Thấp tim là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm liên quan đến liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A. Điều trị thấp tim không chỉ là quá trình làm giảm triệu chứng mà còn hướng tới mục tiêu phòng ngừa tái phát. Do vậy, việc này cần sự chủ động và kiên trì của người bệnh. Cùng tìm hiểu các phương pháp điều trị bệnh thấp tim và cách phòng ngừa tái phát hiệu quả trong bài viết sau.
Menu xem nhanh:
1. Mục tiêu, các loại thuốc điều trị thấp tim
1.1 Mục tiêu điều trị thấp tim
Đối với các bệnh nhân thấp tim, mục tiêu của việc điều trị là:
– Giảm các triệu chứng cấp tính như sưng đau, nóng, đỏ khớp, đau tức ngực, khó thở, mệt mỏi… ở người bệnh
– Tiêu diệt liên cầu khuẩn ở vùng họng của bệnh nhân
– Phòng ngừa tái nhiễm vi khuẩn liên cầu
– Giáo dục bệnh nhân và người thân trong gia đình, giúp họ hiểu rõ hơn về bệnh thấp tim và vai trò của việc tuân thủ đúng phác đồ của bác sĩ.
Ngoài ra, tại các cơ sở y tế, thân nhân của người bệnh cũng được thực hiện cấy họng hoặc làm xét nghiệm nhanh để kiểm tra sự tồn tại của vi khuẩn Streptoccocus. Nếu kết quả là dương tính thì họ cũng phải được điều trị.
Trong điều trị thấp tim, các bác sĩ thường ưu tiên dùng thuốc kháng sinh, chống viêm và điều trị suy tim đối với cả trẻ em và người lớn.
1.2 Các loại thuốc dùng trong điều trị thấp tim
Một số loại thuốc được bác sĩ kê toa trong điều trị bệnh thấp tim bao gồm:
– Thuốc kháng sinh: Các loại phổ biến nhất là Penicillin, macrolide và cephalosporin I hoặc II.
– Thuốc chống viêm khớp: Bệnh nhân thường được kê Aspirin, Naproxen hoặc Ibuprofen, dùng cho đến khi hết triệu chứng lâm sàng. Liều có thể giảm khi phản ứng viêm hết, bệnh nhân trở lại bình thường.
– Thuốc chữa viêm tim: Gồm các loại thuốc chuyên biệt như NSAIDs, corticoids và IVIG.
– Thuốc điều trị tổn thương hệ thần tinh: Khi có biểu hiện múa vờn, múa giật thì bệnh nhân cần được nghỉ ngơi kết hợp dùng carbamazepine. Có thể dùng thêm corticoide hoặc IVIG nếu tình trạng rối loạn vận động mất kiểm soát diễn tiến nặng hơn.
Các loại thuốc này chỉ là tham khảo và không thể áp dụng chung cho mọi bệnh nhân. Tùy từng trường hợp (độ tuổi, thể trạng của bệnh nhân, các bệnh đi kèm) mà bác sĩ có thể điều chỉnh loại thuốc và liều lượng phù hợp. Bệnh nhân cần thăm khám và uống đúng đơn thuốc được kê, không tự ý ngưng thuốc hoặc thay đổi đơn thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ vì có thể gây các tác dụng phụ và ảnh hưởng đến kết quả điều trị chung.
1.3 Theo dõi khi điều trị
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần được:
– Theo dõi tốc độ lắng hồng cầu máu (ESR) và protein C phản ứng (CRP)
– Đảm bảo chỉ số CRP > ESR
– Làm xét nghiệm C-Reactive Protein (CRP) 2 lần/tuần, duy trì cho đến khi các triệu chứng lâm sàng có dấu hiệu ổn định. Khi bệnh nhân bình thường trở lại, tần suất kiểm tra CRP giảm xuống còn 1 – 2 tuần/lần.
Trong quá trình điều trị thấp tim, người bệnh và thân nhân cần lưu ý một số điều sau:
– Nơi nghỉ ngơi của người bệnh cần đảm bảo yên tĩnh, thoáng mát, đầy đủ tiện nghi, có người nhà chăm sóc trong sinh hoạt
– Nằm theo tư thế Foller (nửa nằm nửa ngồi) giúp hỗ trợ việc chữa thấp tim ở trẻ em, tránh gây khó thở, căng dây chằng các cơ
– Nên ăn các loại thức ăn nhẹ, dễ tiêu như sữa, cá, các loại hoa quả có nhiều kali, không uống quá nhiều nước
– Tránh vận động gắng sức như đi cầu thang bộ, làm việc chân tay, hạn chế vận động khớp ở mức thấp nhất thay vì xoa bóp hay chườm nóng lạnh tại khớp
– Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin nhóm B như B1, B6, B12 và thuốc an thần
– Theo dõi thân nhiệt thường xuyên
2. Nguy cơ tái phát thấp tim và cách phòng ngừa
2.1 Nguy cơ tái phát
Bệnh thấp tim có khả năng chữa khỏi nhưng nguy cơ bệnh tái phát cũng rất cao. Một số yếu tố nguy cơ khiến cho thấp tim có khả năng tái phát cao hơn gồm:
– Bệnh nhân không tuân thủ phác đồ mà bác sĩ đưa ra
– Người bệnh có tiền căn tái phát, đã vướng phải nhiều đợt tái phát trước đây
– Người bệnh thường xuyên tiếp xúc với người nhiễm liên cầu khuẩn
– Bệnh nhân mắc bệnh khi tuổi còn dễ tái phát bệnh hơn người trưởng thành
– Người bệnh đã từng bị thấp tim và có viêm tim ở tất cả các mức độ dù nặng hay nhẹ
– Bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh van tim hậu thấp
2.2 Phòng ngừa thấp tim tái phát
Để ngăn ngừa tái phát bệnh thấp tim, người bệnh cần thực hiện một số biện pháp sau:
– Điều trị kịp thời và tích cực bệnh viêm họng cũng như các viêm nhiễm vùng hầu họng khác do liên cầu khuẩn gây ra
– Uống kháng sinh mỗi tháng hoặc hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ trong thời gian nhất định. Cụ thể:
+ Đối với các bệnh nhân không bị viêm tim: Uống thuốc trong tối thiểu 5 năm sau đợt thấp cuối cùng, cho tới khi đủ 18 tuổi.
+ Đối với bệnh nhân có viêm tim: Thời gian kéo dài ít nhất 10 năm kể từ đợt thấp sau cùng cho đến năm bệnh nhân 21 tuổi. Tiếp tục theo dõi đến khi đủ thời gian trên.
+ Đối với viêm khớp hậu nhiễm khuẩn liên cầu: Thời gian cần theo dõi là 2 năm. Sau 2 năm vẫn cần phải kiểm tra thường xuyên bằng siêu âm tim. Nếu phát hiện thấy tổn thương thì cần kéo dài thời gian theo dõi và uống thuốc như các trường hợp có viêm tim.
– Nếu như đang trong quá trình phòng bệnh bằng Penicillin mà bệnh nhân bị viêm họng, thì phải điều trị cho người bệnh và cả thân nhân có tiếp xúc bằng Clindamycin.
Có thể thấy hiệu quả của quá trình điều trị thấp tim phụ thuộc rất nhiều vào ý thức và sự chủ động của người bệnh. Trong và sau quá trình điều trị, bệnh nhân cần thực hiện thăm khám thường xuyên và thưc hiện đúng các chỉ dẫn của bác sĩ để đem lại kết quả tốt nhất và phòng ngừa bệnh tái phát.