Không giống những bệnh lý nhãn khoa khác, lác không chỉ ảnh hưởng đến thị lực mà còn ảnh hưởng đến cả diện mạo của người bệnh. Rất may mắn, người bệnh có thể chữa lác bằng một trong ba phương pháp là chỉnh kính, điều trị nhược thị và phẫu thuật. Trong bài viết sau, Thu Cúc TCI xin chia sẻ với bạn 3 cách để mắt hết lé, đọc ngay nếu quan tâm bạn nhé!
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về bệnh lý nhãn khoa lác
1.1. Khái niệm và phân loại lác
Lác là bệnh lý nhãn khoa mà khi mắc, hai mắt người bệnh không nhìn cùng một hướng. Lác được phân loại thành lác cơ năng (lác đồng hành) và lác liệt (lác bất đồng hành). Trong đó:
– Lác cơ năng là loại lác phổ biến ở trẻ em. Loại lác này được đặc trưng bởi tình trạng mắt lệch giống nhau ở mọi hướng, nghĩa là ở mọi hướng, mắt lệch một độ như nhau.
– Lác liệt là loại lác phổ biến ở người trưởng thành. Khác với lác cơ năng, người lác liệt có độ lệch mắt khác nhau ở các hướng khác nhau, do loại lác này phát sinh từ tình trạng liệt cơ vận nhãn và nhãn cầu bị hạn chế khả năng vận động.
1.2. Nguyên nhân phát sinh lác
Nguyên nhân phát sinh bệnh lý nhãn khoa lác là sự mất công bằng hoạt động các cơ vận nhãn. Theo đó, mỗi chúng ta đều có 6 cơ vận nhãn là 4 cơ thẳng (cơ trực trong, cơ trực ngoài, cơ trực trên, cơ trực dưới) và 2 cơ chéo (cơ chéo lớn, cơ chéo bé). Nhờ 6 cơ vận nhãn này, dưới sự điều khiển của các dây thần kinh số III, số IV và số VI, hai nhãn cầu của chúng ta có thể đồng thời di chuyển vào trong, ra ngoài, lên trên, xuống dưới, xoay vào trong, xoay ra ngoài. Khi hoạt động các cơ vận nhãn mất cân bằng, hai nhãn cầu vẫn có thể di chuyển nhưng không còn đồng thời nữa.
Các cơ vận nhãn có thể mất cân bằng hoạt động do nhiều nguyên nhân những chúng ta có thể kể đến một số nguyên nhân chủ yếu như sau: Di truyền, bất thường bẩm sinh trong cấu tạo hệ vận động nhãn cầu, một số bệnh lý nhãn khoa khác như đục thủy tinh thể, bệnh lý đáy mắt…, cận thị nặng, co quắp điều tiết, tổn thương thần kinh, bệnh lý tuyến giáp, bệnh lý não, chấn thương vật lý các vùng đầu, mặt, mắt…
1.3. Ảnh hưởng của lác đến cuộc sống của người bệnh
Như đã đề cập phía trên, bệnh lý nhãn khoa lác ảnh hưởng rất tiêu cực đến cuộc sống của người bệnh. Chúng ta có thể tóm gọn các ảnh hưởng của lác trong hai ý chính.
– Thứ nhất, lác ảnh hưởng tiêu cực đến thị lực của người bệnh. Ở người bình thường, vì hai mắt nhìn cùng một hướng và hình ảnh hai mắt thu được là giống nhau, chúng sẽ được nhãn cầu tổng hợp thành một hình ảnh ba chiều duy nhất và gửi lên não bộ. Ở người bệnh lác, vì hai mắt không nhìn cùng một hướng và hình ảnh hai mắt thu được là khác nhau, nhãn cầu sẽ gửi cả hai lên não bộ. Nếu người bệnh lác là trẻ em, não bộ sẽ loại bỏ hình ảnh được thu từ mắt lác. Theo thời gian, mắt lác trẻ sẽ nhược thị hoặc trẻ sẽ mất khả năng nhìn hình ảnh ba chiều. Nếu người bệnh lác là người trưởng thành, não bộ không loại bỏ mà giữ cả hình ảnh được thu từ mắt lác, làm người bệnh nhìn đôi, mất khả năng xác định khoảng cách…
– Thứ hai, lác ảnh hưởng tiêu cực đến diện mạo của người bệnh.
2. 3 cách để mắt hết lé
Lác có thể điều trị nhưng hiệu quả điều trị lác không đồng nhất trong mọi trường hợp. Người bệnh càng ít tuổi và thời gian lác càng ngắn thì hiệu quả điều trị lác càng cao và ngược lại. Hiện tại, có ba phương pháp điều trị lác là: Chỉnh kính, điều trị nhược thị và phẫu thuật phục hồi hoạt động cơ vận nhãn.
2.1. Cách để mắt hết lé bằng chỉnh kính
Chỉnh kính là phương pháp điều trị lác đặc biệt quan trọng, nhất là với người bệnh lác do co quắp điều tiết. Phương pháp này giúp người bệnh nhìn rõ hình ảnh bằng cả hai mắt, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho hai mắt người bệnh phối hợp thị giác.
2.2. Cách để mắt hết lé bằng điều trị nhược thị
Có bốn phương pháp điều trị nhược thị như sau: Bịt mắt, gia phạt, chỉnh thị và thuốc. Trong đó:
– Bịt mắt: Bịt mắt là phương pháp điều trị nhược thị giúp đồng bộ hóa hoạt động hai mắt người bệnh lác. Phương pháp này có thể được thực hiện bằng cách bịt mắt lành, bịt mắt lác, bịt mắt luân phiên hoặc bịt mắt từng lúc.
– Gia phạt: Bằng việc thiết lập tình huống một mắt chỉ nhìn xa và một mắt chỉ nhìn gần, gia phạt giúp cân bằng không gian hai mắt người bệnh lác. Bác sĩ có thể tiến hành gia phạt xa, gia phạt gần, gia phạt toàn bộ…
– Chỉnh thị: Phương pháp này chỉ phù hợp với người bệnh lác trên 5 tuổi, chưa bịt mắt hoặc đã bịt mắt nhưng không hiệu quả. Các cách chỉnh thị cụ thể chúng ta có là bịt mắt lành và vẽ/xâu hạt cườm một giờ mỗi ngày, sử dụng các thiết bị nhãn khoa như authscope, coordinator, synoptophore,… (các thiết bị nhãn khoa này được sử dụng với mục đích điều trị tương ứng võng mạc bất thường và phục hồi định thị trung tâm hoàng điểm).
– Thuốc: Phương pháp này thường được chỉ định cho người bệnh lác do co quắp điều tiết và không thể chỉnh kính. Thuốc được sử dụng trong phương pháp này là các thuốc giãn đồng tử mạnh, giúp hạn chế nhu cầu điều tiết khi nhìn gần và mức độ quy tụ do điều tiết.
2.3. Cách để mắt hết lé bằng phẫu thuật phục hồi hoạt động cơ vận nhãn
Nếu chỉnh kính và điều trị nhược thị không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉnh định người bệnh lác phẫu thuật phục hồi hoạt động cơ vận nhãn. Mục tiêu của phẫu thuật là làm mạnh lên, yếu đi hoặc thay đổi vị trí một hoặc một vài cơ vận nhãn nhằm thiết lập lại sự cân bằng trong hoạt động của chúng.
Phía trên là 3 cách để mắt hết lé được áp dụng tại thời điểm này. Hy vọng rằng với chúng, bạn đã có cái nhìn tổng quát về bệnh lý nhãn khoa này, từ đó lựa chọn đúng phương pháp và điều trị hiệu quả lác.