Tăng nhãn áp là bệnh lý có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó phổ biến nhất là đối tượng trung niên và người cao tuổi. Dù không phải bệnh hiểm nghèo nhưng bệnh tăng nhãn áp nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều tổn thương mắt, thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ mù lòa vĩnh viễn. Nếu bạn đang tìm kiếm câu trả lời cho thắc mắc tăng nhãn áp xử trí thế nào hiệu quả, an toàn thì đừng bỏ qua bài này để có được đáp án chi tiết nhé.
Menu xem nhanh:
1. Các nguyên nhân thường gây nên bệnh lý tăng nhãn áp
Tăng nhãn áp còn được biết đến với tên gọi khác là bệnh thiên đầu thống. Bệnh tăng nhãn áp sẽ xảy ra khi áp lực của dịch bên trong thủy nhãn bị cao hơn bình thường, gây một áp lực nặng lên mắt.
Thông thường, chỉ số áp lực nội nhãn của một người khỏe mạnh bình thường chỉ khoảng khoảng 10 – 20 mm thủy ngân. Còn ở người bệnh tăng nhãn áp, chỉ số này tăng cao hơn rất nhiều, có trường hợp còn lên tới 60 – 70mm thủy ngân. Chính tình trạng áp lực mắt bị tăng cao một cách quá mức, bất thường như vậy sẽ gây nên sự chèn ép dây thần kinh thị giác, làm chết dần các tế bào thần kinh trong mắt.
Bản chất thì nguyên nhân gây bệnh tăng nhãn áp thường xuất phát từ việc mắt phải sản xuất quá nhiều chất lỏng hoặc hệ thống thoát dịch thủy của mắt gặp vấn đề. Khi góc thoát dịch thủy của mắt bị tắc, tình trạng chất lỏng bị tích tụ và tăng áp lực mắt sẽ xảy ra. Lý do dẫn tới sự tích tụ này thường là vì:
– Góc thoát dịch của mắt bị đóng;
– Khu vực trước mống mắt dù vẫn mở nhưng dịch lại không được thoát đúng cách;
– Các đám sợi sắc tố hoặc protein đã gây cản trở góc thoát dịch;
– Sự tổn thương mắt phải chịu trước đó;
– Bệnh ung thư mắt đã cản góc thoát dịch.
Hiện nay, bệnh tăng nhãn áp gồm 4 loại cơ bản: tăng nhãn áp thứ phát, tăng nhãn áp góc mở, tăng nhãn áp góc đóng và tăng nhãn áp bẩm sinh.
2. Những ảnh hưởng của bệnh tăng nhãn áp tới người bệnh
Người trung niên và cao tuổi là đối tượng mắc bệnh tăng nhãn áp rất nhiều. Đây cũng là quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, tuổi cao khiến mắt bị kém đi. Thế nhưng ngày nay, do áp lực công việc cao cùng, thường xuyên phải tiếp xúc, sử dụng các thiết bị điện tử trong nhiều tiếng liền đã khiến không ít người trẻ cũng mắc tăng nhãn áp.
Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, bệnh tăng nhãn áp sẽ gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh:
– Giảm chất lượng cuộc sống vì thị lực yếu hơn, tầm nhìn giảm, người bệnh hay bị đau mỏi mắt… Mọi hoạt động vui chơi, sinh hoạt đều vì thế bị ảnh hưởng theo;
– Giảm hiệu quả công việc vì thị lực yếu sẽ làm giảm tập trung làm chậm lại tốc độ, năng suất làm việc;
– Có thể gây nhiều hệ quả nghiêm trọng tới sức khỏe, nặng nhất bệnh có thể dẫn tới mù lòa vĩnh viễn.
3. Bệnh tăng nhãn áp có thể chữa khỏi hẳn được không?
Theo chuyên gia, bệnh tăng nhãn áp hiện vẫn chưa có phương pháp để điều trị khỏi hẳn, các tổn thương do bệnh cũng rất khó phục hồi. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị sớm với phác đồ phù hợp, hệ quả mất thị lực sẽ được ngăn chặn hoặc ít nhất cũng có thể giúp làm chậm quá trình mất thị lực cho người bệnh.
4. Bệnh tăng nhãn áp xử trí thế nào? 4 cách điều trị hiệu quả
Nếu bạn đang thắc mắc bệnh tăng nhãn áp xử trí thế nào để đạt hiệu quả điều trị tốt thì có thể tham khảo ngay 4 cách điều trị sau:
4.1. Dùng thuốc nhỏ mắt để điều trị tăng nhãn áp
Sử dụng thuốc nhỏ là phương pháp được áp dụng với bệnh nhân tăng nhãn áp ở mức độ nhẹ, mới bắt đầu điều trị bệnh.
Trên thị trường hiện có rất nhiều loại thuốc nhỏ mắt có tác dụng điều trị bệnh tăng nhãn áp. Một số loại thuốc nhỏ mắt thường được dùng để điều trị bệnh này có thể kể đến như: Prostaglandin, thuốc co đồng tử, thuốc chẹn beta, chất đồng vận alpha…
Nhìn chung, các thuốc nhỏ mắt điều trị tăng nhãn áp đều hướng đến giúp chất lỏng trong mắt người bệnh có thể thoát ra ngoài một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất, người bệnh cần dùng thuốc nhỏ mắt được bác sĩ chỉ định, không nên tự ý mua thuốc để điều trị.
4.2. Uống thuốc điều trị bệnh tăng nhãn áp
Khi phương pháp dùng thuốc nhỏ mắt không cho kết quả như mong đợi, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân tăng nhãn áp dùng đồng thời thêm thuốc uống. Các bệnh nhân tăng nhãn áp loại khác nhau cũng có phác đồ điều trị khác nhau.
Thông thường, bệnh nhân tăng nhãn áp hay được bác sĩ kê thêm thuốc điều trị để tăng sự thoát chất lỏng trong mắt hoặc làm chậm lại quá trình tạo dịch: thuốc chẹn beta hay chất ức chế anhydrase carbonic.
4.3. Điều trị tăng nhãn áp với phẫu thuật bằng laser
Khi cả 2 cách dùng thuốc nhỏ mắt và thuốc uống đều không có hiệu quả, bác sĩ sẽ khuyên người bệnh nên điều trị tăng nhãn áp bằng laser. Đây là phương pháp sử dụng tia laser để chiếu vào vùng xung quanh góc thoát nước, mở thông các kênh bị tắc.
Thực tế, bệnh nhân tăng nhãn áp có thể tiến hành phẫu thuật laser nhiều lần. Thế nhưng, kết quả lần phẫu thuật sau thường không cao như lần trước đó.
4.4. Phẫu thuật cắt bè củng giác mạc trị tăng nhãn áp
Bệnh nhân tăng nhãn áp ở mức độ nặng có thể sẽ được bác sĩ tư vấn phẫu thuật cắt bè củng giác mạc, nếu cần thiết. Với phương pháp phẫu thuật này, bác sĩ sẽ tạo một khe nhỏ trong củng mạc, một sẹo bọng trong phần kết mạc của người bệnh nhằm tạo bộ lọc. Thủy dịch của bệnh nhân nhờ đó có thể thoát ra ngoài dễ dàng hơn và làm giảm nhãn áp.
Trên đây bài viết đã giải đáp tới bạn đọc bệnh tăng nhãn áp xử trí thế nào thì tốt. Tuy nhiên cần lưu ý rằng: bệnh nhân tăng nhãn áp nên điều trị theo cách nào để đạt hiệu quả thì cần có sự kiểm tra, tư vấn của bác sĩ. Nếu còn thắc mắc gì thêm, bạn đọc có thể liên hệ ngay Thu Cúc TCI để được các bác sĩ chuyên Khoa mắt của Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI giải đáp tận tình, chi tiết nhé.