Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Giật mình là một biểu hiện thường gặp khi trẻ bị tay chân miệng. Vậy, tại sao bé bị tay chân miệng ngủ hay giật mình? Cùng Thu Cúc TCI làm sáng tỏ vấn đề này trong bài viết sau, bố mẹ nhé!
Menu xem nhanh:
1. Sơ lược về tay chân miệng
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do Enterovirus gây ra, trong đó, Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71) là 2 chủng Enterovirus gây tay chân miệng phổ biến nhất. Bệnh truyền nhiễm này lây dễ dàng qua tiếp xúc với dịch tiết mũi họng, dịch tiết sang thương da và phân.
Giữa Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71) thì EV71 ít gặp hơn nhưng lại nguy hiểm hơn. Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, tử vong vì tay chân miệng chủ yếu là các trường hợp phát sinh do EV71. Trước đó, các trường hợp này sẽ phải đối diện với một hoặc nhiều biến chứng như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp,… Nếu phát sinh do Coxsackievirus A16, trẻ tay chân miệng sẽ tự khỏi sau 7 – 10 ngày.
Trẻ bị tay chân miệng thường sốt, sau đó thì nổi sang thương tại niêm mạc và da. Ban đầu, sang thương tồn tại dưới dạng phỏng nước và mọc ở môi, lợi, lưỡi, má trong, họng, lòng bàn tay, mông, đầu gối, lòng bàn chân. Sau một thời gian ngắn, sang thương ở môi, lợi, lưỡi, má trong, họng sẽ vỡ, tạo thành các vết loét, kích thước 2 – 3mm, gây đau cho trẻ. Sang thương ở lòng bàn tay, mông, đầu gối, lòng bàn chân, kích thước 2 – 10mm, thì ít vỡ, sẽ teo và biến mất theo thời gian.
Ngoài sốt và nổi sang thương tại niêm mạc và da, trẻ bị tay chân miệng còn có thể giật mình khi ngủ.
2. Giải đáp chi tiết: Tại sao bé bị tay chân miệng ngủ hay giật mình?
2.1. Giật mình là một biểu hiện nhiễm độc thần kinh ở trẻ bị tay chân miệng
Theo chuyên gia, giật mình chới với là một trong 3 biểu hiện nặng điển hình của tay chân miệng. Đây là dấu hiệu cho thấy, ở trẻ, đã xuất hiện nhiễm độc thần kinh, nếu không điều trị kịp thời, tình trạng này có thể tiếp tục tiến triển đến các biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm não,…
Dấu hiệu giật mình chới với trong tay chân miệng ở trẻ khá đặc biệt. Dấu hiệu này có thể được nhận biết như sau:
– Trẻ vừa ngủ thì giật nảy người, cả hai tay hai chân đều nâng lên không trung, mở mắt rồi lại nhắm mắt thiu thiu. Tình trạng nặng, trẻ sẽ giật mình liên tục, thậm chí giật mình ngay cả khi ngủ sâu.
– Ngay cả khi đang thức và chơi, trẻ cũng có thể bị giật mình.
2.2. Các biểu hiện nhiễm độc thần kính khác ở trẻ bị tay chân miệng
Ngoài giật mình chới với, trẻ bị tay chân miệng còn có 2 biểu hiện nhiễm độc thần kinh điển hình khác mà phụ huynh cũng cần hết sức lưu tâm, là:
– Trẻ quấy khóc nhiều, quấy khóc cả đêm, cứ khoảng 15 – 20 phút trẻ lại dậy, quấy khóc trong khoảng 15 – 20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều phụ huynh cho rằng trẻ quấy khóc nhiều là do trẻ đau vì loét miệng.
– Trẻ sốt trên 38 độ, thời gia kéo dài trên 48 giờ, đáp ứng kém hoặc không đáp ứng các thuốc hạ sốt thông thường. Ví dụ: Trẻ sốt cao 39 – 40 độ C, ngay cả khi đã uống thuốc hạ sốt, nhiệt độ cũng không hạ đáng kể, sau đó trẻ tiếp tục sốt cao. Trẻ sốt không cao và có thể hạ được nhưng tình trạng sốt kéo dài trên 48 giờ thì cũng được coi là biểu hiện của nhiễm độc thần kinh.
Ngoài 3 biểu hiện trên, một số trẻ tay chân miệng còn đi không vững, hoặc nôn ói liên tục. Một số trẻ khác lại run nhẹ tay hoặc run nhẹ toàn thân. Cũng có trẻ thở mệt, thở bất thường, ngủ li bì hoặc vã mồ hôi lạnh. Tất cả những biểu hiện đó đều bất thường, cho thấy bệnh truyền nhiễm cấp tính tay chân miệng đang chuyển biến tiêu cực và bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín gần nhất ngay để trẻ được điều trị kịp thời.
Để tránh tình trạng diễn tiến nặng, phụ huynh cần theo dõi sát sao và nhận biết các triệu chứng sớm của tay chân miệng. Các triệu chứng sớm đó bao gồm sốt và nối sang thương tại niêm mạc và da, như đã chia sẻ phía trên.
Bố mẹ cần lưu ý, cũng có trường hợp, thay vì chỉ nổi ở môi, lợi, lưỡi, má trong, họng, lòng bàn tay, mông, đầu gối, lòng bàn chân, trẻ lại nổi sang thương khắp cơ thể. Lúc này, rất khó để phân biệt tay chân miệng với sốt phát ban. Trong một số trường hợp khác, kích thước của sang thương thay vì chỉ 2 – 3mm, lại rất lớn, dễ nhầm lẫn với sang thương ở thủy đậu. Cũng đôi khi, trẻ chỉ loét miệng và phụ huynh có thể nghĩ trẻ bị nhiệt miệng. Chính vì vậy, khi trẻ có dấu hiệu bất thường, bố mẹ không tự chẩn đoán, tự điều trị và đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để bác sĩ nhi khoa giúp bố mẹ làm điều đó.
Phía trên là lời giải đáp chi tiết cho thắc mắc tại sao trẻ bị tay chân miệng ngủ hay giật mình. Theo đó, giật mình là một dấu hiệu cho thấy trẻ bị tay chân miệng đã có biến chứng thần kinh. Ngoài dấu hiệu này, biến chứng thần kinh do tay chân miệng còn biểu hiện sự tồn tại của nó thông qua một số dấu hiệu khác như: Trẻ quấy khóc dữ dội; trẻ sốt cao kéo dài, đáp ứng kém hoặc không đáp ứng với các phương pháp hạ sốt thông thường (chườm lạnh và uống thuốc hạ sốt); trẻ yếu chi; trẻ thở khó; trẻ nôn nhiều; trẻ rối loạn tri giác (li bì, lơ mơ,…);… Khi trẻ có các triệu chứng bất thường này, bố mẹ phải đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín gần nhất ngay để trẻ được điều trị kịp thời, tránh những hệ lụy đáng tiếc.
Với những thông tin trên, hy vọng rằng bố mẹ có thể bảo vệ trẻ an toàn tuyệt đối trước tay chân miệng. Để biết thêm các thông tin chuyên sâu khác về bệnh truyền nhiễm cấp tính này, liên hệ Thu Cúc TCI, bố mẹ nhé!