Ung thư cổ tử cung phát triển theo 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là giai đoạn sớm nhất và có tỉ lệ chữa khỏi cao nhất. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu các cách điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 nhé.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung
Rất nhiều tác nhân có thể gây ung thư cổ tử cung, trong đó virus HPV chính là nguyên nhân hàng đầu. Virus HPV thường lây qua đường tình dục và có rất nhiều chủng khác nhau nhưng không phải chủng nào cũng dẫn tới ung thư. Có thể nói, mối liên hệ giữa virus HPV với ung thư cổ tử cung mạnh gấp 7 lần khi so sánh hút thuốc lá với ung thư phổi. Phụ nữ trong độ tuổi từ 35-60 ở các nước đang phát triển có nguy cơ nhiễm virus HPV cao hơn cả.
2. Một số dấu hiệu của ung thư cổ tử cung giai đoạn 1
Ở giai đoạn 1, các tế bào ung thư đã phát triển từ bề mặt cổ tử cung rồi lan dần xuống các mô sâu hơn của cổ tử cung. Ung thư chưa lan sang các hạch bạch huyết lân cận và cũng chưa xâm lấn các cơ quan khác trong cơ thể. Đây là giai đoạn điều trị hiệu quả nhất, người bệnh có nhiều cơ hội bảo toàn khả năng sinh sản và chữa khỏi bệnh.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc các triệu chứng của ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 vẫn chưa thực sự rõ ràng và dễ bị bỏ sót. Dưới đây là một số biểu hiện có thể gặp phải ở người bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn 1:
– Chảy máu bất thường ở âm đạo: âm đạo chảy máu không do chu kì kinh nguyệt, lượng máu nhỏ và khó nhận ra.
– Rối loạn kinh nguyệt: chu kỳ kinh nguyệt rút ngắn hoặc kéo dài bất thường, kinh nguyệt không đều, ít máu kinh hoặc ra quá nhiều máu…
– Tiết dịch âm đạo bất thường: dịch âm đạo có màu trắng đục, vàng hoặc xanh, dịch có lẫn máu và có mùi hôi…
3. Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn 1
Khi điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn 1, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật hoặc kết hợp với xạ trị và hóa trị. Phương pháp nào được lựa chọn sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, kích thước và mức độ xâm lấn của khối u, đặc biệt là mong muốn sinh con của người bệnh.
3.1. Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho ung thư cổ tử cung giai đoạn 1. Có thể thực hiện cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung để loại bỏ khối u. Kỹ thuật phẫu thuật ung thư cổ tử cung được chia thành 2 nhóm chính dưới đây:
Phẫu thuật bảo tồn khả năng sinh sản
Áp dụng trong trường hợp bệnh nhân còn trẻ và vẫn có mong muốn sinh con, khối u có kích thước nhỏ. Để thực hiện phẫu thuật bảo tồn cho người bệnh, bác sĩ sẽ xem xét lựa chọn một trong các cách làm sau:
– Phẫu thuật khoét chóp: loại bỏ khối u ngay cả khi đã ăn sâu vào thành cổ tử cung.
– Phẫu thuật lạnh: thường dùng với khối u nhỏ, chưa ăn sâu vào thành cổ tử cung.
– Phẫu thuật cắt bằng điện.
Sau phẫu thuật, người bệnh vẫn có thể mang thai và sinh con. Tuy nhiên có thể tồn tại một số ảnh hưởng nhất định tùy thuộc từng ca bệnh.
Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tử cung
Khi ung thư cổ tử cung đã bước sang giai đoạn tiến triển, khối u lan rộng sang lớp biểu mô cổ tử cung, các hạch bạch huyết và các mô lân cận thì phẫu thuật tại chỗ không thể xử lý triệt để được nữa. Lúc này người bệnh cần phải phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tử cung cũng như các cơ quan vùng chậu tùy theo mức độ ung thư xâm lấn.
– Phẫu thuật cắt bỏ một phần tử cung: mổ mở ổ bụng hoặc mổ nội soi để cắt bỏ cổ tử cung, thân tử cung.
– Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tử cung: Cắt bỏ tử cung và các cơ quan đã xuất hiện khối u di căn như phần trên âm đạo, ống dẫn trứng, buồng trứng,…
– Phẫu thuật cắt bỏ cơ quan vùng chậu: Cắt bỏ toàn bộ tử cung, âm đạo, buồng trứng, trực tràng, bàng quang.
3.2. Xạ trị
Xạ trị ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với phẫu thuật và hóa trị để tăng hiệu quả và tiêu diệt triệt để tế bào ung thư.
3.3. Hóa trị
Hóa trị cũng là một phương pháp được lựa chọn kết hợp cùng phẫu thuật để tối ưu hiệu quả điều trị cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn 1. Tuy nhiên, điều trị ung thư bằng phương pháp hóa trị có thể khiến bệnh nhân gặp một số tác dụng phụ nên người bệnh cần lưu ý và chuẩn bị trước tâm lý.
Nói một cách ngắn gọn, hầu hết ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 đều đáp ứng tốt khi được điều trị bằng phẫu thuật. Để ngăn bệnh tiến triển nặng và hạn chế nguy cơ tái phát, bạn nên chủ động đi khám định kỳ và tái khám theo lịch hẹn với bác sĩ để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.