Những năm gần đây, khái niệm khám sức khỏe tổng quát đã không còn xa lạ đối với người Việt. Thay vì đợi tới khi cơ thể xuất hiện dấu hiệu bất thường, nhiều người đã chủ động đi khám tổng quát hàng năm nhằm dự phòng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm, đồng thời có phương án xử trí kịp thời nếu không may mắc bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Nguy cơ bỏ sót bệnh vì không đi khám sức khỏe
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trên 70% người bệnh ung thư đi khám, phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn muộn. Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong do mắc ung thư ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn làm giảm cơ hội điều trị bệnh thành công, đồng thời kéo theo nhiều hậu quả nặng nề như suy giảm sức khỏe, cạn kiệt tài chính, vô sinh đối với các trường hợp mắc ung thư phần phụ, ảnh hưởng về tâm lý và tinh thần người bệnh.
Cần lưu ý rằng, nhiều bệnh hầu như không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu, hoặc triệu chứng tương đối mờ nhạt, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác. Điều này dẫn đến tâm lý chủ quan ở người bệnh, từ đó khiến tình trạng bệnh có cơ hội phát triển, thậm chí ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Có 3 quan niệm sai lầm cần loại bỏ trong quá trình chăm sóc sức khỏe, đó là: Bệnh tật chỉ xảy ra ở người cao tuổi, nếu đã sống lành mạnh thì không lo mắc bệnh và chỉ cần đến bệnh viện khi cơ thể có dấu hiệu bất thường. Đây đều là những suy nghĩ chủ quan, vô hình chung tước đi cơ hội phát hiện và chữa trị bệnh từ giai đoạn sớm. Hiện nay, có đến 1/3 trường hợp đột quỵ nằm trong độ tuổi trẻ và trung niên. Số ca mắc mới và điều trị các bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư cũng ngày càng trẻ hóa. Bên cạnh đó, nguy cơ bệnh tật có thể đến từ những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta (ô nhiễm môi trường sống, thực phẩm bẩn, biến đổi gen). Vậy nên, có thể nhấn mạnh rằng hoạt động kiểm tra sức khỏe định kỳ là rất cần thiết đối với tất cả mọi người.
2. Mỗi đối tượng có một thể trạng sức khỏe khác nhau
Hiểu được tầm quan trọng của khám sức khỏe tổng quát, mỗi người cần trang bị kiến thức riêng để chủ động chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình. Thực tế, mỗi người có một thể trạng sức khỏe khác nhau, phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, tiền sử bệnh lý và lối sinh hoạt thường ngày. Tuy nhiên, có một số xét nghiệm và sàng lọc chung được khuyến nghị cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi. Cụ thể:
– Trẻ em và thanh thiếu niên nên kiểm tra cân nặng, chiều cao, huyết áp, tiêm chủng theo khuyến nghị của Bộ Y tế, khám mắt, khám tai mũi họng và khám răng hàm mặt định kỳ.
– Người trưởng thành nên kiểm tra huyết áp, chỉ số mỡ máu và đường huyết, sàng lọc ung thư sớm, khám mắt để phát hiện bệnh tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể. Nữ giới nên thực hiện xét nghiệm Pap và chụp X-quang tuyến vú.
– Người cao tuổi nên thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán mỡ máu, tiểu đường, gout, chức năng gan, chức năng thận. Khám xương khớp định kỳ và các bệnh lý hô hấp. Ngoài ra, người cao tuổi nên tầm soát phát hiện ung thư sớm, đặc biệt là các loại ung thư thường gặp như cổ tử cung, vú, dạ dày, gan, phổi, đại trực tràng,…
Trong quá trình thăm khám, hãy thẳng thắn trao đổi với bác sĩ về tình trạng sức khỏe hiện tại, đừng giấu bệnh hay tiền sử bệnh gia đình. Mỗi người cần một chế độ dinh dưỡng, tập luyện và sinh hoạt khác nhau. Dựa vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị bệnh phù hợp, đồng thời hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe tại nhà sao cho khoa học, phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm.
3. Đọc kỹ trước khi đi khám sức khỏe tổng quát
3.1. Chi tiết một buổi khám sức khỏe tổng quát
Trong Hướng dẫn khám sức khỏe do Bộ Y tế ban hành, những danh mục nằm trong quy trình thăm khám tổng quát đã được liệt kê rõ ràng, nhằm đáp ứng nhu cầu kiểm tra sức khỏe toàn diện của mọi đối tượng. Theo đó, một buổi thăm khám tổng quát sẽ gồm có những danh mục sau đây:
– Đánh giá chỉ số sinh tồn thông qua chiều cao, cân nặng, huyết áp, nhịp tim, chỉ số BMI,…
– Khám tổng quát và tư vấn với bác sĩ nội nhằm đánh giá chức năng hoạt động của các cơ quan (tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, xương khớp, gan mật, thận – tiết niệu, thần kinh,…)
– Khám lâm sàng các chuyên khoa: Mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, da liễu, ngoại, phụ khoa đối với nữ giới, nam khoa đối với nam giới.
– Khám cận lâm sàng, gồm có xét nghiệm máu và nước tiểu, chụp X-quang tim phổi, siêu âm ổ bụng.
Căn cứ vào nhu cầu và tình trạng sức khỏe của mỗi cá nhân, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các danh mục khám thiết yếu hoặc chọn gói khám tổng quát phù hợp. Một số danh mục khám chuyên sâu giúp hỗ trợ kiểm tra sức khỏe toàn diện là nội soi tiêu hóa, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, đo mật độ xương, siêu âm tuyến giáp, siêu âm tuyến vú, các xét nghiệm hỗ trợ sàng lọc và phát hiện sớm nguy cơ mắc ung thư.
3.2. Chi phí cần chuẩn bị cho một lần thăm khám
Chi phí kiểm tra sức khỏe tổng quát thường có sự chênh lệch giữa các cơ sở y tế, do sự khác biệt về cơ sở vật chất và chất lượng dịch vụ. Mỗi dịch vụ khám lẻ sẽ dao động từ 50.000 – 300.000 đồng hoặc cao hơn.
Đối với dịch vụ gói khám tổng quát, chi phí sẽ được niêm yết trọn gói và hầu như không phát sinh thêm. Người dân đăng ký khám gói có thể chủ động chuẩn bị chi phí, không lo ngại việc gián đoạn quy trình khám. Trường hợp sau khám phát hiện dấu hiệu bệnh tiềm ẩn, bác sĩ sẽ chỉ định khám thêm một số danh mục chuyên sâu nhằm đưa ra kết luận chính xác. Lúc này, bạn có thể sắp xếp đi khám tiếp vào thời gian gần nhất nếu như không mang đủ chi phí thực hiện các danh mục ngoài gói khám.
Tại Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI, chi phí cho một gói khám tổng quát có thể dao động từ 1.500.000 đồng trở lên. Hơn 100 gói khám được thiết kế bởi đội ngũ chuyên gia đầu ngành về sàng lọc bệnh lý, phù hợp với nhiều đối tượng và tiết kiệm hơn so với khám lẻ. Chi tiết về giá gói khám, bạn có thể liên hệ TCI để được tư vấn sớm nhất!
3.3. Lưu ý cần nhớ trước khi đi khám sức khỏe tổng quát
Có một số lưu ý cần nhớ trước khi đi kiểm tra sức khỏe tổng quát nhằm đảm bảo quy trình khám diễn ra suôn sẻ và thu về kết quả chính xác.
– Chuẩn bị các giấy tờ cần thiết, bao gồm giấy tờ tùy thân, bảo hiểm y tế, hồ sơ bệnh án cũ, đơn thuốc đang sử dụng.
– Nhịn ăn sáng nếu cần xét nghiệm đường huyết, mỡ máu.
– Ngưng sử dụng một số loại thuốc có thể gây ảnh hưởng đến kết quả khám.
– Nghỉ ngơi đầy đủ để giữ tinh thần thoải mái và tỉnh táo trong quá trình thăm khám.
– Không sử dụng chất kích thích, đồ uống có cồn trước ngày thăm khám. Hãy uống nhiều nước để dễ dàng thực hiện các chỉ định siêu âm ổ bụng, siêu âm tuyến tiền liệt.
– Nữ giới cần kiêng quan hệ tình dục và đặt thuốc âm đạo trong vòng 3 ngày, nếu trong gói khám có danh mục khám phụ khoa.
Hãy hỏi bác sĩ các thông tin liên quan đến loại xét nghiệm cần nhịn ăn và loại thuốc nào cần ngưng sử dụng để tránh gây ảnh hưởng đến kết quả thăm khám. Nếu vẫn còn bất kỳ băn khoăn nào, hãy liên hệ với cơ sở y tế uy tín để được hỗ trợ giải đáp mọi thắc mắc.