng laser cắt mống mắt chu biên (LPI). Phương pháp này sẽ mở một đường thoát cho dịch từ hậu phòng chảy ra tiền phòng, giúp giải quyết tình trạng nghẽn đồng tử. Thủ thuật thường được thực hiện khi giác mạc trong và viêm đã được kiểm soát. Vì tỷ lệ xảy ra cơn cấp ở mắt còn lại lên đến 80% nên cần làm LPI trên cả hai mắt.
2.4.2 Tình trạng mạn tính
Trường hợp bệnh nhân bị đóng góc mạn tính, bán cấp hoặc không liên tục nên được điều trị LPI. Bên cạnh đó, bệnh nhân góc hẹp ngay cả khi không có triệu chứng cũng cần làm LPI để dự phòng đóng góc.
Tuy nhiên, chống chỉ định tương đối laser tạo hình vùng bè nếu góc hẹp đến mức có thể tạo thành nhiều dính trước phía chu biên khác nhau sau khi laser.
Như vậy, trên đây là những chia sẻ về bệnh Glocom góc đóng, nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách thức chữa trị mà Thu Cúc TCI muốn gửi đến bạn. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đọc đã có cho mình những thông tin thực sự hữu ích cho bản thân. Nếu có bất cứ câu hỏi nào khác, đừng ngại ngần liên hệ với chúng tôi để được giải đáp sớm nhất nhé!